Mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông - người học, nhà trường - người đào tạo, nhà sử dụng lao động - doanh nghiệp) được xem là hướng đi hiệu quả để Nam Định thực hiện được mục tiêu dạy nghề gắn với việc làm theo "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".
Được đánh giá là một trong những đơn vị triển khai thành công đề án dạy nghề của tỉnh Nam Định, ngay khi bắt đầu thực hiện, huyện Hải Hậu đã khảo sát nhu cầu học nghề của bà con. Kết quả cho thấy người lao động ở các xã ven biển muốn học nghề dệt lưới; dân ở các xã vùng nội đồng muốn học dệt cói xuất khẩu, móc sợi, trồng nấm, nghề mộc... Riêng nghề may, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có lao động có nhu cầu học. Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện, bà Đỗ Thị Chiên cho rằng: do đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng về đối tượng, độ tuổi, khả năng tiếp thu, điều kiện học tập khác nhau nên việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung sẽ không phát huy hiệu quả. Hơn nữa muốn kéo nông dân đi học, không chỉ tuyên truyền kêu gọi mà điều quan trọng là phải có mô hình điểm hiệu quả cho người dân nhìn, có thế họ mới hăng hái tham gia học nghề. Nếu dạy nghề mà không tạo thu nhập cho nông dân thì không đầy 1 tuần bà con sẽ nghỉ hết.
Để khắc phục những "cái khó" trên, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó hàn điện, máy công nghiệp, đan, thêu, móc là các nghề thị trường lao động có nhu cầu cao; tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, vừa học vừa làm, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở địa phương là những người có tay nghề, nghiệp vụ sư phạm làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Nhờ đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên sau khi được học nghề còn mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động khác.
Tại xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, việc liên kết “3 nhà” trong công tác đào tạo nghề cho nông dân cũng mang lại kết quả khả quan. Là xã thuần nông với trên 13.000 dân, trong đó có 6.000 người trong độ tuổi lao động nên việc chuyển đổi cơ cấu lao động để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân là điều bức thiết, nhất là khi Hải Đường lại được chọn là 1 trong ít xã điểm trên cả nước thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền xã tích cực du nhập thêm nghề mới như đan bẹ chuối, cói, dệt đay...; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nam Định, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu tiến hành dạy nghề cho gần 100 lao động. Một số gia đình trong xã đã đầu tư máy móc, mở xưởng may gia công, thêu ren thu hút gần 150 lao động, tạo thu nhập bình quân từ 1,2 – 2 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuấn hào hứng: Xã đang tiếp tục nhân cấy một số nghề mới như mộc, thủ công mỹ nghệ để nâng số lao động tham gia làm nghề phụ lên 600 – 700 người. Mới đây nhất, xã phối hợp với ngành chức năng, Công ty cổ phần May Haprosimex Giao Thủy mở lớp dạy may cho 300 học viên. Sau khi hoàn thành khóa học, hơn 100 học viên đã tìm được việc làm.
Đóng trên địa bàn xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, doanh nghiệp Cao Cường từ lâu đã làm tốt công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đến nay, doanh nghiệp đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định và chính quyền địa phương mở 12 lớp dạy nghề mây tre đan, bẹ chuối, may công nghiệp cho 360 lao động của huyện Trực Ninh; phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở 5 lớp dạy nghề tương tự cho 150 lao động của các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy.
Với phương châm đào tạo nghề theo hướng "cầm tay chỉ việc", "học đi đôi với hành", doanh nghiệp đã tạo cho học viên tay nghề vững, tiếp cận dễ dàng với công việc. Ông Trần Trọng Hóa, giám đốc doanh nghiệp cho biết: những năm qua, sản phẩm doanh nghiệp làm ra đều được khách hàng ưa chuộng. Năm 2010, trong khi khá nhiều doanh nghiệp khác "lao đao" thiếu các đơn hàng thì Cao Cường vẫn đảm bảo sản xuất và có thêm nhiều hợp đồng dài hạn nhờ vào hệ thống chân rết là những lao động đã từng được đào tạo tại doanh nghiệp. Cùng với việc dạy nghề, những năm qua doanh nghiệp đã huy động thêm vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và nhiều "kênh" khác đầu tư mở rộng nhà xưởng, tổ chức sản xuất thêm các sản phẩm may mặc bên cạnh sản phẩm mây tre đan truyền thống. Việc làm này đã góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông nhàn tại 18 xã trong huyện. Hoạt động thu mua bẹ chuối, bèo tây của doanh nghiệp cũng gián tiếp tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn khác trên địa bàn. Trong năm 2010, doanh nghiệp đạt doanh thu gần 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5 đến 1,9 triệu đồng/người/ tháng. Năm 2011, doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động, phấn đấu đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động, đồng thời giúp họ nâng cao đời sống, thu nhập.
Triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đào tạo cho 364.000 lao động vào năm 2020, trong đó 80% lao động có việc làm sau khi học nghề. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, biên soạn tài liệu, khảo sát nhu cầu việc làm, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, tập trung giáo viên làm công tác tuyển sinh... Sau hơn một năm triển khai, tại Nam Định có gần 4.000 lao động nông thôn được học nghề thêu ren, nuôi cá nước ngọt; chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăm sóc cây cảnh... Tỉ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 85% với thu nhập ổn định từ 1,8 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Vinh, giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh ghi nhận: tuy thành công đạt được chưa nhiều, song những con số trên đã cho thấy Nam Định đang đi đúng hướng trong công tác dạy nghề. Đây cũng là cơ sở để địa phương tiếp tục thực hiện thành công những nội dung của Đề án./.
Theo TTXVN