Kiểm
điểm, đánh giá thiếu nghiêm túc, không thực chất sẽ dẫn đến hậu quả là
việc đánh giá, bình bầu, xếp loại cán bộ không chính xác. Từ đây sẽ dẫn
tới nguy cơ sai lầm trong bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ, triển khai
các chính sách, đãi ngộ không phù hợp, tâm lý bất bình, mất động lực lao
động, phấn đấu, cống hiến trong nội bộ đơn vị.
Nguy hại hơn,
đánh giá cán bộ sai sẽ dễ dẫn đến nguy cơ thực hiện quy hoạch, đề bạt,
bổ nhiệm thiếu chính xác, có thể để lọt những người không xứng đáng vào
những vị trí lãnh đạo,... ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, uy tín của
tổ chức, cơ quan, đơn vị, thậm chí làm suy yếu tổ chức, đơn vị trong hệ
thống chính trị, trong đó có những tác động tiêu cực, cản trở, ảnh hưởng
tiến trình phát triển của đất nước.
Nhận thức rõ điều này, nhiều
năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm và ban hành nhiều chủ
trương, chính sách, chỉ thị, quy định, nghị định, hướng dẫn... nhằm chỉ
đạo, nâng cao hiệu quả công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể,
cá nhân ở các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Năm 2018,
Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về việc kiểm điểm và đánh
giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ
thống chính trị. Sau 5 năm thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW, công tác
đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân cán bộ, công chức đã đạt được những
kết quả tích cực, đáng ghi nhận, song có lúc, có nơi vẫn còn những yếu
kém, khuyết điểm, chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Thực tiễn ở một số cấp
ngành cho thấy công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu còn tồn đọng không
ít vấn đề phức tạp, cần chấn chỉnh.
Một trong những nguyên nhân
cơ bản là do căn bệnh hình thức, nể nang, xuôi chiều trong quá trình
thực hiện. Tại một số tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, việc kiểm
điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ vẫn còn tình trạng qua loa, đại khái,
mang tính hình thức, chiếu lệ, làm cho có, cho xong, cho đủ quy định chứ
chưa đi vào thực chất, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đáp ứng yêu cầu
thực tiễn.
Tình trạng nể nang, e ngại va chạm, sợ mất lòng, dễ
dãi, xuôi chiều, dĩ hòa vi quý, thậm chí lo ngại bị trù dập, cô lập, trả
thù, nhất là đánh giá, xếp loại thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị vẫn diễn ra
ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương... Vẫn còn hiện tượng định kiến,
kết bè, kết cánh, vào hùa thù ghét cá nhân trong việc đánh giá, xếp loại
thi đua.
Hậu quả là một số cán bộ yếu kém về năng lực, nhân cách
đạo đức... nhưng vẫn được cho qua để đánh giá tốt, xếp hạng cao, được
khen thưởng, đãi ngộ, cá biệt có trường hợp được quy hoạch, bổ nhiệm, đề
bạt, thăng chức. Ngược lại, không ít cán bộ có đủ năng lực, trình độ,
nhân phẩm,... nhưng do không cùng "phe cánh", không đồng thuận cùng hội
nhóm, bè phái… cho nên bị đánh giá, xếp loại thấp, thậm chí không được
đề bạt, bổ nhiệm, hoặc bị điều động, luân chuyển công tác.
Có thể
thấy chính những hạn chế trong công tác đánh giá, xếp loại là một
nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ cán bộ, công
chức nước ta, từ đó tác động đến hiệu quả hoạt động của đơn vị, đến tiến
trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đáng buồn là tại
một số cơ quan, đơn vị, vẫn tồn tại tình trạng không ít cán bộ, công
chức, thậm chí cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ và đúng
đắn về tầm quan trọng của công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ,
chưa lường hết những hậu quả, tác hại khôn lường của việc thực hiện
đánh giá, xếp loại cán bộ sai, thậm chí còn cho rằng làm như vậy mới
giúp bảo đảm sự đoàn kết của đơn vị.
Đây là một trong những lý do
khiến căn bệnh hình thức, nể nang, xuôi chiều trong đánh giá cán bộ tồn
tại và ăn sâu bám rễ lâu đến vậy; từ đây đòi hỏi cần phải nhận diện rõ
cũng như chú trọng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để nâng cao nhận thức
và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với việc thực hiện
nghiêm túc công tác đánh giá, xếp loại; đồng thời có những biện pháp
quyết liệt hơn để phê phán, ngăn chặn, loại bỏ triệt để căn bệnh hình
thức, bảo đảm thực chất, hiệu quả hoạt động này.
Ngày 4/10/2023
vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 124-QĐ/TW về việc kiểm điểm
và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong
hệ thống chính trị với nhiều điểm mới được bổ sung cụ thể hơn, thiết
thực hơn so với quy định cũ, đồng thời những điểm đã được nêu ở quy định
cũ được điều chỉnh, bổ sung, nhấn mạnh, làm rõ hơn.
Quy
định nhằm nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa,
thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, góp
phần phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự
chuyển hóa", tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao năng lực lãnh đạo
và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh. Sự ra đời của Quy định số 124-QĐ/TW cho thấy
quyết tâm cao của Đảng ta trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công
tác đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức
trong toàn hệ thống chính trị nhằm đem lại một sự thay đổi về chất mang
tính đột phá trong công tác cán bộ.
Tại Quy định số 124-QĐ/TW, từ
những quan điểm chỉ đạo chung cho đến những nội dung, tiêu chí đánh
giá, xếp loại… đều được nêu chi tiết, cụ thể giúp mọi tổ chức, cơ quan,
đơn vị có thể dễ dàng nắm bắt và tổ chức thực hiện, đồng thời đảm bảo
tính chuẩn xác trong đánh giá, xếp loại đối với các đối tượng cán bộ,
công chức ở những vị trí khác nhau.
Ngay ở phần đầu, Quy định số
124-QĐ/TW đã bổ sung khẳng định rõ về mục đích của việc kiểm tra, đánh
giá, xếp loại là để nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi,
tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, nhìn nhận được hạn chế, khuyết
điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái,
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của các
tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Do đó, yêu cầu không chỉ các cấp
ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, tổ chức, cơ quan, đơn vị nhất là
người đứng đầu, mà từng cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức, trách
nhiệm trong kiểm điểm, đánh giá, bình bầu; bảo đảm trung thực, thẳng
thắn, công tâm, khách quan, công khai, thực chất; nêu cao trách nhiệm và
sự gương mẫu trong quá trình thực hiện.
Quy định số 124-QĐ/TW
cũng nêu rõ, để đem lại hiệu quả thực chất công tác kiểm điểm, đánh giá,
xếp loại cán bộ thì các tiêu chí để tập thể, cá nhân căn cứ vào đó kiểm
điểm, đánh giá, bình bầu cần rõ ràng, cụ thể, chi tiết và thiết thực.
Do đó, bên cạnh các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống,
trách nhiệm với công việc, thì cần phải bổ sung nhiều tiêu chí khác để
bảo đảm tính chuẩn xác trong đánh giá cán bộ đáp ứng yêu cầu của công
cuộc phát triển đất nước trong thời đại mới, trong đó không thể thiếu
các tiêu chí quan trọng như trách nhiệm nêu gương, việc thực hiện những
điều đảng viên không được làm, đối chiếu với những biểu hiện suy thoái,
tự diễn biến, tự chuyển hóa, tinh thần đoàn kết thống nhất nội bộ,…
Đặc
biệt, trong Quy định số 124-QĐ/TW, việc đánh giá cá nhân đã có sự phân
định rõ giữa cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hay không. Đương
nhiên, với cán bộ càng giữ chức vụ cao thì những yêu cầu đánh giá, xếp
loại càng phải cao hơn, nghiêm khắc hơn với những tiêu chí cụ thể, rõ
ràng, không chỉ đánh giá về những mặt cơ bản cốt yếu của cán bộ lãnh đạo
như năng lực, trình độ, phẩm chất, trách nhiệm nêu gương của bản thân
và gia đình… mà còn đánh giá cả khả năng quy tụ, xây dựng đoàn kết nội
bộ, tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm; khả năng xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm trong
thực hiện nhiệm vụ, và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Hơn
thế, cán bộ lãnh đạo quản lý còn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra
những vấn đề bức xúc, phức tạp, có đơn, thư khiếu nại, tố cáo; mất đoàn
kết nội bộ; tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái, "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa"; có tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý bị kỷ luật,
khởi tố,...
Với những điểm bổ sung cụ thể, rõ ràng, thiết thực
đó, Quy định số 124-QĐ/TW không chỉ giúp nâng cao nhận thức, ý thức
trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, tổ chức, cơ
quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nghiêm túc việc
đánh giá, xếp loại, ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh hình thức, nể nang,
xuôi chiều, dĩ hòa vi quí… trong quá trình thực hiện đánh giá xếp loại
mà còn giúp các cơ quan, đơn vị có căn cứ, cơ sở để thực hiện đúng và
bảo đảm tính chính xác, chân thực, hiệu quả của công tác kiểm điểm, đánh
giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Với quyết
tâm chính trị cao như vậy, đồng thời tăng cường sự chỉ đạo, phối kết
hợp của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, trong thời gian tới chắc
chắn sẽ có những sự thay đổi tích cực đối với công tác đánh giá, xếp
loại cán bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh
mới, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
TS. HOÀNG THỊ KIM OANH (nhandan.vn)