Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Tư, 11/2/2009 11:7'(GMT+7)

"Bí thư tỉnh ủy" - phim về một con người đi trước thời đại

Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc (áo trắng) đi cạnh Bác Hồ trong một lần Bác về thăm địa phương

Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc (áo trắng) đi cạnh Bác Hồ trong một lần Bác về thăm địa phương

Bí thư tỉnh ủy không chỉ là một chức danh, mà là một trách nhiệm, một nghĩa vụ và danh dự của một con người đi trước thời đại" - Nhà văn Thùy Linh, phó giám đốc Hãng phim Đài truyền hình VN (VFC), người trực tiếp lên kế hoạch sản xuất và biên tập bộ phim 50 tập sắp bấm máy Bí thư tỉnh ủy, đã bày tỏ như thế.

- Thưa bà, không cần phải là người trong nghề cũng hiểu được làm phim về một nhân vật có thật, trong một mảng đề tài khá khô khan và rất cũ: nông thôn VN trước đổi mới là một thách thức rất lớn. Có phải VFC được đặt hàng để sản xuất bộ phim này?

Không, chúng tôi tự đặt kế hoạch sản xuất sau khi thấy đã đến lúc hội đủ các yếu tố cần thiết. Cá nhân tôi mong muốn viết được một kịch bản phim dài tập về Kim Ngọc từ năm 2002 nhưng do nhiều nguyên nhân, mãi vẫn chưa viết được. Đầu năm 2008, tôi đặt vấn đề với nhà văn quân đội Vân Thảo - người đã viết kịch bản Hương đất - một phim dài tập về nông thôn của VFC rất được yêu thích. Ông Vân Thảo nhận lời và chúng tôi xin làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Lãnh đạo tỉnh và nhân dân Vĩnh Phúc với tất cả tình yêu, niềm tự hào và biết ơn với ông Kim Ngọc, đã cho phép chúng tôi 'xới tung' kho tư liệu ngủ yên gần 50 năm về người bí thư tỉnh ủy cũ, dắt chúng tôi gặp lại những cụ ông cụ bà từng là nhân chứng 'khoán hộ', 'khoán chui' với ông Kim Ngọc ngày xưa.

Gia đình bí thư Kim Ngọc: cụ bà, các anh chị, con trai, con gái... đều cảm động và giúp đỡ chúng tôi tìm kiếm tư liệu, chi tiết, chân dung từng con người cụ thể để chúng tôi thấy lại, hình dung lại được một khoảng thời gian lịch sử, hiểu được những tâm tư, suy tính, những đau khổ, day dứt của một con người mà theo tôi, tầm vóc lớn hơn chức vụ và chức phận của ông: bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc.

- Gần nửa thế kỷ sau, nhìn lại bằng con mắt và tâm thế của thời hiện đại, những người làm phim có lường đến tình cảnh là những vấn đề mà ngày hôm qua Kim Ngọc đau đáu, tâm huyết thì hôm nay đã trở nên bình thường, thậm chí lỗi thời, 'gàn dở'...

Vâng, chắc chắn là sẽ có rất nhiều thanh niên hôm nay xem sẽ vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười, vừa tức tối là sao có những chuyện đơn giản như con trâu, cái cày, chuyện chia ruộng khoán cho nông dân mà từ xã lên huyện đến tỉnh phải bàn bạc, họp hành, tranh cãi, thậm chí kỷ luật nhau căng thẳng đến thế. Họ cũng sẽ không tưởng tượng nổi là làm sao có thời con người có thể tư duy ấu trĩ, ngây thơ, cứng nhắc như vậy. Nhưng không có nghĩa là chúng tôi sẽ làm một bộ phim cũ.

Chúng tôi làm phim về ông Kim Ngọc trong cái nhìn khâm phục, tôn trọng của những người đang sống hôm nay. Lùi lại để có cái nhìn hôm nay, để thấy ông vừa sáng suốt, vừa dũng cảm, vừa 'liều' như thế nào khi quyết đưa khoán hộ vào đồng ruộng. Lùi lại để thấm thía là ông đã yêu nông dân, yêu đất đai như thế nào. Tôi sẽ không dám nói gì nhiều vì phim chưa bấm máy. Mọi thứ còn phụ thuộc vào các nghệ sĩ nhưng 'tinh thần Kim Ngọc' thì đoàn làm phim đã rất thấm.

- Thương hiệu VFC luôn đi kèm với dòng phim chính luận, ít tính giải trí đồng nghĩa với nhiều khi ít hấp dẫn. Đoàn làm phim dự tính thế nào để đảm bảo phần 'hút khách' bên cạnh việc làm một bộ phim nghiêm túc và bổ ích?

Chúng tôi biết điểm mạnh và điểm yếu của mình. Khi kịch bản viết xong, hãng phim đã 'chọn mặt gửi vàng' cho đạo diễn Quốc Trọng. Anh Trọng từng làm những phim 'cực khó, cực khổ, cực khô' như Mùa lá rụng (từ tiểu thuyết của Ma Văn Kháng), Hương đất, Ngõ lỗ thủng (từ tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh)... Những phim ấy luôn có tiếng nói xã hội, có giá trị về nghề và cũng không ai dám nói chúng kém hấp dẫn.

Anh Trọng cũng đã chọn diễn viên vào vai Kim Ngọc là Lê Dũng Nhi - một diễn viên nam hiếm hoi luôn có ý thức về nghề nghiệp, tìm hiểu nhân vật và học thuộc kỹ lời thoại. Khi chúng tôi cùng Dũng Nhi lên thắp hương cho ông Kim Ngọc và chào bà Kim Ngọc, bà nói: 'Trông cũng giông giống ông ấy ngày xưa', vậy là thấy tạm yên tâm về ngoại hình.

Còn về các 'mảng miếng', 'ngón nghề' của đạo diễn, tôi tin là anh Quốc Trọng đủ vốn sống và tay nghề để dựng được một câu chuyện lịch sử về nông thôn miền Bắc VN thời chiến tranh: với những người nông dân chất phác, hiền lành nhưng ranh vặt, tham lợi nhỏ; về những cán bộ xã, cán bộ huyện tâm huyết nhưng cứng nhắc, đầy hạn chế về nhận thức; cả những lãnh đạo cấp cao hết lòng vì sự nghiệp nhưng đầy ảo tưởng về chính sách công hữu - chính họ, với tình đồng chí và sự ngay thẳng - đã trở thành những rào cản ngăn trở khoán hộ của Kim Ngọc đến với từng người nông dân.

Tôi vẫn tin là nếu câu chuyện được kể một cách liều lượng và khéo léo, các thành phần đoàn làm phim làm hết vai trò của mình, nhất là diễn viên, thì câu chuyện về bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc vẫn cứ hấp dẫn như bất cứ câu chuyện tình nào.

- Bản thân nhân vật bí thư tỉnh ủy cần phải được xây dựng rất hấp dẫn: nhiều chi tiết về đời thường, ngôn ngữ tự nhiên, ít 'kiêng khem, rào đón'. Liệu kịch bản và nhất là bộ phim sắp quay có làm được như vậy?

Sẽ là một ông bí thư nông dân chất phác, hiền lành, có chút gia trưởng đôi khi nóng nảy. Đó là những gì chúng tôi biết khi tìm hiểu về ông: Kim Ngọc là con trai một người thợ cày và ông cày giỏi có tiếng trong vùng. Ông chỉ học đến lớp 6 và khi ông làm bí thư, chính người thư ký kiêm luôn vai trò dạy văn hóa cho ông. Học hết lớp 6 nhưng ông tự học đến hết đời.

Nhưng cao hơn, và đó chính là điều chúng tôi muốn hướng đến, là một con người với ý nghĩa viết hoa của từ này: một con người luôn luôn tư duy, luôn luôn muốn thay đổi, luôn luôn muốn vượt lên mọi khuôn khổ chật hẹp của các loại nghị quyết và lễ nghi, khuôn khổ, một con người dũng cảm, không biết sợ hãi bất cứ thế lực nào, vì tin vào mục tiêu cao cả của mình là cơm áo, ruộng vườn cho nông dân.

Tôi không dám tin là tất cả mọi người sẽ yêu thích nhân vật này nhưng tôi hi vọng mọi người sẽ tin trong đời này vẫn còn có những người như ông. Bí thư tỉnh ủy vì thế không chỉ là một chức danh, nó là một sứ mệnh. Và khi nhắc đến khái niệm này, mong mọi người hãy nhớ về Kim Ngọc./.
 
(Theo VTV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất