Tiếp xúc với Cư A Báo sinh năm 1976 (Dân tộc Mông), ở thôn Chư Rắc, xã Cư Đê Răng, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, là một trong những đối tượng manh động chốt chặn nơi rào chắn đi vào bản Huổi Khon mới thấy rõ sự thật đằng sau những lời hứa hẹn, dụ dỗ mà kẻ xấu rêu rao, tuyên truyền với bà con.
A Báo kể, thời gian ở Đắk Lắk, Báo nghe lời dụ dỗ tập trung ra Tây Bắc (bản Huổi Khon, Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên) lập đài cầu nguyện “thế lực siêu nhiên”. Theo lời của những kẻ dụ dỗ, ai được ra sẽ có tiền, đất đai, nhà cửa và chức sắc.
A Báo và gia đình đã bán hết tài sản được hơn 30 triệu đồng rồi rong ruổi hành trình ra Mường Nhé từ trung tuần tháng 3/2011. Tại bản Huổi Khon những ngày tụ tập, A Báo và gia đình đã tiêu hết toàn bộ số tiền 30 triệu đồng bán nhà.
A Báo buồn bã: Trong những ngày tụ tập, nắng nôi, mưa gió, cuộc sống sung sướng theo như lời dụ dỗ thì chẳng thấy đâu, vào nơi tụ tập thì cơm ngày 2 bữa chẳng đủ no, nước không đủ uống, nằm ngủ dưới đất không có chăn đắp, nhiều người bị ốm đổ bệnh mà không được cứu chữa. Nhiều người đòi về nhà thì bị đánh đập, cưỡng bức phải ở lại…
Xoa đôi bàn tay thô ráp của một chàng trai Mông ham lao động, A Báo rành rọt: Bây giờ thì A Báo cùng với nhiều người đã nhận ra là mình đã làm sai pháp luật, đi theo những lời dụ dỗ, lừa phỉnh. A Báo hối lỗi: “Mình sống lương thiện thôi, không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu nữa”.
Cũng giống như A Báo, Hầu Seo Chú, sinh năm 1993, ở thôn Cư Rang, xã Cư Pươi II, huyện Krông Bông, Đắk Lắk thổ lộ: “mình biết mình sai rồi, mình bị lừa rồi mà, giờ mong sao được sớm trở về nhà, lên rẫy, làm nương, bù lại những ngày bỏ nhà, bỏ cửa để có gạo ăn, có áo mặc”.
Phải khẳng định rằng, người Mông vốn thật thà, chất phác, tốt bụng và dễ tin. Lợi dụng tập tính này, các thế lực thù địch, phản động, những phần tử xấu luôn tìm các thủ đoạn kích động, lôi kéo, dụ dỗ bằng đức tin, bằng cơm ăn, áo mặc thậm chí cả chức quyền để lừa gạt họ nhằm thực hiện các ý đồ đen tối. Sự việc tụ tập vừa rồi tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè với những cảnh đời từ có nhà cửa đàng hoàng bỗng chốc trắng tay như Cư A Báo và hàng trăm gia đình khác trong vụ việc trên là một minh chứng rõ ràng.
Bốn ngày sau khi những người Mông tự giác giải tán khỏi khu vực bản Huổi Khon, cuộc sống người dân đã trở lại bình thường. Người lớn trong gia đình thì tiếp tục đi rẫy, làm nương, trẻ em thì lại cắp sách đến trường học cái chữ. Chứng kiến những người dân đầu tiên về bản tụ tập, lập chốt ngăn người qua lại đến lúc hàng ngàn người dân tự giác tháo dỡ lán trại, trở về quê hương, trưởng bản Huổi Khon, Sùng A Kỷ cũng phải thốt lên, không hiểu nổi bà con tụ tập ở đấy sống làm sao, lúc về ai nấy trông đều đói khổ lắm, có đứa ốm quá, không đi được cứ đòi uống nước, rồi xin cái ăn.
Cái lán bé thế, thường ngày chỉ hai ba đàn ông nằm trông nương vậy mà có đến 20-30 người ở. Rồi có cả phụ nữ, đẻ con ở đấy nữa, có cả đứa tàn tật, bò dưới đất, có cụ già đến cả trăm tuổi, đi không nổi, phải cõng trên lưng, khổ sở lắm mà. Mặc dù có nhà trong bản Huổi Khon, ngay dưới chân hai quả đồi, nơi hàng ngàn người vừa tụ tập, nhưng chàng trai Mông, Giàng A Phà, sinh năm 1978 vẫn kiên quyết không tham gia “cái sai” của đám người ngày ngày hô hào ngay trên nóc nhà mình.
Gặp Phà đang vui vẻ ngồi tết tóc cho đám con gái nhỏ dưới hiên nhà, Phà kể, những ngày đám người tụ tập kia ở đây, ngày nào cũng có vài chục người vào nhà Phà, ngang nhiên uống nước, rồi chiếm cả giường của bố Phà để ngủ lại. Phà nói mãi, họ vẫn chẳng nghe, cứ ăn ở như là chính nhà mình vậy.
