Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 14/10/2009 16:22'(GMT+7)

Bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng cao

 

Tuy nhiên, không ít người dân Hà thành vẫn chủ quan, không hợp tác với nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Trưởng khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, hiện nay Hà Nội đang ở “đỉnh” dịch sốt xuất huyết, dự kiến dịch sẽ kéo dài đến tháng 11 và sau đó sẽ giảm dần. Do đó, số các ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng cao.

Thạc sĩ Cảm cho biết dịch sốt xuất huyết thường có tính chu kỳ. Chu kỳ ngắn từ 3 - 5 năm và chu kỳ dài là từ 5 - 10 năm lại xảy ra một vụ dịch lớn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, một người đã mắc sốt xuất huyết vẫn có thể tiếp tục mắc lại và bệnh có thể nặng hơn nếu nhiễm type virus khác so với lần đầu. Sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh là D1, D2, D3, D4.

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện nay do 2 loại virus là D1, D2 gây ra. Type D1 là type cổ điển, biểu hiện lâm sàng nhẹ như mệt mỏi đau cơ, nhức đầu mệt mỏi, xuất huyết ít, nhanh khỏi.

Sau lần mắc này, trong người bệnh nhân sẽ có kháng thể với huyết thanh D1, nhưng bệnh nhân vẫn có thể mắc sốt xuất huyết do type huyết thanh khác. Lúc này, trong cơ thể tồn tại song song 2 loại kháng thể có thể xảy ra sự xung đột giữa 2 kháng thể nên gây phản ứng, tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, bệnh nhân choáng, xuất huyết, trụy tim mạch… Vì vậy bệnh nhân có bệnh nặng hơn, gây khó khăn trong công tác điều trị.

Để tránh những biến chứng nặng, bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết chú ý từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 mắc bệnh, giai đoạn này sẽ xuất hiện những biến chứng, dễ dẫn đến hạ huyết áp, xuất huyết, suy chức năng các cơ quan.

Nếu người bệnh thấy dấu hiệu mệt nhiều, nôn nhiều, li bì hoặc bồn chồn, kích thích, đau bụng, đau gan, tức ngực khó thở, ho khan, đi tiểu ít  (từ 4 - 6 giờ không đi), chân tay lạnh, có những xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu lợi, chảy máu dưới da, nôn ra máu.... phải đến bệnh viện ngay.

Do đó, từng người dân nâng cao ý thức phòng dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng, chủ động diệt véctơ truyền bệnh-muỗi vằn, thường sống xung quanh nhà. Làm vậy, mới có thể tránh nguy cơ mắc bệnh và giúp ngành y tế dần “hạ nhiệt” dịch bệnh có thể gây chết người này./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất