Thứ Bảy, 5/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 18/8/2016 9:43'(GMT+7)

Cách mạng Tháng Tám 1945 với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử Việt Nam. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là sự kiện vĩ đại không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà cả trong lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giành được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử và thời đại.

Đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu về Cách mạng Tháng Tám, song chỉ dừng lại ở các vấn đề cụ thể như giới thiệu sự kiện, nhân vật tiêu biểu hồi ký mà chưa có một công trình nào thực sự mang tính tổng quan, nghiên cứu ý nghĩa, vai trò của Cách mạng Tháng Tám cũng như giá trị của Cách mạng Tháng Tám đối với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển. Nhằm nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về ý nghĩa, vai trò và giá trị của Cách mạng Tháng Tám, nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Cách mạng Tháng Tám 1945 với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển

Với 53 bài viết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, giảng viên các học viện, trường đại học, có thể khẳng định rõ rằng: Đối với lịch sử dân tộc ta, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự mở đầu cho những giai đoạn phát triển thắng lợi tiếp theo của cách mạng Việt Nam. Tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn từ Cách mạng Tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo nên những biến đổi to lớn, sâu sắc trong đời sống xã hội, đưa đất nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 - Thắng lợi vĩ đại trong lịch sử dân tộc 

Phần thứ nhất của cuốn sách với 27 bài viết, tập trung phân tích vai trò và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám 1945 và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đề cập đến giá trị đa tầng của tư tưởng Hồ Chí Minh với những mục tiêu cơ bản của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sau Cách mạng tháng Tám, PGS. TS.Phạm Hồng Chương (Viện Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: Tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra, không chỉ là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám, mà còn là thành quả của cả quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng con người dưới sự dẫn dắt của Người. Tiêu chí này biểu thị khát vọng của dân tộc ta, đồng thời thể hiện “văn minh chính trị” của dân tộc Việt Nam trước tiến hóa chung của nhân loại.

Theo PGS. TS. Phạm Hồng Chương, tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã dẫn dắt dân tộc ta đưa tới thắng lợi giành lại độc lập với sự thống nhất của Tổ quốc. Ngày nay, tiêu chí đó vẫn tiếp tục thể hiện khát vọng của dân tộc ta với những mục tiêu cơ bản là giải phóng dân tộc gắn với giải phóng con người. Kiên trì mục tiêu này cũng chính là kiên trì con đường của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc phải gắn liền với xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa để đem lại tự do - hạnh phúc thật sự cho con người Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn…

Với bài viết “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Điểm khởi đầu của tiến trình hội nhập quốc tế”, GS.Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Sự kiện này “đã tạo ra hai tiền đề cơ bản cho tiến trình hội nhập của Việt Nam. Đó là một quốc gia độc lập có chủ quyền và tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế. Thiếu một trong hai yếu tố đó, không thể có được những thành quả như ngày hôm nay”.

GS.Vũ Dương Ninh phân tích: “Trải qua hai cuộc kháng chiến kiên cường cùng những cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới và hải đảo, Việt Nam vẫn đứng vững trước mọi thử thách, vẫn bảo vệ trọn vẹn nền độc lập và chủ quyền. Đó là điều kiện tiên quyết để tiến hành hội nhập quốc tế với tư thế một quốc gia độc lập. Nếu không có yếu tố này, khi vẫn còn là nước thuộc địa hay phụ thuộc thì làm sao có chỗ đứng ngang hàng với các nước để nói chuyện hội nhập?”.

Giáo sư cũng chỉ ra rằng, điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò trong ngày đầu cách mạng “làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”, “hết sức thân thiện, thành thật hợp tác trên tình thần bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau” là những phương châm chỉ đạo trong ứng xử với các đối tác, và tiếp tục được Đảng ta vận dụng vào thời kỳ đổi mới hiện nay khi tuyên bố Việt Nam “muốn là bạn với tất cả các nước”, “sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy”… trong cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ đánh giá chung về vai trò và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các bài viết cũng còn đề cập đến nhiều vấn đề như: vai trò, sự lãnh đạo cùng những phân tích, dự báo thời cuộc mang tính chính xác của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; vai trò và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám đối với tiến trình cách mạng Việt Nam, các chủ trương của Đảng trong việc xây dựng an toàn khu cũng như xây dựng các căn cứ địa cách mạng ở nông thôn, xây dựng lực lượng cách mạng...

Giá trị của Cách mạng Tháng Tám 1945 với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển

Có thể nói, tất cả những thành tựu trong suốt 70 năm qua, nhất là trong 30 năm đổi mới đều bắt nguồn từ nền tảng đầu tiên là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là thành quả của quá trình đấu tranh lâu dài đầy hy sinh gian khổ của nhân dân Việt Nam và thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước, của khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta; của tinh thần và ý chí cả dân tộc đồng lòng, quyết tâm không cam tâm làm nô lệ...; là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám đã và sẽ được luôn thế hệ người Việt Nam phân tích và vận dụng sáng tạo. Đây cũng chính là nội dung các bài viết được tập trung trong phần thứ hai của cuốn sách. Từ những phân tích làm sáng rõ quá trình xây dựng và phát triển của đất nước trong suốt 70 năm qua trên tất cả các lĩnh vực cùng những bài học kinh nghiệm, những bí quyết thành công trước mọi khó khăn của Cách mạng Tháng Tám, các nhà nghiên cứu cũng đề xuất những giải pháp vượt qua thử thách để đưa đất nước ta ngày càng phát triển.

Phân tích ý nghĩa của việc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện các chính sách xã hội thiết yếu ngay sau khi chính quyền cách mạng được thiết lập, GS. TS. Phạm Xuân Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chỉ ra rằng, kế thừa bài học này, việc thực thi chính sách xã hội ngày càng mở rộng trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước đã mang lại những hiệu quả tích cực trong nhiều lĩnh vực: Lao động và việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ưu đãi người có công, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bản hiểm y tế, trợ giúp xã hội. Ông cũng cho rằng: Chúng ta không chờ đợi đến khi kinh tế phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ công bằng, xã hội. Việc phát triển xã hội phải tạo ra các cơ hội công bằng, bảo đảm cho mọi người, nhất là những người yếu tế và dễ bị tổn thương đều được làm chủ một phần tư liệu sản xuất, được hưởng một nền giáo dục cơ bản, đào tạo nghề nghiệp, chăm sóc y tế… để họ có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình, đồng thời góp phần xây dựng đất nước…

Trong bài viết của mình về vấn đề đoàn kết quốc tế, PGS. TS. Võ Kim Cương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định: Trên cơ sở bài học lịch sử được đúc kết trong Cách mạng Tháng Tám 1945, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay Việt Nam đã và đang kết hợp một cách nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với xu thế thời đại trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và giành được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ và củng cố vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền, lợi ích quốc gia, tăng cường vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Một loạt các bài viết của các nhà nghiên cứu như GS. TS. Phạm Xuân Nam, GS. TS. Nguyễn Ngọc Cơ, PGS.TS. Trần Đức Cường, PGS. TS. Nguyễn Văn Nhật, PGS. TS. Trần Thị Mai, Thiếu tướng, TS. Nguyễn Xuân Năng cùng nhiều nhà khoa học khác cũng đều khẳng định những giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đối với tất cả các lĩnh vực trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam như đại đoàn kết dân tộc, an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế...

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước 70 năm qua trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, các nhà nghiên cứu đều khẳng định: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc tạo ra cơ hội và nắm bắt thời cơ hợp tác quốc tế giữa các nước trong khu vực và trên thế giới có vai trò quan trọng quyết định đến sự phát triển của đất nước, thì bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Nhìn nhận những cơ hội và thách thức đặt ra trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và về truyền thống lịch sử và văn hóa… cần được xem như một trong những nguồn lực quan trọng trong việc định hướng và xây dựng đất nước trong thời gian tới.

Hơn bảy mươi năm trôi qua, những bài học của Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn giữ nguyên giá trị. Việc vận dụng, kế thừa và phát triển đúng theo những bài học của Cách mạng Tháng Tám đã giúp Đảng và nhân dân ta tạo nên những thắng lợi vang dội trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Hiện nay, sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã tạo ra được thế và lực mới. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Chính trị - xã hội ổn định. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc  ngày càng được củng cố và tăng cường. Nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được giữ vững.
 
Tuy nhiên, cùng với những thời cơ, vận hội thuận lợi, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đang đứng trước không ít nguy cơ lớn, đó là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; tệ quan liêu, tham nhũng; diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ…  Vì vậy, mặc dù hiện tại vẫn còn vô vàn khó khăn, nhưng có thể khẳng định rằng, nếu chúng ta biết học tập, vận dụng sáng tạo bài học thành công về nhìn nhận thời cơ và chớp thời cơ giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945; nếu chúng ta biết phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới trên cơ sở khách quan, khoa học, để xác định được nhân tố thuận lợi nảy sinh trong khó khăn thách thức, nếu chúng ta quyết tâm, đoàn kết, tận dụng, tranh thủ được thời cơ... chắc chắn sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục tiến lên, vững bước trên con đường sắp tới.

Các bài viết trong cuốn sách sẽ góp phần giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về Cách mạng Tháng Tám 1945; hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử cùng những đóng góp của mốc lịch sử quan trọng này trong tiến trình phát triển của dân tộc. Để từ đó, mỗi người dân Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, khẳng định ý chí quyết tâm trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ đổi mới./.

Lan Hương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất