Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 7/9/2009 16:2'(GMT+7)

Có một nhà hát Pháp gắn bó với tuồng Việt Nam

Một cảnh trong vở “Chàng Scapin láu lỉnh”.

Một cảnh trong vở “Chàng Scapin láu lỉnh”.

Thành lập năm 1977, lãnh đạo nhà hát đã giúp đơn vị nghệ thuật nhỏ này vượt biên giới nước Pháp đi lưu diễn khắp thế giới và qua những chuyến đi đó, họ đã làm mới cho nghệ thuật của mình chính từ những gì học hỏi. Nghệ sĩ Alain Destandau là giám đốc nhà hát đã cùng vợ - nghệ sĩ Bestina Schneeberger - đến Việt Nam dựng vở Chàng Scapin láu lỉnh theo chương trình của Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Pháp (L’Espace). Vở diễn giúp người Việt Nam làm quen với sân khấu hài kịch mặt nạ chính cống của I-ta-li-a mà trước đó khán giả Việt Nam chỉ biết qua sách vở.

Với những chiếc mặt nạ che nửa khuôn mặt, để lộ phần dưới, kịch mặt nạ đòi hỏi rất cao về năng lực biểu hiện bằng hình thể, sự linh hoạt của ánh mắt và kỹ thuật biểu diễn phù hợp với mặt nạ - nhân vật được định hình đó. Chính những chiếc mặt nạ với chất liệu gỗ có cấu tạo độc đáo đã cộng âm với giọng nói, tạo ra sắc thái và độ vang rất hiệu quả. Xuất phát từ tình huống hài hước quen thuộc, nhân vật người hầu thông minh, láu lỉnh với mưu mẹo của mình đã cứu được chủ khỏi những rắc rối tưởng như không lối thoát, những tình huống hài được 5 diễn viên thể hiện 9 nhân vật thật linh hoạt.

Đêm diễn hoàn toàn bằng tiếng Pháp nhưng người Việt có thể hiểu được nội dung, cảm nhận khá tốt tình huống kịch nhờ vào cốt truyện đơn giản và khả năng biểu cảm, cùng kỹ thuật hoàn hảo của các nghệ sĩ nhà hát. Đêm diễn đó, họ đã làm chủ sàn diễn và làm chủ không khí khán phòng với những chiếc mặt nạ cùng trang phục tơ lụa sặc sỡ và những động tác ước lệ đã quen thuộc đối với khán giả Việt Nam như: cưỡi ngựa, múa đao, mở cửa… hay thể hiện các trạng thái: run rẩy toàn thân, cao hơn nữa là sự bất tỉnh, sự vui mừng, hoan hỉ…

Nhưng điều đáng kể hơn cả, các nghệ sĩ đã bị thu hút và thuyết phục bởi nghệ thuật tuồng của Việt Nam. Có diễn viên đã thốt lên: Đây là môn nghệ thuật tuyệt vời và độc đáo. Trong cố gắng làm mới ngôn ngữ của mình để thu hút khán giả hiện đại không còn mặn mà với sân khấu, các nghệ sĩ đã đi sâu tìm hiểu về nghệ thuật tuồng. Kết quả, họ đã tìm thấy những điểm tương đồng giữa tuồng và kịch mặt nạ trong hình thức thể hiện, hóa trang và phục trang của các nhân vật. Từ đó, họ mạnh dạn đặt vấn đề liên kết với nhà hát tuồng. Cách làm việc giữa hai nhà hát cũng khá đặc biệt, đề cương đưa ra được hai bên cùng bàn thảo, hoàn thiện rồi tập trong nhiều tháng và kết quả vở “Vòng cát” ra đời.

Cốt truyện “Vòng cát” đơn giản với mô-típ quen thuộc của tuồng cổ về sự thoán đoạt, phản bội của người chú cùng cuộc đấu tranh muôn đời đang diễn ra giữa thiện và ác, trung nghĩa và phản bội… sự hòa hợp và kết tinh giữa hai hình thức sân khấu đã tạo hiệu quả tốt đẹp. Trên sân khấu, diễn viên mặt nạ Pháp cùng diễn với các diễn viên tuồng Việt Nam, mỗi bên đều giữ ngôn ngữ của mình biểu đạt bằng hai ngôn ngữ của hai loại hình đến nhuần nhuyễn. Vở kịch được công diễn hàng trăm lần tại Việt Nam đã thu hút công chúng Việt Nam và nước ngoài. Tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 2 tại Hà Nội năm 2007, “Vòng cát” đã vượt qua nỗi hoài nghi của nhiều bạn nghề về khoảng cách giữa hai loại hình để đón nhận những tràng pháo tay tán thưởng.

Thành công ngoạn mục từ sự kết duyên nghệ thuật kỳ lạ này như một sự kích thích cần thiết để ê-kíp sáng tạo bắt tay vào vở diễn mới: Antigon Việt Nam. Cốt truyện bắt nguồn từ một bi kịch cổ của Hy Lạp về một người anh bị giết và người cầm quyền ra lệnh cấm chôn cất để linh hồn không thể siêu thoát và cô em gái dũng cảm Antigon đã cưỡng lại mệnh lệnh vô nhân đạo đó. Vở diễn không kết thúc như kịch bản cổ điển mà lại kết thúc có hậu như các vở diễn thường thấy trong tuồng Việt Nam, khi nhân vật chính được cứu thoát.

Để đạt tới sự hài hòa, chất phô trương và cường điệu của tuồng đã được giảm nhẹ, đồng thời, những biểu cảm tinh tế trong ánh mắt diễn viên của kịch mặt nạ được tô đậm thêm. Vũ đạo tuồng vào vở ngọt, tạo ấn tượng mạnh cho khán giả trong khá nhiều trường đoạn. Vở diễn được diễn liên tục ở Pháp và Việt Nam trong suốt năm qua và được đón nhận khá nồng nhiệt với ba suất diễn mỗi ngày kéo dài suốt đợt Liên hoan Sân khấu Avignon (Pháp) tháng 7 vừa qua.

Sự thành công của vở diễn đã chứng tỏ, nếu biết dàn dựng có thể kết hợp giữa sân khấu phương Tây và sân khấu phương Đông để tạo ra bữa tiệc thực sự về thị giác và thính giác. Giá trị cảnh sắc của sân khấu đã phát huy hết sức mạnh của nó khi ánh sáng được xử lý công phu, hiệu quả, tôn giá trị biểu tượng của nhân vật và cùng với nó là những bộ trang phục sân khấu rất cầu kỳ và lạ mắt của nhà thiết kế Minh Hạnh.

Như để minh chứng cho sự kết hợp kỳ thú, những người bạn Pháp lại tiếp tục bàn bạc với các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam, lên đề cương cho một vở diễn mới, góp thêm một trải nghiệm thú vị về kết hợp sân khấu Đông - Tây. Khán giả Việt Nam và cả khán giả yêu sân khấu ở Pháp lại có cơ hội thưởng thức vở diễn mới trong tương lai. Và cũng là thêm cơ hội cho các đoàn kịch hát dân tộc trong nước học hỏi về cách làm mới sân khấu dân tộc, vốn đang bị khán giả thờ ơ.

Cao Ngọc-HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất