Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 2/7/2011 11:6'(GMT+7)

Biến rác thải thành năng lượng

Bao giờ rác thải không còn là vấn nạn ở Việt Nam?

Bao giờ rác thải không còn là vấn nạn ở Việt Nam?

Gần 200 nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường, xử lý chất thải, năng lượng đã cùng nhau xem xét một trong các giải pháp công nghệ - công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng, cùng nhau đánh giá sự thích hợp của công nghệ này và khả năng áp dụng thực tế ở Việt Nam...

Xử lý chất thải chưa được giải quyết trọn vẹn

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Sinh-Chủ tịch VACNE cho biết, 20 năm trước ở nước ta, nếu địa phương, cơ sở nào có được bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh đã là một điểm sáng về bảo vệ môi trường. Rồi các cơ sở sản xuất phân vi sinh từ rác thải, các đơn vị nghiên cứu chế tạo các lò đốt rác quy mô nhỏ ra đời. Một số phương pháp xử lý rác tương đối triệt để theo công nghệ Seraphin, công nghệ Tâm Sinh Nghĩa được công nhận và đưa vào vận hành. Ngành y tế cũng thí nghiệm nhập khẩu các lò đốt rác thải y tế để sử dụng. Tất cả tạo nên một bức tranh đa dạng nhưng phức tạp về công nghệ xử lý chất thải. Các lò đốt chất thải công nghiệp ở Việt Nam hiện đang bị quá tải, đặc biệt ở các TP lớn. Một thực tế đáng lo ngại được nhiều nhà khoa học cảnh báo, năm 2012 Hà Nội có thể sẽ không còn chỗ đổ rác. Tại Hà Nội, khối lượng rác tăng trung bình 15%/năm, với tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hiện nay ước khoảng 5.000 tấn/ngày đêm. Với đà này, các bãi chứa rác của Hà Nội sắp đầy ứ và không còn năng lực để xử lý. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác, một năm tiêu tốn trên 235 tỷ đồng để xử lý. Tuy nhiên, 98% rác vẫn được chôn lấp, với công nghệ xử lý còn thô sơ, nên thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là nước rỉ rác thải.

Trong khi đó tiến độ dự án xây dựng nhà máy xử lý rác lớn nhất Việt Nam lại tiến triển ì ạch. Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế lo ngại thông báo, mỗi năm lượng rác thải y tế nguy hại tăng thêm khoảng 1.000 tấn và được xử lý chủ yếu bằng công nghệ đốt. Khoảng 95% rác thải y tế ở các bệnh viện được thu gom, trong đó 70% số rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp (chủ yếu ở tuyến huyện). Hiện cả nước có 253 lò đốt hai buồng, 128 lò đốt một buồng. Đa số các lò đốt chưa có hệ thống xử lý khí thải, công suất lò đốt sử dụng chưa hợp lý.

Năng lượng từ rác

Các nhà khoa học cho rằng, xu hướng chung của thế giới là không sử dụng các lò đốt rác thải y tế nữa. Nhiều nước châu Âu bây giờ cấm việc đốt chất thải, thải khí lò đốt trực tiếp ra môi trường. Thay vào đó là sử dụng rộng rãi công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng (WtE). Hiện nay Mỹ có hơn 100 nhà máy WtE. Anh, Đức, Pháp cũng xây dựng hơn 60 nhà máy/nước. Tại châu Á, Nhật Bản là nước đi tiên phong trong lĩnh vực này, với hơn 80 nhà máy WtE, Trung Quốc gần 20 nhà máy, Hàn Quốc gần 20 nhà máy. Trong khối ASEAN, Singapore và Thái Lan cũng có khoảng 3 nhà máy WtE. Ưu điểm vượt trội của công nghệ WtE là đảm bảo vệ sinh bằng cách giảm ô nhiễm vi sinh; giảm khối lượng rác thải lên đến 90%; tiêu hủy các hợp chất hữu cơ, hóa chất; tái tạo ra năng lượng nhiệt, điện...

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đã biết tới WtE và khẳng định rác là một loại tài nguyên, tuy nhiên chưa được quan tâm khai thác. Công ty Môi trường Đô thị (URENCO), đơn vị vận chuyển rác lớn nhất Thủ đô, mỗi ngày thu được 60 - 70 tấn rác hữu cơ chuyển về nhà máy xử lý rác Cầu Diễn để xử lý thành phân hữu cơ.

Giải pháp WtE có khả thi ở Việt Nam?

Về vấn đề này TS Huy Nga cho hay, trong y tế, hệ thống WtE ở Việt Nam chưa được áp dụng. Theo chủ trương của Chính phủ, đến năm 2010, Việt Nam phải hình thành một nền Công nghiệp Môi trường, giảm thiểu lượng rác chôn lấp xuống chỉ còn từ 10 đến 15%, nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời tiết kiệm diện tích đất. Công nghệ WtE tuy không còn mới trên thế giới, nhưng việc xem xét tính phù hợp và khả thi của công nghệ này đối với tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải ở Việt Nam là điều đáng làm.

Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam cho biết, công ty đặc biệt quan tâm tới công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng (WtE). Nhiều đoàn chuyên gia của Vinaconex đã đi công tác, tìm hiểu mô hình công nghệ WtE tại Đức, Nhật Bản. Nhiều tập đoàn mạnh về công nghệ môi trường cũng đã chủ động tìm đến Vinaconex. Một trong những đối tác tiềm năng và được đánh giá rất cao hiện nay, là Tập đoàn MHIEC, quy tụ giải pháp công nghệ và nhân lực cao cấp từ hai tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ xử lý môi trường là Martin (Đức) và Mitsubishi (Nhật Bản). Theo quan điểm của công ty, việc áp dụng công nghệ này vào Việt Nam là rất cần thiết và sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho sự phát triển bền vững của các đô thị tại Việt Nam, góp phần xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường.


Kim Ngân/Đại đoàn kết

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất