Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 21/8/2016 9:5'(GMT+7)

“Biển Đông hậu phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài”

Cuốn tài liệu tham khảo đặc biệt. Ảnh: Hà Ngọc

Cuốn tài liệu tham khảo đặc biệt. Ảnh: Hà Ngọc


Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (gọi tắt là Tòa Trọng tài) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Trái ngược với sự vui mừng của người dân Philippines và sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tỏ ra giận dữ không chỉ với phán quyết của Tòa Trọng tài mà cả với những nước ủng hộ, kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hải dương của nước này ở Biển Đông không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa Trọng tài, không bao giờ chấp nhận bất kỳ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết. Trung Quốc ngay sau đó đã phong tỏa một phần Biển Đông để tổ chức diễn tập quân sự. Khi đón tiếp Cục trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã không nể mặt tuyên bố Trung Quốc tuyệt đối không bỏ dở giữa chừng, sẽ thúc đẩy và hoàn thành theo kế hoạch việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Tất cả những động thái trên cho thấy Trung Quốc đang “bắn” đi thông điệp rằng họ sẽ không chịu lùi bước trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, dù chủ quyền đó được vạch ra một cách “mơ hồ” và “coi thường Công ước đã ký” như thừa nhận của ông Lý Lệnh Hoa, một chuyên gia về luật biển của Trung Quốc. Đã có nhận định cho rằng sau phán quyết của Tòa Trọng tài, nguy cơ xung đột, đối đầu ở Biển Đông sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bề ngoài Trung Quốc tỏ ra cứng rắn để “vỗ về” dư luận trong nước, nhưng thực tế Trung Quốc lại có các hành động ngăn chặn khả năng gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực đoan do lo ngại nguy cơ bất ổn. Vì vậy, dù có những lo ngại Bắc Kinh có thể lợi dụng vấn đề Biển Đông để chuyển hướng dư luận ra bên ngoài về những khó khăn trong nước và việc bị “mất mặt” sau phán quyết của Tòa Trọng tài, nhưng xung đột hay chiến tranh là điều không dễ xảy ra…

Có thể nói phán quyết của Tòa Trọng tài được coi là bước ngoặt lịch sử trong tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông. Sau phán quyết, tình hình Biển Đông sẽ diễn biến như thế nào? Xung đột hay đàm phán? Các bên sẽ có sự điều chỉnh chiến lược ra sao?... Nhằm mang đến cho độc giả cái nhìn đa chiều về vụ kiện Biển Đông của Philippines, Thông tấn xã Việt Nam xuất bản cuốn sách Tài liệu Tham khảo đặc biệt “Biển Đông hậu phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài”. Trong quá trình sưu tầm tư liệu, biên dịch và biên soạn khó tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định, mong được độc giả rộng lòng chia sẻ.

Cuốn tài liệu tham khảo đặc biệt “Biển Đông hậu phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài” là tài liệu không phổ biến, chỉ cung cấp cho những đối tượng trong diện được phép đọc tài liệu tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam để phục vụ công tác nghiên cứu.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất