Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 18/5/2011 21:44'(GMT+7)

Mọi lá phiếu cùng chung một đích

 

Trong lúc toàn dân ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến hải đảo, đang nô nức đón chờ " Ngày hội của toàn dân "- ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, trùng với thời gian kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta càng nhớ đến công ơn vĩ đại của Hồ Chủ tịch, người đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, thiết lập lần đầu tiên trên đất nước ta và trong khu vực Đông Nam Á một chế độ cộng hòa dân chủ.

Tư tưởng vì dân là một tư tưởng lớn của Bác, quán triệt trong toàn bộ lời nói và việc làm của Bác, trong cả cuộc đời hoạt động của Bác.

Xuất phát từ quan điểm “lấy dân làm chủ” nên ngay sau khi tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ngày 17/9/1945, ấn định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử tổ chức trên toàn quốc.

Quyền bầu cử và ứng cử được trao cho mọi công dân đến tuổi trưởng thành, không phân biệt nam nữ, thành phần giai cấp, tôn giáo, nghề nghiệp. Lá phiếu bầu được tự do và giữ kín, tôn trọng tuyệt đối sự lựa chọn của người đi bầu. Đội ngũ những người nắm chính quyền là từ những cuộc bầu cử của nhân dân mà ra.

Cũng ngay trong tháng 9/1945 ( ngày 20), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam.

Giữa tình thế đầy những khó khăn trở ngại lúc khởi nghĩa mới thành công, thù trong giặc ngoài còn đang ra sức hăm dọa, phá hoại sự nghiệp cách mạng dựng nước mới bắt đầu, Hồ Chủ tịch vẫn kiên quyết tin ở dân, đặt quyền làm chủ vào tay nhân dân, tôn trọng ý dân, đoàn kết được nhân dân chung quanh Chính phủ để đạp bằng mọi khó khăn trở ngại của hoàn cảnh, với khẩu hiệu “dễ trăm lần, không dân cũng chịu; khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.

Hơn một tháng sau ngày Độc lập, hôm 17/10/1945, Bác đã gửi một thư chung cho Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và xã. Trong thư Bác viết:

“Nếu không có nhân dân, thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không có ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ và nhân dân phải kết thành một khối.

Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập, mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Tiếp đó, lời Bác thiết tha, trọn tình thấu lý:

“Chính phủ đã hứa với dân sẽ cố gắng cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song, ngay bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật ".

Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Và những dòng cuối thư, lời Bác càng thiết tha biết bao:

“Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực, vào lòng”.

Không thể quên được bài phát biểu ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa sâu xa mà cụ thể của Bác tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10/1/1946: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết có giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn; Làm cho dân có mặc; Làm cho dân có chỗ ở".

Tại buổi lễ tốt nghiệp khóa 5 Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Bác căn dặn các học viên mới ra trường: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là ở dân hết”.

Chính những lời dạy bảo thiết tha ấy đã thành những bài học sinh động cho mọi thế hệ sau, để xây dựng và bảo vệ được quyền và lợi ích của dân trong mọi giai đoạn lịch sử.

"Ăn nói hơn người"

Chúng ta không thể nào quên cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã khai sinh Quốc hội khóa I của chế độ Dân chủ Cộng hòa, khai mạc tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội ngày 2/3/1946.

Cụ Lâm Quang Thự, nguyên là đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Nam từ khóa I đến khóa III đã kể lại một chuyện của khóa I :

Trong số 333 đại biểu trúng cử, rất nhiều đại biểu từ các địa phương cả nước tụ hội về. Bấy giờ, Nhà nước mới độc lập nhưng lại rất nghèo, lấy đâu ra khả năng tài chính để lo nơi ăn, chốn ở, xe cộ và chi phí cung ứng hàng ngày cho các đại biểu.

Các nhà công thương yêu nước ở Hà Nội đã tự nguyện mời đại biểu Quốc hội về nhà mình ăn ở và chu cấp phương tiện để dự họp Quốc hội. Cụ Thự kể rằng, đoàn Quảng Nam có 4 đại biểu, được một gia đình ở phố Hàng Bạc mời về nhà. Chủ nhân là bà Lợi Thái. Bà dành cho đoàn cả một tầng gác để sinh hoạt.

Sau bữa cơm đầu tiên, bà trịnh trọng mời đại biểu lên gác trên, đứng trước bàn thờ và thắp hương khấn xin được “phù hộ cho các đại biểu đây khỏe mạnh, ăn nói hơn người…”. Thì ra, người phụ nữ - cử tri thời ấy đã cho rằng đại biểu Quốc hội là phải “ăn nói hơn người”, hiểu theo tầm nghĩa rộng nhất của từ ấy.

Có những đại biểu “ăn nói hơn người”, Quốc hội mới đủ điều kiện để bàn bạc, phản biện, hoạch định, thông qua và giám sát việc thi hành những kế sách ích nước, lợi nhà, đảm bảo sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Nhìn sự phát triển gia tăng của chất lượng từng khóa Quốc hội cho đến khóa XII vừa qua, chúng ta vui mừng nhận thấy ý kiến của nhiều đại biểu đã ngày càng thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, xứng đáng là người đại biểu chân chính của nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân toàn quốc làm tiêu chí để thông qua, hoàn thiện hệ thống luật pháp, hoàn thiện những dự án, quyết sách góp phần vào sự phát triển đất nước.

Bằng sự thận trọng, sáng suốt khi bỏ phiếu, nhân dân ta quyết tâm xây dựng một Quốc hội xứng đáng là “cơ quan quyền lực cao nhất” của đất nước, giữ đúng lời hứa trung thành với lợi ích của nhân dân.

Trần Thái Bình

(Nhà nghiên cứu lịch sử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất