Thứ Hai, 14/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 10/6/2011 13:57'(GMT+7)

Trung Quốc hành động phi lý và ngang ngược

Hành động cắt cáp của tàu Trung Quốc được chuẩn bị kỹ lưỡng, khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga trong buổi họp báo thường kỳ chiều qua 9/6 có lẽ là tổng kết rõ nét nhất về động thái của Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông những ngày này.

Không chỉ ngang ngược tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng hải giám trên biển Đông như tuyên bố của ông Lưu Tứ Quý, Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, "ưu tiên này vì các lợi ích hàng hải của nước này cũng như đẩy mạnh kiểm soát của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp" mà ngày hôm nay, 10/6, Trung Quốc còn lớn tiếng tuyên bố về chủ quyền với toàn bộ biển Đông. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu đã phát biểu với báo chí: “Chúng tôi đang kêu gọi các bên khác ngừng tìm kiếm khả năng khai tác các tài nguyên ở những khu vực mà Trung Quốc có chủ quyền”. Ông này cũng tuyên bố, Trung Quốc sẽ cởi mở để các nước tuyên bố chủ quyền khác cùng thăm dò dầu khí trong khu vực.

Việc Trung Quốc tuyên bố về chủ quyền đối với toàn bộ biển Đông rõ ràng xâm phạm tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ của nhiều nước trong khu vực trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ngư chính 311, một trong các tàu vào giải cứu cho tàu cá Trung Quốc trong vụ Viking II hôm qua. Đây là tàu lớn nhất trong đội ngư chính của Trung Quốc, được hoán cải từ một tàu chiến. Ảnh: China Daily.


Đáng nói là tất cả các hành động này diễn ra ngay sau khi Đối thoại Shangri - la 10 kết thúc. Tại Đối thoại Shangri- la 10, phía Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm của mình về việc tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam là vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh, “đường chín khúc” mà Trung Quốc tuyên bố là tranh chấp đa phương. “Đường chín khúc này không có cơ sở pháp lý, không đúng với UNCLOS 1982. Trung Quốc cần đàm phán giải quyết với các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, trên tinh thần hữu nghị đưa ra giải pháp công bằng hợp lý mà các bên có thể chấp nhận, để đạt được mục đích hòa bình và phát triển trong khu vực” - Đại tướng nhấn mạnh.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng khẳng định rằng, Việt Nam cũng chủ trương những tranh chấp song phương ở biển Đông thì giải quyết song phương, những tranh chấp đa phương thì đàm phán đa phương.

Trước những hành động ngang ngược của phía Trung Quốc, các nước trong khu vực đã lên tiếng tỏ rõ quan ngại về vấn đề này. Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố, tranh chấp chủ quyền biển Đông là một vấn đề phức tạp và lưu ý: "Chúng ta không được phép để các tranh chấp leo thang qua khuôn khổ ngoại giao. Các bên cần kiên trì tìm giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp"

Nhiều học giả nước ngoài cũng lên tiếng về vụ việc này. Như Giáo sư Carl Thayer, hiện đang công tác tại Khoa Nhân văn và Xã hội học Trường Đại học New South Wales của Australia, cho rằng: "Hành động cắt dây cáp của Trung Quốc trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm Luật Biển quốc tế và làm cho vùng biển này không còn an toàn như trước. Tàu Việt Nam đang làm việc trong vùng biển đặc quyền kinh tế mà Công ước về Luật Biển quốc tế đã quy định cho họ. Hành động này rõ ràng đã chấm dứt những gì lạc quan nhất mà Trung Quốc và ASEAN đã và đang thương thảo về biển Đông".

Cùng chung quan điểm trên, Giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Oslo (Na Uy) cho rằng vụ việc tàu Bình Minh 02 xảy ra trong khu vực chỉ Việt Nam có quyền tuyên bố thuộc thềm lục địa của mình. Giáo sư Peter Dutton thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (Đại học Hải quân Mỹ) nhấn mạnh, tuyên bố về khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Theo nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải khu vực Iskander Rehman, cách hành xử của Trung Quốc "đã dẫn tới sự căng thẳng không chỉ với tàu Việt Nam mà cả các tàu của Mỹ, Nhật Bản và Philippines".

Tiến sĩ Thomas Jandl là giảng viên kinh tế - chính trị, văn hóa và phát triển cũng như giao tiếp đa văn hóa Đông Á tại Trường Dịch vụ Quốc tế thuộc Đại học American University, Washington DC cho rằng, điều Trung Quốc thực sự quan tâm là các nguồn tài nguyên trong vùng biển này, đặc biệt là dầu mỏ. Trung Quốc rất hăng hái trong việc mở rộng vùng tài nguyên và cũng lo ngại tới việc phương Tây kiểm soát nguồn năng lượng của mình, do đó họ cũng tiến hành những hoạt động mạnh mẽ ở Trung Đông và cả ở châu Phi để chủ động về năng lượng. Trung Quốc đã thấy tiềm năng của các vùng tài nguyên này với sự phát triển kinh tế của họ. Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ lớn, Trung Quốc là một nước lớn và họ muốn kiểm soát nguồn dầu mỏ ở đây.

Qua “đường lưỡi bò”, Trung Quốc muốn biến khu vực này từ vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp, và khi có tranh chấp, Trung Quốc sẽ coi đó là lý do để bảo vệ "lợi ích cốt lõi" của mình. Lời tuyên bố chủ quyền ở khu vực này của Trung Quốc là không có cơ sở, vô căn cứ và phi lý vì nó rất xa Trung Quốc và không hề có các bằng chứng lịch sử.

Theo Vn Media

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất