Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 28/5/2011 18:51'(GMT+7)

"Bi - hài" chuyện nhà thu nhập thấp

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Dư luận chứng kiến 2 “cú sốc”. Cú “sốc” đầu tiên ngay từ khi bắt đầu thực hiện chủ trương đó là hình ảnh hàng dài xe ô tô… xếp hàng để người chủ đi mua nhà thu nhập thấp. Cú “sốc” thứ 2 đó là sự “lung linh” đến “choáng ngợp” khi báo chí chụp cận cảnh “nội thất xịn” của căn nhà thuộc diện chung cư thu nhập thấp ở chung cư Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Sàn nhà được lát gỗ, tủ tường, tủ bếp cũng là gỗ xịn, tủ lạnh, máy giặt điều hòa, ti vi đời mới 40 inch… có đủ cả. Ước đoán để “sắm” được những thứ đó phải mất cả trăm triệu đồng. Không chỉ thế, dưới hầm tòa nhà, người ta thấy cả những chiếc ô tô bóng loáng, hạng sang… được thông tin là của chính chủ nhân những căn hộ thu nhập thấp.

Ai chứng kiến, ai đọc, ai xem cũng “giật mình” và có quyền đặt câu hỏi: Những hộ gia đình này có thực sự là những người có thu nhập thấp? Chính vị lãnh đạo của đơn vị chủ đầu tư khi tham quan nhà cũng phải “giật mình” về nội thất các căn hộ và chua chát thốt ra một điều: “Về mặt quản lý, có lẽ, khâu xét duyệt vẫn còn có vấn đề”.

Còn nhớ trước khi ban hành chính sách đã có không ít ý kiến cảnh báo: Người thu nhập thấp không có đủ khả năng để mua loại nhà này cho dù được Nhà nước ưu đãi, vì trung bình giá mỗi căn lên tới 600 - 800 triệu đồng. TS. Phạm Sĩ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định: “Nếu người thu nhập thấp có khả năng mua được nhà thì họ không còn là người thu nhập thấp nữa”.

Đặt trường hợp được mua nhà, nhưng trong hoàn cảnh chưa xoay xở được tiền, chắc chắn người được quyền mua nhà chẳng dại gì bỏ suất mua. Họ sẽ tìm cách lách luật, thậm chí vi phạm luật để cố tình bán trao tay hòng hưởng một khoản chênh lệch. Thế mới thấy trên mạng người ta rao bán nhà thu nhập thấp công khai với giá cao gấp đôi so với giá ưu đãi, lên đến 20-22 triệu đồng/m2.

Thử hình dung, chỉ một căn nhà 60m2 thôi, nếu bán được, người có suất mua nhà sẽ “bỏ túi” 500 - 600 triệu đồng tiền chênh lệch. Đó cũng là nguyên do lý giải cho việc chuyển nhượng nhà thu nhập thấp diễn ra kín đáo, với những thỏa thuận mà cơ quan quản lý khó phát hiện.

Một diễn biến khác mà cơ quan quản lý không thể không để ý, đó là không ít người sốt sắng khi đi đăng ký mua nhà thu nhập thấp, nhưng theo báo cáo của chủ đầu tư, sau khi có được nhà thì lại khóa trái cửa để đấy. Riêng khu CT1 Ngô Thì Nhậm, trong tổng số 328 căn hộ đã bán, mới có 308 hộ nhận bàn giao nhà. Đặc biệt, trong đó, mới có 40% số hộ tới ở, 60% số căn hộ vẫn khóa cửa bỏ không.

Trước tình thế này, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội vội vàng thông báo sẽ kiên quyết thu hồi tất cả các căn hộ thuộc diện nhà cho người thu nhập thấp nếu chủ nhân chậm dọn đến ở. Tuy vậy, qui định hành chính “cứng” này chưa chắc đã phát huy được tác dụng vì khái niệm “chậm dọn đến ở” có định tính rất cao, người ta dễ dàng đối phó với đủ các lý do hợp tình, hợp lý mà cơ quan quản lý khó có thể bắt bẻ.

Một chính sách nhân văn nhưng lại không đem lại hiệu quả như mong muốn trên nhiều bình diện. Trong tình thế đó có một cách đặt vấn đề, đó là: Mục tiêu của Đảng và Nhà nước là lo chỗ ở cho người dân chứ không phải mỗi người dân có một ngôi nhà. Trong khi số dự án đăng ký xây dựng nhà thu nhập thấp còn khoảng cách xa so với nhu cầu, việc giải quyết nhà cho người thu nhập thấp nhanh cũng phải mất hàng chục năm.

Chính vì thế, có lý khi đề xuất: Xin hãy dừng lại việc bán nhà cho người thu nhập thấp mà chuyển sang cho người thu nhập thấp thuê nhà như đã từng làm với sinh viên các trường cao đẳng và đại học, với các gia đình công nhân ở các khu công nghiệp. Đó là phương án hợp lý nhất vì sẽ giữ được tài sản chung, phục vụ cho nhiều người thu nhập thấp, đảm bảo công bằng, chống thất thoát, đồng thời giảm bớt trách nhiệm và công việc cho cơ quan quản lý./.

(Theo: Đức Thành/Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất