Thứ Hai, 14/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 12/6/2011 14:22'(GMT+7)

Biển Đông "dậy sóng" trên các hãng truyền thông quốc tế

Tàu Ngư Chính 311 của Trung Quốc, được hoán cải từ tàu quân sự, đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam,tham gia giải cứu tàu cá khi vào cắt cáp tàu Viking 02.

Tàu Ngư Chính 311 của Trung Quốc, được hoán cải từ tàu quân sự, đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam,tham gia giải cứu tàu cá khi vào cắt cáp tàu Viking 02.

 
Một loạt các hãng truyền thông quốc tế đã đưa tin và bình luận về sự kiện này. Đa số các hãng truyền thông đều nhận định rằng Trung Quốc đã vi phạm luật biển quốc tế khiến Biển Đông trở nên căng thẳng.
 
Trang điện tử của đài phát thanh quốc tế Australia sau khi đưa tin về sự kiện Việt Nam một lần nữa lên tiếng phản đối Trung Quốc về vụ tàu đánh cá Trung Quốc có gắn thiết bị chuyên dụng, được sự hỗ trợ của hai tàu ngư chính, phá hoại tuyến dây cáp thăm dò địa chấn của tàu Viking 2 đã trích dẫn lời bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, tuyên bố phía Trung Quốc đã cố tình vi phạm chủ quyền Việt Nam một cách có hệ thống, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông. Đài này còn đưa tin rằng tình trạng căng thẳng ngoài Biển Đông đã lan sang mạng Internet với việc trong mấy ngày qua, khoảng 200 trang mạng của Việt Nam đã bị tấn công trong đó có khoảng 10% là các trang mạng của chính phủ Việt Nam (đuôi gov.vn) mà thủ phạm là các hacker Trung Quốc.
 
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho biết, đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ hacking trên mạng có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo ông Thayer, đây là một xu hướng mới đồng thời là sự leo thang mới trong vấn đề Biển Đông. Đài này bình luận: Mặc dù Trung Quốc cho rằng họ luôn tôn trọng hòa bình tại Biển Đông, nhưng những động thái có tính khẳng định một cách mạnh mẽ chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực này khiến nhiều quốc gia trong khu vực e ngại. Nhận định về vai trò của ASEAN trong việc hòa giải các vụ tranh chấp lãnh thổ này, Giáo sư Carl Thayer cho biết Indonesia, với tư cách là chủ tịch ASEAN đã có những bước đi chủ động ngay từ những năm 2002, khi Trung Quốc và ASEAN ký kết một tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông. Trong đó, cả hai bên cam kết sẽ không dùng đến vũ lực. Giáo sư Thayer cho biết thêm, Indonesia sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 tới với sự có tham gia lần đầu tiên của Mỹ. Ông cho rằng điều này sẽ giúp ASEAN có thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, buộc Trung Quốc phải tuân thủ theo những ký kết của mình. Đài này còn nhắc lại sự kiện hồi tuần trước, khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates cảnh báo xung đột có thể bùng nổ tại Biển Đông trừ phi các nước tuyên bố chủ quyền thỏa thuận thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa.

BBC nhận định: Vụ sáng 9-6 liên quan đến tàu khảo sát Viking 2 bị tàu cá Trung Quốc dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính đã xông vào cắt cáp đánh dấu một bước leo thang mới khi Trung Quốc nỗ lực "biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp để thôn tính Biển Đông”. Hãng BBC còn nêu sự kiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc loan báo sẽ tiến hành hoạt động diễn tập hải quân tại Biển Đông vào cuối tháng sáu.

Cũng về sự kiện tàu Trung Quốc một lần nữa phá cáp thăm dò địa chấn của tàu Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, trang tin điện tử của đài phát thanh VOA đăng bài với tiêu đề "Tàu Trung Quốc lại gây hấn với tàu Việt Nam”, nêu rõ, Chính phủ Việt Nam ngày 9-6 một lần nữa tố cáo Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam tại Biển Đông. Đây là sự cố thứ hai xảy ra trong vòng 2 tuần nay làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. VOA nói, Việt Nam khẳng định các hành động có tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm mục đích biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện kế hoạch ‘đường lưỡi bò' hay ‘đường chữ U' trên Biển Đông.

Tình trạng căng thẳng gia tăng trên biển Đông trở thành mối quan tâm đặc biệt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Chủ tịch ASEAN đã lên tiếng yêu cầu các bên tranh chấp Biển Đông bình tĩnh hơn và nhanh chóng đưa ra bộ quy tắc có tính ràng buộc để làm cơ sở giải quyết tranh chấp.

Báo Jakarta Post của Indonesia dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene nói: "Tình trạng gia tăng các sự cố trên ở Biển Đông cho thấy tầm quan trọng của việc Trung Quốc và ASEAN ngay lập tức đưa ra quy định về việc thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC), để những gì đã thống nhất được thực thi đầy đủ”. Ông Michael Tene cho biết đây cũng chính là trọng tâm của tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi đầu tháng, trong đó, kêu gọi các bên tranh chấp là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia, thúc đẩy việc đưa ra bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). "Tất cả các bên phải tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc và tránh dùng các biện pháp có thể dẫn tới bạo lực leo thang”.
 
Theo Báo Đại đoàn kết

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất