Thứ Hai, 23/9/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 10/3/2012 12:55'(GMT+7)

Bao giờ hết dập lửa bằng... cành cây !!

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Nguyên nhân các vụ cháy rừng thường do thời tiết, nhiệt độ tăng cao, trời hanh khô, độ ẩm thấp, không có có mưa… và cả do sự bất cẩn của con người. Nhiều khi chỉ vì một điếu thuốc lá, một tàn lửa sưởi ấm… chứ chưa nói đến đốt ong, đốt nương làm rẫy... cũng khiến hàng chục, thậm chí hàng trăm héc ta rừng bị thiêu rụi.

“Nhất thủy, nhì hỏa”, hai loại “giặc” ấy đã được ông bà ta xếp “số” để thấy mức độ nguy hiểm của nó. Trong khi đó, với những vụ cháy rừng, địa hình tại những khu vực này lại thường vô cùng phức tạp, hiểm trở, các lớp thực bì dày và nhiều bụi rậm nên việc dập lửa lại càng khó khăn bởi không chủ động được nguồn nước, thiếu lực lượng, phương tiện và trang thiết bị dập lửa,... Do vậy, trong tình huống xảy ra cháy cần phải có những phương án, kế hoạch cụ thể, chi tiết, đặc biệt phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) mới mong mang lại hiệu quả tích cực. Song, nhìn “phương tiện” của các lực lượng tham gia chữa cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên vừa qua và ở nhiều vụ cháy rừng khác chúng ta không khỏi băn khoăn bởi quá thô sơ và thủ công. Ngoài dùng dao phát, cuốc, xẻng, gậy… dập lửa thì “dụng cụ” chủ yếu của lực lượng chữa cháy là cành cây và hầu như họ không có đủ các trang, thiết bị bảo hộ lao động, ai có gì thì dùng nấy. Nhiều khi dập được chỗ này, chỗ khác lại cháy, tốn rất nhiều công sức và thời gian. Với những trang bị và phương pháp thủ công như vậy thì khi có tình huống xảy ra, chắc chắn sẽ rất bị động.

Đất nước ta còn nghèo, chưa thể trang bị được máy bay chuyên dụng chữa cháy rừng như các nước tiên tiến trên thế giới nhưng cũng có lẽ không thiếu đến nỗi ở các vùng trọng điểm (như các vườn quốc gia) lại không thể trang bị được các loại máy cắt cỏ (để cắt thực bì, tạo đường băng cản lửa), máy cưa xăng, máy thổi gió. Chỉ ít cũng phải được trang bị một lượng cần thiết can chứa nước, vỉ ruồi dập lửa, ủng cao su, mũ bảo hộ, đèn pin, bộ đàm…

Về lâu dài, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho việc phòng cháy và chữa cháy rừng như của các quốc gia tiên tiến nhưng ngay từ bây giờ chúng ta cũng có thể tính toán để có đường giao thông (cũng là đường băng cản lửa, chòi canh lửa… để chủ động dự báo, phát hiện và dập lửa ngay từ đầu.

Trước hết, với phương châm chủ động, tích cực “phòng là chính” thì cơ quan chức năng các cấp, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm người dân về công tác bảo vệ rừng bởi lửa chỉ xuất phát từ con người, do con người tạo ra./.

(Theo: Phúc Thắng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất