(TCTG) - Kịch bản phim “Nhìn ra biển cả” của chị đoạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là kịch bản viết về Bác Hồ, giai đoạn Bác làm thầy giáo ở trường Dục Thanh (Phan Thiết). Bộ phim được Nhà nước đặt hàng nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2010).
Đã có nhiều bài báo, bộ phim đặt tít rất gợi: Người đàn bà hát, người đàn bà vẽ. Và tôi cũng muốn đặt tên cho bài báo của minh là Người đàn bà... làm phim khi viết về nhà biên kịch Nguyễn Thị hồng Ngát.
Khởi nghiệp cuộc đời nghệ thuật là diễn viên chèo, nhưng chị được mọi người biết đến trong vai trò của nhà biên kịch. Chị là một trong số ít tác giả có nhiều kịch bản được dựng thành phim bằng tiền của Nhà nước hoặc được Nhà nước đặt hàng. Khi nghe tôi nói điều này chị có vẻ ngạc nhiên. Ngẫm nghĩ một lát, chị gật đầu công nhận. Có thể kể: Hà Nội 12 ngày đêm (đồng tác giả với các nhà văn Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai…), Ký ức Điện Biên, Đừng đốt (chị là giám đốc sản xuất) và mới nhất là Nhìn ra biển cả.
Kịch bản phim “Nhìn ra biển cả” của chị đoạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là kịch bản viết về Bác Hồ, giai đoạn Bác làm thầy giáo ở trường Dục Thanh(Phan Thiết). Bộ phim được Nhà nước đặt hàng nhân kỉ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh(19-5-2010). Chị tâm sự: “Đề tài nung nấu từ lâu, nhưng khi có tuổi mới dám làm vì còn phải tích lũy kiến thức cũng như kinh nghiệm sống, nhất là sức lực và lòng can đảm”
Làm phim về nhân vật lịch sử đã khó, về Chủ tich Hồ Chí Minh còn khó hơn nhiều vì phải tuân thủ những sự kiện, bối cảnh lịch sử… lại không thể lặp lại một số tác phẩm điện ảnh viết về Người: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Ra đi từ bến Nhà Rồng, Hà Nội mùa đông năm 46. Vì vậy nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chỉ chọn một “lát cắt” rất nhỏ, khoảng 2-3 năm trong cuộc đời hoạt động phong phú của Hồ Chủ tịch để thể hiện. Đây là khoảng thời gian rất quan trọng đối với người thanh niên Nguyễn Tất Thành, thời gian nhận thức, tìm hiểu nguyên nhân vì sao con đường cứu nước của các bậc chí sĩ đều thất bại, từ đó tìm ra hướng đi đúng đắn cho mình, dân tộc mình.
|
Tác giả kịch bản "Nhìn ra biển cả". Ảnh:Kim Thoa |
Bối cảnh phim là đất nước ta đầu thế kỷ XX, rên xiết dưới gót giầy đô hộ của thực dân Pháp, chế độ phong kiến bù nhìn thối nát. Bao cuộc khởi nghĩa, bao phong trào yêu nước Duy Tân, Đông kinh Nghĩa thục…của các chí sĩ đều thất bại. Mọi điểm nhìn, mọi hình ảnh đều hút vào người thanh niên Nguyễn Tất Thành với suy nghĩ vừa giống lại vừa rất khác những người thanh niên yêu nước có chí khí cùng thời. Cái thời mà xã hội như một sân khấu đang đến kỳ cao trào chưa có đoạn kết. Trên nền hiện thực ấy, nhân vật lịch sử xuất hiện tạo cho nhà biên kịch nguồn tư liệu, niềm cảm hứng làm nên tác phẩm. Chị hình dung rằng, nhân vật chính là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, đang trong độ tuổi thanh xuân - tuổi đẹp nhất của một con người, có điều kiện bộc lộ nhân cách lớn trong từng việc làm nhỏ tại môi trường sư phạm dân chủ vào bậc nhất nước ta lúc đó.
Trường Dục Thanh (viết tắt của: Giáo dục thanh niên) là một cơ sở của Công ty Liên Thành - một tổ chức yêu nước nổi tiếng được thành lập đầu thế kỉ XX gồm 3 bộ phận: Liên Thành thương quán (làm kinh tế gây quỹ hoạt động), Liên Thành thư xã (tuyên truyền, truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước), Dục Thanh học hiệu (mở trường dạy cho con em lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ). Trường mở ra nhằm mục đích khai thông trí đức, bồi bổ trí tuệ, lòng yêu nước và sức khỏe cho các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam - Mục tiêu giáo dục đặt ra cách đây cả trăm năm, nhưng vẫn mang tính thời sự và còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đặc biệt nhấn mạnh trường đoạn này trong bộ phim của mình. Chính vì vậy bộ phim thể hiện nhân vật lịch sử, trong một thời điểm lịch sử nhất định nhưng chuyển tải vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, đồng thời mang tính giáo dục cao.
Năm 1910, Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô giới thiệu đến dạy học tại ngôi trường này. Lúc ấy trường có khoảng 60 học sinh và 7 thầy giáo giảng dạy các môn: Hán văn, Pháp văn, thể dục… Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu dạy chữ Quốc ngữ. Ngoài những nội dung được phân công giảng dạy thầy Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên. Trong giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành con dẫn học sinh đi du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, đình làng Đức Nghĩa… Tất cả chi tiết có thực là nền tảng kích thích trí tưởng tượng của nhà biên kịch, chi tiết nọ gọi chi tiết kia, tác giả bị cuốn theo lô gích của câu chuyện . Và trong cái mạch ấy có cảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành theo một gia đình học sinh làng chài ra biển đánh cá. Đững giữa trời biển bao la, thầy nghĩ về tự do, tự hỏi mình phải làm gì để giải phóng nhân dân khỏi ách lầm than. Và chắc hẳn lúc ấy Người đã nghĩ, phải ra với biển cả, ra với thế giới để xem họ làm thế nào mà có được tự do độc lập, nhân dân có cơm ăn áo mặc, sống đầy đủ sung sướng. Đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt bộ phim và lí do để nhà biên kịch chọn đặt tên cho đứa con tinh thần của mình.
Chị kể với tôi công việc bếp núc của người làm phim, những vất vả chuân chuyên khi làm nghề. Chị bảo, trong tài liệu chỉ ghi một dòng rất ngắn, khi bị đuổi khỏi trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành đi nhờ xe của người buôn mạch nha vào Phan Thiết. Nhưng với nhà biên kịch để khai thác được chi tiết đó phải hình dung và cụ thể hóa trong kịch bản của mình xem chiếc xe có hình thức thế nào, hành trình đi trong bao lâu, cần mấy người ngồi trên xe là đủ, họ ăn, ngủ, nói chuyện dọc đường ra sao, nhân vật chính của câu chuyện phải thế nào để không bị lẫn vào những người đi cùng… rồi triển khai thành từng lớp diễn cho các diễn viên. Để có thể làm được việc đó đòi hỏi nhà biên kịch phải có nghề, phải bài bản, cẩn thận. Đặc biệt các chi tiết hư cấu phải đưa vào “rất ngọt” làm sao để có thể khắc họa tính cách, đời sống, các mối quan hệ làm nổi rõ hình tượng nhân vật.
Với bộ phim này, để có những chi tiết hư cấu hợp lý, chị đã phải đọc rất nhiều tài liệu, đến xem Bảo tàng Hồ Chí Minh, gặp gỡ một số người từng phục vụ Bác, nhờ nhà văn Sơn Tùng tư vấn… Là người làm nghề lâu năm, chị hiểu, chỉ một chi tiết nhỏ không hợp lý sẽ gây sự lãng phí lớn không chỉ về tiền của mà còn là sức lao động, sự sáng tạo của tập thể những người làm phim. Chị tâm sự: “Là người viết kịch bản, tôi chỉ đặt viên gạch đầu tiên cho bộ phim, còn có thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều khâu, nhiều người, từ đạo diễn, nhà quay phim, diễn viên, đạo cụ, âm nhạc, tiếng động…”
Vẫn biết một tác phẩm điện ảnh ra đời là sản phẩm trí tuệ của cả một tập thể, nhưng một kịch bản hay là yếu tố tiên quyết làm nên bộ phim hay./.
KIM THOA