Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ và toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, làm chuyển biến nước ta từ một nước nông nghiệp kém phát triển trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Việc chuyển từ nền kinh tế hành chính tập trung quan liêu bao cấp sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là hết sức đúng đắn và cấp thiết. Chính nền kinh tế thị trường đã mang đến những biến đổi tích cực về văn hóa - xã hội, khai thác và phát huy được các tiềm năng về nhân lực, vật lực, tài lực trong xã hội, là nền tảng bảo đảm thực hiện quyền làm chủ về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của nhân dân, trên cơ sở đó mở rộng và phát huy dân chủ trong tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Song thực tế cũng cho thấy bản thân nền kinh tế thị trường không phải là liều thuốc vạn năng. Cùng với sự kích thích sản xuất phát triển, kinh tế thị trường cũng là môi trường thuận lợi để nảy sinh và phát triển nhiều tệ nạn xã hội, làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo, “thương mại hóa” các lĩnh vực hoạt động văn hóa - xã hội, làm suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, phai nhạt các giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng...
Thực tiễn phát triển văn hóa nước ta trong thời kỳ đổi mới đang đòi hỏi cấp thiết phải có sự nghiên cứu, tổng kết về những biến đổi của các giá trị văn hóa ở nước ta trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng cũng như “xây dựng và hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nền kinh tế thị trường với phát triển văn hóa, xã hội và con người.
Cuốn sách Sự biến đổi các giá trị văn hóa trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay của Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa do PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc làm chủ biên đã xây dựng được hệ thống lý luận cơ bản về văn hóa, giá trị văn hóa, biến đổi giá trị văn hóa. Đồng thời đã chỉ ra được thực trạng biến đổi các giá trị văn hóa, phát triển văn hóa trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay; góp phần bổ sung và hoàn thiện hệ thống đường lối, chính sách về phát triển văn hóa và con người, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, hình thành các giá trị văn hóa mới trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế./
(Theo:Tạp chí Cộng sản)