Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 5/3/2009 8:30'(GMT+7)

“Biểu diễn chính là cách sống của diễn viên”

Cảnh trong vở “Người tốt Tứ Xuyên”.

Cảnh trong vở “Người tốt Tứ Xuyên”.

Vở kịch không chỉ phản ánh hiện thực - sự chênh lệch giàu nghèo trên thế giới hôm nay mà còn có giá trị về nghệ thuật biểu diễn kịch B.Brếch mang đậm phong cách Nhật Bản.
 
   

"Dung dị đẳng cấp"

Thành lập năm 1954, đoàn kịch Tee luôn theo đuổi phương châm của B.Brếch - dùng sân khấu để mô tả thế giới hiện tại. Xem "Người tốt Tứ Xuyên" chúng ta nhận thấy sự cuốn hút nằm ở tài năng diễn xuất của diễn viên và tư tưởng của vở diễn.

 

Diễn viên sân khấu "tự sự biện chứng" (sân khấu Brếch) chủ trương cho khán giả thấy - họ là những diễn viên đang đóng các nhân vật chứ không phải là nhân vật thật. Trong quá trình diễn xuất, diễn viên có quyền bộc lộ thái độ, quan điểm đối với nhân vật của mình. Điều này đòi hỏi diễn viên hiểu sâu sắc vai kịch trong mối quan hệ với các nhân vật khác. Cao hơn thế diễn viên còn phải biết so sánh đời sống trong kịch và cuộc sống đời thường. Xuất phát từ những quan điểm tiến bộ, người diễn viên đưa ra nhận thức mang tính tổng hợp vào quá trình sáng tạo vai diễn.

 

Để nắm giữ được phong cách biểu diễn Brếch, đạo diễn T.Hirowatari của đoàn kịch Tee, người tiên phong về biểu diễn kịch Brếch ở Nhật Bản luôn tâm niệm với các thế hệ kế cận của mình: "Biểu diễn chính là cách sống của diễn viên". 

 

Cô gái Xên-tê tốt bụng ở Tứ Xuyên do nữ nghệ sỹ M.Kuwahara thể hiện là điểm nhấn của tác phẩm. Không thấy danh xưng NSND hay NSƯT trong tờ gấp, không sở hữu một chiếc cổ kiêu ba ngấn, không có đôi mắt bồ câu, nhưng người xem tìm thấy ở chị ngọn lửa sáng tạo nghệ thuật mãnh liệt bừng sáng trên gương mặt bình dị cùng một phong cách diễn xuất tinh tế và nhiệt huyết.

 

Khán giả hiểu và bị thuyết phục trước thông điệp mà hình tượng vai diễn đem tới - để sống tốt đẹp trong hoàn cảnh khốn cùng, giữa những người khốn cùng thật khó khăn biết bao. Một trong những nỗ lực để vươn lên đó là sự phân thân, lấy phần con người lạnh lùng tính toán để tạo điều kiện cho phần tốt đẹp được di dưỡng được lan tỏa tới mọi người xung quanh.

 

Thế giới qua hơi thở Nhật Bản

 

Và cao trào của vở diễn đôi khi lại không tuân theo quy luật thắt nút hay đỉnh điểm vốn có của nghệ thuật sân khấu, sân khấu kịch hiện đại có thể tạo ra những cao trào ở nơi bản sắc văn hóa dân tộc và tư tưởng thời đại gặp nhau. 

 

Sau bước ngoặt bị thất bại tất cả trong tình yêu và cuộc sống, Xên-tê lại một lần nữa cải trang thành người anh họ Xui-ta, lạnh lùng tính toán, biến cửa tiệm thuốc lá phá sản do kinh doanh bằng lòng tốt thành nhà máy thuốc lá mà công nhân chính là những người khốn khổ, nghèo đói, thất nghiệp và chỉ biết sống bằng cách nhờ vào lòng hảo tâm của người khác. Vòng quay khắc nghiệt của kinh tế, tiền tệ của sự lạnh lùng sòng phẳng đã cuốn tình cảm và số phận con người vào vòng xoáy không ngừng mà nó tạo ra. Yan Xun (đốc công) đứng giữa cầm chịch, các diễn viên trong các vai công nhân vác trên vai những bao thuốc lá tạo thành vòng tròn xung quanh; các chuyển động trên nền nhạc mang âm hưởng dân ca lao động Nhật Bản với tiết tấu nhanh dần, dồn dập, không gian tối cùng ánh lửa đỏ hắt ra từ lò sản xuất thuốc lá… tạo nên sức hút thẩm mỹ bất ngờ. Chứng kiến cảnh tượng đó khán giả cảm thấy lo lắng, bất an và đau nhói cho kiếp người lầm than.

 

Sau Hà Nội, đoàn kịch Tee tiếp tục mang "Người tốt Tứ Xuyên" tới diễn tại Huế và thành phố Hồ Chí Minh vào tối các ngày 7 và 8 tháng 3.

 

Theo Hoàng Thi-HaNoiMoi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất