Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 11/10/2009 20:16'(GMT+7)

Nhà báo Hữu Thọ và cuốn sách thứ 21

- Phần thứ nhất là 141 tiểu phẩm báo chí được viết từ sau Ðại hội toàn quốc lần thứ X của Ðảng. 141 tiểu phẩm, 141 chuyện đời, 141 thói hư tật xấu được phân tích, bình luận một cách nhẹ nhàng mà chua xót, sâu buồn.

Chua xót, sâu buồn vì đó là những thói tật như luồn cúi, nịnh bợ, đón gió trở vờ, kiêu ngạo, ô dù, bè cánh, ham hố lợi lộc, chức quyền bằng mọi giá... càng ngày càng có vẻ như trầm trọng hơn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và bộ máy trong một số nơi thuộc công quyền. Quán xuyến nhất trong tập này là ghế. Cái ghế tức chức vụ, địa vị, là cái rất, rất không ít người phải chạy chọt để mua. Mua được rồi thì giữ chặt lấy, "phát huy" nó để đe nẹt, làm hại người khác, để mua ghế cao hơn. Khi bắt buộc phải rời nó thì tìm cách để "truyền" cho người cùng phe cánh để sau này còn có chỗ dựa. Trong "Ðôi lời cùng bạn đọc", Hữu Thọ tâm sự: "Tất nhiên có ghế cao, ghế thấp nhưng ghế vẫn là ghế, chỉ đơn giản là chỗ ngồi. Nhưng không đơn giản chỉ là chỗ ngồi bình thường mà quan trọng là địa vị xã hội. Từ đó nảy sinh ra nhiều thứ quyền, từ quyền dạy bảo, chỉ huy, đe nẹt, xử phạt tới tiền tài, đất đai, sự ưu ái cho bản thân và cho con cháu họ hàng... cho nên người ta ham ghế, sinh ra nhiều chuyện từ cái ghế. Tất nhiên không phải mọi người đều quan tâm tới ghế vì cung bậc giá trị cao thấp của mỗi người là ở trong lòng dân, trong lòng đồng liêu, đồng nghiệp nhưng cái ghế vẫn là thứ hấp dẫn với "không ít người". Có bao nhiêu chuyện từ chỗ ham ghế dẫn tới những mưu mô mua chuộc, hãm hại nhau để "tranh ghế, mua ghế!" Có ghế rồi thì có biết bao nhiêu chuyện để hòng có ghế cao, đã cao rồi còn muốn cao hơn, không có giới hạn nào của sự ham muốn. Rồi tìm mọi cách dối trên, lừa dưới, trị người khác ý, lập phe nhóm để giữ ghế".

Cách viết của Hữu Thọ là như vậy, có lửa và lửa nóng, tuy không chỉ đích danh ai nhưng mà là chuyện đời thực sát sạt trăm phần trăm báo chí, làm cho không ít kẻ "có tật giật mình".

Trên cương vị là một đảng viên, một nhà báo có trách nhiệm với xã hội, mục đích của những tiểu phẩm này không phải là sự phê phán để phê phán hoặc "nói cho sướng miệng", gạt mình ra khỏi lỗi lầm, mà trước hết là "tự răn mình", góp một tiếng nói vào công tác xây dựng Ðảng, xây dựng con người, đã và mãi là vấn đề then chốt theo những chỉ dạy giản dị mà sâu sắc, mà tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Ðảng ta không có lợi ích gì khác"; "Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng".

Cả nước đang tích cực thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ðiều đó hết sức quan trọng với mỗi người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng, việc học tập đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết phải làm sâu sắc, triệt để, phải đưa ra được những tấm gương từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ cấp cao, có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Ðiều này hoàn toàn có lý, quyết định hiệu quả của Cuộc vận động. Bởi vì, sự xa rời tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, những biểu hiện tiêu cực, phi đạo lý đã và đang xuất hiện như những tổ mối nguy hiểm trong một số tổ chức Ðảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị mà Nghị quyết Ðảng đã nhiều lần vạch rõ như một nguy cơ.

- Phần thứ hai của Ghế  là những cuộc trao đổi, đối thoại về nghề báo, và nói như PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, thì đó là những cuộc đối thoại "sòng phẳng, minh bạch và dũng cảm".

Bởi là những trả lời phóng viên báo này, báo khác ở những thời điểm khác nhau, ở những vấn đề cụ thể khác nhau, nên nó không mang tính hệ thống, nhưng là người từng trải, sắc nhạy, nhà báo Hữu Thọ đã nêu ra được những vấn đề, những kinh nghệm làm báo thiết thực, bổ ích trong giai đoạn hiện nay.

Thí dụ, vấn đề "nhanh" và "đúng". "Nhanh", đem lại vinh quang là "người đưa tin số một", nhưng "đúng" đó mới là điều đem lại tin cậy, điều quyết định uy tín của tờ báo. Nếu được cả hai thì tuyệt vời, nhưng không phải lúc nào cũng có thể đạt được điều này.

Ông nêu ra tác nghiệp, cũng là yêu cầu đối với nhà báo trên ba điểm: Ðó chính là phương châm khởi đầu đổi mới của Ðảng ta: "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật". Trong đó, "đánh giá đúng sự thật là khâu đòi hỏi không chỉ trình độ mà còn là lương tâm của người viết. Cùng với đó là thái độ của nhà báo: "Khi tiếp cận thực tiễn, phải đánh giá con người sự kiện và tỏ thái độ. Theo tôi, đó là vấn đề có tính thời sự lớn nhất, khó khăn lớn nhất, sự lựa chọn khắc nghiệt nhất với người làm báo hôm nay".

Nhà báo cần nhiều phẩm chất, trong đó phải có một phẩm chất, một hành vi thường trực: đó là tính hoài nghi khoa học. Hữu Thọ dẫn ra phương châm của Mác-két "Ðối với người làm báo, tin nào cũng phải điều tra". Và như vậy, toàn bộ công việc của người làm báo, dù ở thể loại nào, cũng là công việc điều tra. Có những điều mình đinh ninh tin chắc vẫn phải kiểm tra, thẩm tra trước khi đặt bút viết, trước khi đem in. Và cũng theo ông, bệnh đáng sợ nhất của người làm báo là "bệnh ác": "Tôi sợ nhất bệnh ác. Ðó là căn bệnh khó sửa, bất nhân. Báo chí phải mang lại không khí hòa bình, nhân văn, điều đó nâng con người lên. Nếu tiếp tục thông tin trạng thái dưới văn hóa sẽ tạo ra một thị hiếu dưới văn hóa và một nền "văn hóa" dưới văn hóa".

"Ðã là nhà báo thì cũng phải biết phòng thân", ông cũng đã từng nói vậy. Và đó cũng là nỗi buồn khi "lựa chọn" giữa "bề trên"... và chân lý, khi gặp tình huống phức tạp và phải im lặng: "Người làm báo gặp phải tình huống phức tạp mà phải im lặng, không ủng hộ cũng không phản đối và dù có thể hiểu trong bối cảnh nào gật đầu đồng tình là dễ dàng, còn sự im lặng đó là ngầm ý phản đối..., thế thì vui sao được"!

Ông cũng có kể lại một chuyện khiến ông day dứt khi còn là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: "Vụ ông Phạm Sỹ Chiến, khi đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh, hai phóng viên Báo Nhân Dân có bài điều tra về tiêu cực của ông, nếu tiếp tục đăng lên và xử lý thì chắc ông ta sẽ không lên được vị trí Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao. Có người bảo tôi "tha" nhưng tôi có bắt được ai mà tha, nhưng đồng chí lãnh đạo tỉnh nói với tôi: "Một công nhân đi học luật, làm luật như anh Chiến là đáng quý" làm cho tôi động lòng. Tôi đã không đăng tiếp một số bài báo nhưng sau này phải viết sách công khai xin lỗi hai phóng viên (bài in trong cuốn Ðèn xanh, đèn đỏ) khi ông Chiến bị xử trong vụ Năm Cam".

Và để tự nói về mình như một mong ước, một phần quan trọng trong sự nghiệp làm báo 60 năm của mình, Hữu Thọ - Người hay cãi, mượn một câu của Ðào Duy Từ: "Ước tôi hay gián, ước Chúa hay nghe". Ðiều ước ấy không phải lúc nào cũng đắc ý nhưng không phải không có lúc đã được thực hiện thành công, đem lại những điều tốt lành cho cuộc sống./.

(Theo: Nguyễn Sĩ Đại/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất