Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 29/12/2008 22:52'(GMT+7)

Đọc sách “Hoa mẫu đơn”

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Cuốn sách mở đầu bằng câu chuyện về ông Chấp trông coi một ngôi chùa cổ. Ngôi chùa đó là nơi tụ hội của những đứa trẻ trâu. Và một đêm cuối năm, chốn thâm nghiêm ấy đã mở rộng cửa cho một người phụ nữ nhỡ nhàng, không chồng mà chửa, nương náu, sinh con ở đó. (Thời ấy, những người phụ nữ như vậy bị gọt đầu bôi vôi dẫn đi bêu khắp làng).

Tiếp đó, Xuân Sách mở ra cho người đọc một thế giới của những cảnh ngộ. Một người phụ nữ theo người yêu về quê làm lẽ không thành đành phải nuốt nước mắt, dứt áo ra đi. Một cô dâu thành thị sắc sảo lần đầu tiên về quê chồng làm quen với nếp sinh hoạt đất lề quê thói. Một cô gái nông thôn vì hoàn cảnh gia đình éo le phải bỏ học ra thành phố làm nghề giúp việc, đã cảm hóa, thổi vào tâm hồn con trai bà chủ nhà một luồng suy nghĩ mới mẻ, trong sáng, lành mạnh, tuy nhiên chính sự xinh xắn, thông minh, khéo léo của cô lại là nguyên nhân của mọi rắc rối…

Rồi một thanh niên mới nhập ngũ, vì một phút nông nổi, không làm chủ được bản thân đã đẩy cuộc đời mình theo một lối rẽ khác để sau này luôn phải sống với những dằn vặt của quá khứ. Một người lính đau đáu lời dặn của người bạn đã hy sinh, rong ruổi dọc chiều dài đất nước đi tìm cậu con trai chưa một lần được gọi bố. Trên những cung đường ấy, anh bắt gặp bóng dáng đồng đội mình qua hình ảnh một cậu bé bán nước chè xanh ở sân ga để tự nuôi sống bản thân, một đứa bé nghèo, mồ côi cha mẹ nhưng đầy nhân cách…

Xuyên suốt tập truyện là một sự cảm thông sâu sắc, một cái nhìn mang đầy tính nhân văn khi viết về các nhân vật của mình. Có những lúc tác giả để người đọc tự tìm ra lời giải cho câu chuyện, nhưng cũng có những lúc, ông đẩy tình huống lên đến cao trào và mở nút thật nhẹ nhàng bằng chính chiếc chìa khóa nhân từ của mình.

Phảng phất trong “Hoa mẫu đơn” một chút huyền bí qua bóng dáng cô gái họ Dương-nhà thơ áo đen bên bờ sông Hoàng Phố. Một khóm trúc xanh xóm ngoại ô đẫm nước mưa. Một ấm trà thơm không người pha… Xuân Sách dường như muốn “khuấy động khoảng tâm linh sâu thẳm của con người, gạt bỏ những nhàm chán xô bồ trong cuộc sống thông tục để trở về với những rung động mong manh hư ảo, giúp con người sống có trách nhiệm hơn”.

Nhà văn Xuân Sách là một người lính đã từng có mặt trên khắp các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông viết nhiều về chiến tranh, bắt đầu từ những hơi thở nguyên sơ trong “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, “Mặt trời quê hương”, “Phía núi bên kia”, đến cái dữ dội khốc liệt trong “Rừng bên sông”, “Đêm ra trận”, rồi rung động bên “Con suối mặt gương”, “Nơi đi và đến”, “Người ơi người ở lại”, “Cô giáo làng”…

Trong “Hoa mẫu đơn”, ta bắt gặp một Xuân Sách trầm tư, hoài niệm, chiêm nghiệm mọi nỗi buồn vui của cuộc đời, một Xuân Sách trong bóng dáng ông Chấp trông chùa, thỉnh một tiếng chuông vào lòng người./.

(Việt Hải/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất