Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 21/5/2011 16:11'(GMT+7)

Chọn đúng người tài

Hơn 65 năm trước, (ngày 6-1-1946), cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khoá I đã diễn ra. Trước sự kiện trọng đại của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong bức thư ngỏ gửi đồng bào cả nước: "...Toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới". Đáp lại lời kêu gọi của Bác, những công dân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã nô nức đi bỏ phiếu. Nhiều người còn không biết đọc, biết viết, nhưng họ biết lắng nghe, biết dùng con tim, lý trí sáng suốt để bầu chọn những đại biểu có đức, có tài đại diện cho nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên đã thành công tốt đẹp.

Ngày 22-5-2011, hàng chục triệu công dân Việt Nam cũng sẽ thực hiện trọng trách của cử tri bầu chọn những người đủ đức, tài tham gia vào Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là một sự kiện chính trị lớn của đất nước, là một đợt vận động, sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong toàn xã hội. Trong quá trình chuẩn bị cho ngày bầu cử, các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương tới địa phương liên tục tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri. Tại các đơn vị bầu cử, danh sách, tiểu sử của những người ứng cử vào Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã được niêm yết trang trọng, ở vị trí thuận tiện cho cử tri đến tìm hiểu. Uỷ ban bầu cử các cấp cũng tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi giữa cử tri và các ứng cử viên. Đâu đâu cũng thấy pa-nô, áp phích, tranh cổ động, biểu ngữ… tuyên truyền cho cuộc bầu cử. Hơn bao giờ hết, công dân Việt Nam đang được tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cử tri. Phần lớn cử tri đã ý thức được điều đó nên dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tiểu sử, chương trình hành động của từng ứng cử viên nhằm lựa chọn người có tài, đức xứng đáng để bầu. Họ sẽ là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Thế nhưng thật đáng trách khi vẫn còn những cử tri chưa thật sự tận tâm, trách nhiệm với chính quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân mình. Còn không ít người chưa biết danh sách ứng cử viên nơi mình bỏ phiếu gồm những ai, khả năng tài, đức của họ thế nào… Thậm chí, có những cử tri chỉ vì gánh hàng rong, sạp hàng xén, quán nước trà… hay vì “bận” công việc nào đó mà sẵn sàng “hy sinh” quyền công dân của mình, hoặc sẽ “nhờ” bỏ phiếu hộ. Cũng có người đi bỏ phiếu chỉ để cho xong. Theo cách đó, họ chẳng cần nghiên cứu tiểu sử các ứng cử viên và ngay khi cầm trên tay lá phiếu là “gạch đại” hoặc lựa chọn theo cảm tính, thiếu suy xét. Thái độ thiếu nghiêm túc ấy trong bầu chọn đại biểu vô tình đã khiến cử tri mất đi trách nhiệm, quyền lợi lựa chọn, gửi gắm với người đại diện mà đáng lẽ phải được thể hiện qua lá phiếu bầu cử tâm huyết và chất lượng.

Hiến pháp 1992 quy định rõ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong bầu cử. Cử tri phải phát huy dân chủ, quyền làm chủ và có ý thức, trách nhiệm trước lá phiếu bầu. Một công dân Việt Nam có trách nhiệm phải trực tiếp đi bỏ phiếu, sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, có khả năng đóng góp nhiều nhất để tham gia vào Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Mỗi cử tri đi bỏ phiếu với ý thức trách nhiệm cao trước lá phiếu bầu cũng chính là đặt thêm viên gạch để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân và vì dân. Đó cũng cách để cử tri thể hiện tình yêu đối với đất nước, trách nhiệm đối với dân tộc.

(Thu Hùng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất