Hiện tượng lớp nước trên bề mặt ở khu vực Tây Thái Bình Dương nóng lên
đã đặt các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trước nguy cơ hứng chịu
hàng loạt cơn bão nhiệt đới lớn.
Đó là kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí môi trường Environmental Research Letters của Anh ngày 16/1.
Các nhà khoa học thuộc Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc) đã nghiên cứu
dữ liệu cơ bản về các cơn bão nhiệt đới xảy ra tại khu vực Tây-Bắc Thái
Bình Dương từ năm 1977 đến 2010.
Kết quả cho thấy trong thời gian này, nhiệt độ bề mặt biển ở khu vực Tây
Thái Bình Dương cao hơn nhiều so với khu vực trung tâm và Đông Thái
Bình Dương.
Sự chênh lệch nhiệt độ này xuất hiện đồng thời với những biến đổi của
một hệ thống gió mạnh trên Thái Bình Dương, hay còn gọi là chu trình
tuần hoàn Walker.
Điều này làm cho các trận bão nhiệt đới hình thành trên Thái Bình Dương
có xu hướng đi dọc theo bờ biển của các quốc gia Đông Á, từ Biển Đông
ngược lên trước khi đổ bộ vào Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc với sức
gió mạnh nhất.
Sự thay đổi này cũng đồng nghĩa với sự hình thành nhiều cơn bão hơn ở khu vực phía Bắc Biển Đông.
Các cơn bão đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc, Việt Nam hay Đài Loan (Trung
Quốc) hình thành rất gần bờ và thường đạt tốc độ mạnh nhất khi đổ bộ vào
đất liền.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khẳng định cần phải tiếp tục nghiên cứu
nhằm xác định nguyên nhân của hiện tượng chênh lệch nhiệt độ nói trên
là do hiện tượng nóng lên của Trái Đất hay là hiện tượng biến đổi theo
chu trình của tự nhiên vẫn diễn ra trong những thập kỷ qua.
Giáo sư Chang-Hoi Ho, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định nếu những biến
đổi môi trường trên diện rộng diễn ra trong những năm qua hay hiện tượng
Trái Đất nóng lên được chứng mình là nguyên nhân của hiện tượng trên,
thì trong những năm tới, khu vực Đông Á sẽ phải chịu tác động của các
cơn bão nhiệt đới với tần suất nhiều hơn bao giờ hết./.
(TTXVN)