Những ngày ấy, nhà Phà hết cái nấu cơm, Phà xin họ cho đi lấy củi, mà những người ở chốt không cho ra, Phà đi làm nương, họ cũng chẳng đồng ý. Trước khi họ đến, nhà Phà có dăm sáu chục con gà, giờ họ đi, đàn gà lớn ấy chỉ còn có ba, bốn chục con thôi. Ba con lợn to thì đâu mất, không thấy chúng nó về nhà nữa, Phà đi tìm mấy ngày rồi không thấy, buồn lắm mà. Hỏi Phà, tại sao không lên đồi, tụ tập với những người trên đó, Phà trả lời không chút suy nghĩ, đói khổ thế, có gì ăn đâu, ở đông quá, cái chăn không có đắp, cái áo chẳng có mặc, phải bán cả nhà cửa ruộng nương, Phà có vợ có con, phải lo chứ, Phà không lên đó đâu.
Cũng như Giàng A Phà, ông Giàng A Co, sinh năm 1960, nhà trên bản Huổi Khon bức xúc: “Hồi tối 29/4, có 4 người đàn ông lạ mặt đến nhà tôi, tôi không biết họ từ đâu tới và không biết tên tuổi của những người này. Họ tự ý vào nhà mang theo 2 cây đàn oóc-gan, âm ly, loa đài, dây điện, lương thực (thóc gạo). Họ cử hai người thanh niên gác ở cửa, không cho gia đình tôi đi lại ra khỏi khu vực bản. Người trong nhà tôi khi đi ra vào cửa đều phải xin phép số người này…” Từ lúc đám người Mông lạ mặt vào bản, cả nhà ông bị mất gần 20 con gà, mất cả dao rựa làm rẫy…
Giàng A Dơ, sinh năm 1986, nhà ở bản Huổi Khon nói: Cuộc sống chúng tôi đang yên lành thì có nhóm người Mông lạ mặt tới, chôn can xăng khoảng 20 lít sau nhà và đặt máy xát lúa trước nhà. Họ lập các trạm ba-ri-e chốt chặn không cho chúng tôi ra vào bản như thường ngày. Họ chiếm nhà và lập lán trại xung quanh nhà. Hàng ngày, buổi sáng, buổi trưa và tối họ đều bật loa đài hát hò, cầu nguyện kinh thánh… Họ lập đài, cầu nguyện và đưa ra một số yêu sách đối với chính quyền.
Dơ phân bua: “Bản thân tôi có bị họ ép tham gia nhưng giờ đã nhận thức những điều họ nói là không đúng, nên tôi không cho vợ con nghe theo lời tuyên truyền của họ, tôi không nghe lời dụ dỗ, ngày ngày sẽ chăm chỉ lên nương, làm rẫy để nuôi vợ, nuôi con.”
Những việc làm sai trái của các đối tượng cầm đầu, xúi giục kích động bà con người Mông kéo về bản Huổi Khon tụ tập không chỉ gây bức xúc cho những người trong bản mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cả những người dân ở khu vực lân cận.
Ngưng bữa cơm trưa bên nương, bác Vàng Văn Kéo, 71 tuổi ở bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, sát bản Huổi Khon bực bội nói: “Những người tụ tập trái phép ở bản Huổi Khon đã vi phạm pháp luật, gây cản trở cho chính quyền địa phương, ngăn cản việc đi lại, làm ăn của bà con trong xã. Tôi mong bà con từ nay về sau đừng nghe lời kẻ xấu lôi kéo, yên ổn làm ăn, đừng bán nhà, bán ruộng, tụ tập về đây để chịu cảnh đói khổ, ốm đau. Người Mông là những người tốt bụng, tin Đảng, tin Chính phủ, họ chỉ bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo nên mới làm những việc vi phạm pháp luật thôi.”
Trao đổi với chúng tôi về sự việc ở Huổi Khon vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng khẳng định, thực ra, những người dân tụ tập trong vụ việc trên, hầu hết đều là người tốt, chỉ có môt số nhỏ là có biểu hiện quá khích. Khi cán bộ của chính quyền và các đoàn thể quần chúng vào vận động thì chỉ sau hơn 1 tiếng, bà con hiểu rõ sự việc và tự giác trở về nơi sinh sống. Bà con cũng đã rất đồng tình với việc cơ quan chức năng tạm giữ các đối tượng quá khích. Nhưng đến nay, các đối tượng bị tạm giữ cũng đã được trở về địa phương vì chính họ cũng bị kích động đứng ra lôi kéo nhân dân. Bà con từ những tỉnh, thành khác sau khi được đưa trở về nhà an toàn rất phấn khởi; bà con nói rằng, từ nay trở về sau sẽ không nghe theo những lời dụ dỗ như vậy nữa.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, qua sự việc này, cho thấy, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện đều nhận thức rằng phải làm sao phải chăm lo tốt hơn nữa đời sống của nhân dân để bà con yên tâm sinh sống ổn định, lao động, sản xuất. Sự việc vừa qua cũng đã cho thấy rõ âm mưu của những kẻ xấu đã lừa gạt đồng bào, gây ra nhiều nỗi khổ, khó khăn, vất vả cho đồng bào khi tập trung về đây. Chúng tôi cũng rất mong muốn bà con nhận thức rõ vấn đề, tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền, kiên quyết không nghe theo sự lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng xấu./.
Quang Vinh-Quang Vũ TTXVN/Vietnam+