Ngày mai, các cử tri Vê-nê-xu-ê-la sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn người đứng đầu Nhà nước nhiệm kỳ 2013-2019. Ðây là cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng, được dư luận quốc tế, nhất là khu vực Mỹ la-tinh quan tâm theo dõi, bởi cuộc bầu cử này không chỉ quyết định tương lai chính trị của quốc gia Nam Mỹ, mà còn tác động và ảnh hưởng tới sự phát triển của một số nước trong khu vực. Mặc dù có tới sáu ứng cử viên tham gia tranh cử, nhưng thực chất cuộc chạy đua vào dinh Tổng thống Miraflores chủ yếu chỉ diễn ra giữa hai ứng cử viên là đương kim Tổng thống Cha-vết và đại diện phe đối lập E.Ca-pri-lết. Không khí vận động tranh cử Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la thời gian qua diễn ra sôi động và quyết liệt, phản ánh quá trình dân chủ hóa sâu sắc tại quốc gia Nam Mỹ này nói riêng và Mỹ la-tinh nói chung.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1999, Tổng thống U.Cha-vết đã tiến hành những cải cách sâu rộng về chính trị, kinh tế nhằm xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ, xóa bỏ nghèo đói, bất công ở quốc gia Nam Mỹ này. Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la sử dụng nguồn lợi to lớn từ dầu khí đầu tư cho các chương trình xã hội, cải thiện mức sống của các tầng lớp nhân dân lao động và tăng cường hợp tác liên kết khu vực. Các chính sách xã hội của Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la góp phần giảm đáng kể số người nghèo cũng như tỷ lệ thất nghiệp và bảo đảm mọi người dân tại quốc gia 29 triệu dân này được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội khác. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vết cam kết nếu giành thắng lợi, tiếp tục triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và cải thiện đời sống cho các tầng lớp nhân dân lao động, nhất là người nghèo. Trong đó, có những mục tiêu cụ thể như: phấn đấu xây dựng thêm hàng triệu nhà ở mới, chống trục lợi và đầu cơ giá lương thực, hàng hóa; nâng cao sản lượng dầu mỏ từ ba triệu thùng/ngày lên bốn triệu thùng/ngày vào năm 2014 và sáu triệu thùng/ngày vào năm 2019 nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh các chương trình xã hội mà Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Mặc dù phải đối mặt một số khó khăn, thách thức do tác động khủng hoảng tài chính thế giới, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu giảm sút, lạm phát còn cao, tội phạm vẫn chưa được đẩy lùi... nhưng đa số người dân Vê-nê-xu-ê-la vẫn tin tưởng và ủng hộ các chính sách tiến bộ của Tổng thống Cha-vết. Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Vê-nê-xu-ê-la, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 5,6% trong nửa đầu năm 2012. Tỷ lệ lạm phát giảm liên tiếp trong tám tháng qua, từ 27,6% tháng 12-2011 xuống còn 18,1% trong tháng 8. Ðây là những tín hiệu tích cực đối với Tổng thống Cha-vết trước thềm cuộc bầu cử.
Ứng cử viên đại diện cho liên minh đối lập Khối Ðoàn kết dân chủ (MUD) là cựu Thống đốc H.Ca-pri-lết, 40 tuổi, xuất thân trong một gia đình hoạt động kinh doanh tại Thủ đô Ca-ra-cát. Ông Ca-pri-lết tham gia hoạt động chính trị từ khi còn trẻ và được bầu là nghị sĩ QH khi mới 25 tuổi. Từ năm 2008, ông trở thành Thống đốc bang Mi-ran-đa cho đến khi được chỉ định là ứng cử viên chính thức của lực lượng đối lập cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Trong các cuộc vận động tranh cử, ứng cử viên Ca-pri-lết tập trung chỉ trích và khoét sâu những hạn chế, khó khăn mà Vê-nê-xu-ê-la đang đối mặt và tình trạng sức khỏe Tổng thống U.Cha-vết nhằm lôi kéo cử tri ủng hộ mình. Ông cũng khôn khéo thuyết phục cử tri bằng cam kết xây dựng Vê-nê-xu-ê-la theo đường lối cánh tả ôn hòa của cựu Tổng thống Bra-xin Lu-la đa Xin-va. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và các chương trình phúc lợi xã hội; đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm gần một triệu việc làm mới và tăng lương tối thiểu lên 581 USD...
Chính phủ đã triển khai khoảng 139.000 binh sĩ quân đội trên khắp đất nước để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử quan trọng này. Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vết vẫn đang giành được ưu thế với đa số cử tri ủng hộ và có nhiều cơ hội tái cử.