Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 9/11/2009 13:34'(GMT+7)

Biết bao tự hào, ta là người Việt Nam!

Có những bài hát ta chưa từng được nghe, nhưng khi nghe rồi lại chẳng thể quên. Không hẳn bởi giá trị của bài hát, cũng không hẳn do tác giả là người nổi tiếng, mà quan trọng là giá trị nội dung, tình cảm mà tác giả muốn thể hiện. Bài hát “Quê hương mình đẹp nhất” của tác giả Nguyễn Văn Đồng là một trong số những hiện tượng hiếm hoi như vậy.

Tại Festival Huế 2005, trong rất nhiều hoạt động phong phú, tôi thực sự chú ý đến phần biểu diễn của Đoàn nghệ thuật tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong đó đặc biệt là phần biểu diễn một bài hát Việt Nam do nữ ca sĩ Trung Quốc Vương Thụ Bình thể hiện. Bài hát này tôi chưa nghe bao giờ, nhưng khi nghe giọng ca sĩ cất lên cao vút trong trẻo với ca từ “Dù có đi khắp bốn biển, dù từng đến khắp năm châu. Người Việt ta vẫn tự hào: Quê hương mình là đẹp nhất...” thì tôi thật sự bị thu hút bởi sự hấp dẫn của giọng hát và nội dung của ca khúc.

Dù đang sống và làm việc trên Tổ quốc Việt Nam, nhưng khi nghe bài hát, tôi vẫn thấy rưng rưng xúc động-một sự đồng cảm với những con xa xứ. Chắc chắn tác giả bài hát phải là người đang ở xa Tổ Quốc, vì tôi thấy trong đó chứa đựng một tâm trạng tự hào, lòng tự tôn dân tộc mà chỉ ở xa Tổ Quốc nó mới được bộc lộ mạnh mẽ, mãnh liệt đến thế. Qua tìm hiểu, tôi được biết bài hát này do Tổng lãnh sự Nguyễn Văn Đồng (đang công tác tại lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh-Trung Quốc) sáng tác.

Bài hát viết ở giọng la thứ, có kết cấu 1 đoạn đơn. Tiết tấu đơn giản dễ hát, lời ca dung dị chân phương. Tuy về cấu trúc âm nhạc chưa thật hoàn hảo so vớí các sáng tác chuyên nghiệp của những nhạc sĩ được đào tạo bài bản, nhưng khi giai điệu vang lên, tôi nghe và thấy vô cùng tự hào về đất nước mình: “Dù có đi khắp bốn biển, dù từng đến khắp năm châu, người Việt ta vẫn tự hào: Quê hương mình là đẹp nhất. Cánh đồng vàng bát ngát, đàn cò trắng bay bay. Năm nay bồ thóc lại đầy, làng quê ta đổi thay từng ngày...”

Tôi mường tượng ra vẻ trầm tư hồi tưởng cuả tác giả khi hình dung về một đất nước Việt Nam đang từng ngày thay da đổi thịt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Và thấy được niềm tự hào cuả tác giả về thiên nhiên tươi đẹp, về con người Việt Nam nhân hậu, thân thiện và cởi mở: “Việt Nam quê hương ta, có non cao biển rộng sông dài. Việt Nam nhân dân ta, chí kiên cường và giàu lòng nhân ái...”

Lời kết của ca khúc được tác giả đưa ra với niềm phơi phới tự hào: “Ôi biết bao tự hào ta là người Việt Nam”. Câu hát cuối này được đặt trong dấu nhắc lại và kết ở nốt la (âm chủ) - một âm ổn định - như một sự khẳng định định niềm tự hào dân tộc của người con đất Việt luôn hướng về đất mẹ.

Đối với tôi, giai điệu của bài hát thật ngọt ngào, dịu dàng mà vẫn tràn ngập yêu thương, tha thiết. Sau này, khi có dịp được diện kiến tác giả, anh nói: Ở Trung Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới, người Việt Nam hát nhiều về đất nước mình. Thường mỗi dịp liên hoan họ đều hát những bài ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi quê hương. Tuy nhiên, hình như rất ít ca khúc được sáng tác cho đối tượng người Việt xa Tổ quốc - mà ở đó tác giả dùng âm nhạc để thể hiện tấm lòng của kiều bào với đất mẹ, dù ở rất xa nhưng ngày đêm vẫn hướng về Tổ Quốc, tự hào mình là con Lạc cháu Hồng...

“Quê hương mình đẹp nhất” dù được ít người biết đến (có thể do tác giả không muốn công bố trên phương tiện thông tin đại chúng), nhưng theo tôi bài hát cần được phổ biến rộng rãi để công chúng luôn nhớ rằng: Ngoài 82 triệu dân Việt Nam (trong nước) vẫn còn có một số lượng không nhỏ những người con đang sinh sống xa Tổ Quốc luôn hướng về đất mẹ Việt Nam với niềm tự hào và tin yêu máu thịt: “Ôi biết bao tự hào! Ta là người Việt Nam”./.

Diễm Nguyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất