Đồng hành cùng người bệnh trong những ngày tháng năm chống chọi với căn bệnh trầm cảm, lo âu
Tác giả của “Khi mây đen kéo tới”, PGS. TS Nguyễn Phương Hoa, một người chị, một chuyên viên trị liệu tâm lý, đồng thời là cố vấn của diễn đàn Beautiful Mind VN. Chị là một người bạn, một người đồng hành cùng rất nhiều người bệnh trong cuộc chiến với căn bệnh trầm cảm, lo âu. Với mong muốn được chia sẻ và lan tỏa một số kinh nghiệm đấu tranh với trầm cảm - căn bệnh thế kỷ - với các bạn trẻ và bố mẹ của các bạn, và với những ai vẫn đang có một khái niệm mơ hồ về căn bệnh này, chị dùng kiến thức khoa học, để viết lại những câu chuyện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, đưa ra những ví dụ cụ thể thông qua cách ứng xử trong từng tình huống có vấn đề, nhưng với ngôn ngữ đời thường, để mọi người quan tâm đều có thể tham khảo.
Buổi ra mắt sách Khi mây đen kéo tới – Hành trình cùng con vượt qua cơn trầm cảm của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa do Anbooks tổ chức ngày 8/7 tại Hà Nội, đã có hơn 200 câu hỏi của các độc giả gửi đến tác giả.
Làm sao để có thể được nhận thức đúng về trầm cảm? Tại sao ta hay bị trầm cảm? Phải làm thế nào khi ta bị trầm cảm? Làm sao để giúp người thân yêu vượt qua cơn trầm cảm? Ai là người có thể trở nên bị trầm cảm? Và rốt cuộc, ta có đang trầm cảm không?...
Chia sẻ với độc giả, tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, khi gõ từ khóa “trầm cảm” trên thanh tìm kiếm Google Việt Nam, trong 0,4s tìm kiếm có 26.600.000 kết quả có liên quan. Tương tự với từ khóa “depression”, kết quả sẽ là 318.000.000. Những con số này cho thấy trầm cảm đang là một trong những vấn đề rất được quan tâm trên thế giới và đang dần được quan tâm tại Việt Nam.
Không mấy xa lạ là vậy, thế nhưng khi nói tới trầm cảm, chúng ta vẫn thường nhắc về nó như một khái niệm còn khá mơ hồ. Chúng ta nói về trầm cảm như một căn bệnh đơn thuần, và mô tả về nó như thể ta đang gặp căng thẳng, gặp chuyện buồn. Tệ hơn là một số người còn có suy nghĩ rằng đó là bệnh tưởng, bệnh giả vờ. Những điều ấy đang ngày càng khiến cho chúng ta hiểu sai về trầm cảm, và càng làm cho những hệ quả của căn bệnh này, ngoài bị xem nhẹ thì cũng hầu như không được biết tới.
Trong khi đó, trên thế giới, căn bệnh đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học liên quan, với kết quả là rất nhiều báo cáo khoa học khẳng định và cảnh báo về tính nghiêm trọng của căn bệnh này. Cụ thể, trước ngày Y tế Thế giới (07/04/2017), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố: Hơn 350 triệu người trên toàn thế giới mang bệnh trầm cảm, ước tính khoảng một triệu người tự tử mỗi năm, với “một tỷ lệ lớn trong các ca này đã trải qua những thời kỳ bị trầm cảm”. WHO cũng dự báo rằng, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai sau bệnh tim mạch về mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống của loài người. Cũng trong ngày 07/04/2017, báo VOV đưa tin: Tại châu Âu, theo Giáo sư Tiến sĩ Heuser, Viện trưởng Viện tâm thần và trị liệu tâm lý trường Đại học Y Charite, Berlin, có gần 165 triệu người trong tổng số 550 triệu người châu Âu đã và đang mắc các chứng rối loạn tâm thần.
Và ở Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện đang không chỉ gia tăng về số lượng mà còn về mức độ và độ nguy hiểm, với xu hướng trẻ hóa, ngày càng nhiều các bạn trẻ mắc bệnh và biểu hiện bệnh ngày càng cực đoan.
BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết Việt Nam có khoảng 30% dân số từng có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, đất nước chúng ta có khoảng 35.000 đến 40.000 người tự sát do trầm cảm, gấp 2 đến gấp 3 số lượng người thương vong do tai nạn giao thông. Trung bình mỗi ngày tại Viện Sức khỏe Tâm thần có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm. Nghiên cứu mới nhất tại Viện năm 2016 cho thấy những bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm có 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. |
|
Rất nhiều người tại Việt Nam và trên thế giới đã nhận thức được rằng trầm cảm là căn bệnh đáng sợ, nhưng việc hiểu biết sâu sắc về căn bệnh này vẫn còn nhiều cản trở. Bất chấp những hồi chuông cảnh báo từ các nhà khoa học và các nhà xã hội học, số người tự sát do trầm cảm hàng năm vẫn tăng lên và hàng triệu người trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, vẫn phải đối mặt với căn bệnh này. Việc nhận biết ai đó đang bị trầm cảm, hay chính chúng ta đang bị trầm cảm, quả thật không dễ dàng. Và kể cả sau khi nhận biết rồi, chúng ta cũng gặp nhiều lúng túng, trở ngại khi muốn giúp một ai đó, hay thậm chí là giúp chính mình vượt qua cơn “mây đen” của cảm xúc. Nỗi cô độc, yếu ớt, bất lực của loại cảm xúc này cứ thế tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy không giới hạn cho bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là đối với giới trẻ.
|
|
Hơn nữa, với tình hình hiện nay, khi mà các tài liệu, thông tin về trầm cảm thiếu hụt, tài liệu không có tính kiểm chứng tràn lan trên mạng xã hội kèm theo hiểu biết về chăm sóc sức khỏe ở cộng đồng, và kiến thức hỗ trợ người bệnh và người thân trong chăm sóc, điều trị bệnh chưa được phổ biến rộng rãi. Nguyên nhân gây bệnh ngày càng nhiều, và cách chữa trị duy nhất chúng ta biết đến, ngoài thuốc ra chỉ có chuyên viên tâm lý, bác sĩ. Chúng ta chẳng hề hay biết hay đã quên mất rằng còn có một phương pháp trị liệu và can thiệp về tâm lý và xã hội khác từ người thân, bạn bè hay chính là sự đồng hành cùng người bệnh trong những ngày tháng năm chống chọi với căn bệnh trầm cảm, lo âu.
Sự khác biệt lớn nhất của “Khi mây đen kéo tới” với những cuốn sách – tài liệu khác từng có trên thị trường sách, chính là cuốn sách nhỏ này được viết bằng những chia sẻ, ghi chú tỉ mỉ dưới góc nhìn của một nhà khoa học có trải nghiệm cá nhân trong việc đồng hành cùng người thân vượt qua quãng thời gian dài trầm cảm. Khác với những kết luận, dẫn chứng của một nhà nghiên cứu đơn thuần, cuốn sách chứa đựng những câu chuyện nhỏ hàng ngày, giúp bạn đọc hình dung ra những biểu hiện cụ thể, những diễn biến cảm xúc – hành vi cụ thể hàng ngày, những mẩu đối thoại hàng ngày mà một người mẹ có thể giúp con trai mình vượt qua những cơn trầm cảm, những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình hàng ngày; những nỗi buồn, những khoảnh khắc mà người thân của người có bệnh trầm cảm phải đối mặt để động viên, giữ vững tinh thần cho chính mình.
30 câu chuyện, chia thành 3 nhóm hành vi, mỗi câu chuyện kèm theo một ghi chú ngắn để bạn đọc có thể ghi nhớ dễ dàng. Đây cũng chính là những câu chuyện và ghi chú đã được đăng ở Serena Land - Nhóm kín của diễn đàn Beautiful Mind VN, một diễn đàn về trầm cảm có hơn 18.000 thành viên, được đón nhận và cảm ơn sâu sắc bởi các thành viên của diễn đàn này. Cuốn sách, vì thế, được chính các thành viên của diễn đàn mong muốn xuất bản.
“Khi cơn trầm cảm bất ngờ kéo đến, bạn cần dũng cảm đối đầu với nó. Không quá lo lắng Hãy tôn trọng mong muốn ở một mình của người thân. Một mình, không có nghĩa là bị bỏ mặc. Hãy ở bên cạnh con mình và từ từ, đưa con trở lại với sinh hoạt bình thường” (Trích “Khi mây đen kéo tới”).
Hãy thông cảm và chia sẻ với người bị trầm cảm, gia đình và người thân của người bị trầm cảm
Đó cũng là thông điệp mà tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa muốn gửi gắm tới các độc giả thương yêu qua cuốn sách “Khi mây đen kéo tới”. Đây là một cuốn cẩm nang dành cho bố mẹ đang cùng con chiến đấu chống lại căn bệnh trầm cảm mà đôi khi tưởng chừng như bất lực. Cuốn sách cũng là những câu chuyện nhỏ khiến những người bệnh đang một mình đơn độc, bất giác nhận ra là mình đã bỏ lỡ liều thuốc hiệu quả nhất trong hành trình dai dẳng mà bệnh tật đeo bám này: liều thuốc tinh thần, liều thuốc của sự sẻ chia và thấu hiểu; liều thuốc của những hiểu biết đúng, những nhận thức đủ quan trọng về căn bệnh, một cách giản đơn mà không tài liệu khoa học nào có thể thay thế được.
Tác giả mong rằng, sau khi đọc xong cuốn sách “Khi mây đen kéo tới”, độc giả sẽ thôi tự hỏi mình và những người xung quanh, sẽ thôi tìm kiếm những tài liệu không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội về trầm cảm. Bởi cuốn sách này đã giải đáp phần lớn những thắc mắc, sự hoang mang, sẽ khẳng định lại những gì đã bị chúng ta phủ nhận một thời gian dài rằng trầm cảm không phải một căn bệnh đơn thuần, nó đáng sợ hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng được rất nhiều. Và những người không may mang trên mình căn bệnh này, họ thực sự rất cần chúng ta. Họ thực sự rất sợ phải đương đầu với trầm cảm một mình. Như tác giả đã chia sẻ trong cuốn sách, rằng: “Khi con em chúng ta nói rằng chúng có vấn đề, nghĩa là chúng thực sự đau khổ, thực sự cần chúng ta giúp đỡ. Thậm chí, nếu chúng không nói ra được, mà đóng kín cửa, khóa trái mình trong phòng, khóc lóc không ngừng, lên án cha mẹ, hay ngược lại tự lên án bản thân chúng, hay đòi tự tử… thì chẳng phải chúng “làm màu” gì đâu, mà chúng đang kêu cứu!”.
Trong suốt quá trình làm cuốn sách này, tác giả PGS. TS Nguyễn Phương Hoa cùng những anh chị, bạn bè cùng đồng hành không có tham vọng gì lớn lao, chỉ mong nó giống như “một chuyên viên tâm lý” nhỏ luôn đứng bên cạnh những người không may mắc bệnh cùng gia đình, người thân, bạn bè với sự động viên, tư vấn và nỗ lực đầy chân thành trong hành trình đấu tranh với trầm cảm, lo âu.
|
Tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa ký tặng sách cho độc giả |
Theo tác giả sách Đặng Hoàng Giang, cho rằng, “Khi mây đen kéo đến” là một trong những viên gạch đầu tiên và quan trọng để xã hội và cộng đồng hiểu, tạo thói quen đối với bệnh trầm cảm. TS tâm lý học Lê Nguyên Phương bày tỏ mong muốn, trong tương lai, sẽ có nhiều nhà khoa học như tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ những trải nghiệm, những thông tin khoa học ra đại chúng để mọi người có thể hiểu và nhận biết vấn đề một cách khoa học.
Chắc có lẽ, rất nhiều phụ huynh, các bậc cha mẹ khi đọc cuốn sách này, đều có cảm nhận như chị Bùi Thục Anh (Sóc Sơn - Hà Nội), đây một cuốn sách rất hay và cảm động của một người mẹ có cậu con trai bị bệnh trầm cảm. “Thực sự cuốn sách đã chạm vào sâu trong tim tôi và tôi tin nếu các bạn có cơ hội đọc được nó, thì nội dung cuốn sách đó cũng sẽ chạm tới trái tim mọi người”.
Đọc xong “Khi mây đen kéo tới” thấm đẫm tính nhân văn, chị Thục Anh đã cảm nhận được 3 điều may mắn. Thứ nhất, nhân vật cậu con trai trong cuốn sách sẽ nhất định khỏi bệnh, vì bên cậu luôn có người mẹ với tình yêu thương vô bờ bến, lòng dũng cảm, kiến thức và hiểu biết; luôn đồng hành cùng cậu, dìu cậu, dắt cậu vượt qua khó khăn. Thứ hai, bản thân chị sẽ luôn trân quý những gì mình đang có. Thứ ba, cuốn sách chắc chắn là cẩm nang quý báu, giúp cho người bị trầm cảm và gia đình mà có người thân mắc bệnh trầm cảm.
Xin mượn câu ngạn ngữ của dân tộc Nga “Ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm qua” để lan tỏa và nhân lên những bình an và tích cực của “Khi mây đen kéo đến”.
“Hãy vì con, bỏ qua những hiềm khích nếu có. Hãy nhờ họ hàng, gia đình giúp thêm một tay. Trong cuộc đấu tranh với bệnh tật này, nếu bạn cô đơn, bạn sẽ ít có cơ hội thắng trận” (Trích “Khi mây đen kéo tới”).
Thu Hằng