Thứ Hai, 23/9/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 30/9/2011 15:47'(GMT+7)

Minh bạch tài sản thu nhập: từ hiệu lực đến hiệu quả

Minh bạch hoá tài sản thu nhập sẽ góp phần hữu hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng (Ảnh minh hoạ)

Minh bạch hoá tài sản thu nhập sẽ góp phần hữu hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng (Ảnh minh hoạ)

Kể từ 30/9/2011, Nghị định 68/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập chính thức có hiệu lực. Nghị định này được trông đợi sẽ tạo ra bước tiến mới về minh bạch tài sản, thu nhập nói riêng và phòng chống tham nhũng nói chung. Tuy nhiên, từ hiệu lực cho đến hiệu quả cũng còn nhiều việc phải làm.

Lâu nay, việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức không phải là chuyện mới. Cán bộ từ cấp Phó phòng trở lên có trách nhiệm kê khai nhà đất, tài khoản ở nước ngoài, đá quý, ô tô, sổ tiết kiệm, trái phiếu (trị giá từ 50 triệu đồng trở lên).

Việc này được tiến hành thường xuyên, liên tục theo Luật Phòng chống tham nhũng cũng như Nghị định 37/CP về minh bạch tài sản, thu nhập ban hành năm 2007. Tuy nhiên, bản kê khai đó chỉ có tính tham khảo và được lưu vào hồ sơ của cán bộ theo kiểu “tài liệu mật”. Cũng chưa có cán bộ, công chức nào bị xử lý vì kê khai thiếu trung thực… Tất cả những hạn chế đó, sẽ được điều chỉnh trong Nghị định 68/CP của Chính phủ, chính thức có hiệu lực ngày 30/9/2011.

Trước hết, bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ, công chức thường xuyên làm việc. Theo Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, công khai trong cơ quan nghĩa là không còn bí mật nữa, bởi "một người thì kín, chín người thì hở".

Ông Trần Đức Lượng cho rằng: “Nghị định 68 đã tiến thêm một bước so với Nghị định 37 là công khai bản kê khai tài sản. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải khẳng định công khai phải có nguyên tắc, bởi trong Luật Phòng chống tham nhũng quy định: Bản kê khai tài sản lưu trong bản kê khai hồ sơ cán bộ. Lần này, Chính phủ thể chế hóa Luật Phòng chống tham nhũng bằng quy định: Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải công khai bản kê khai tài sản của mình ở đơn vị cơ quan mà mình công tác”.

Nghị định 68 cũng đưa ra chế tài nghiêm khắc hơn đối với cán bộ, công chức không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập. Họ có thể bị giáng chức, cách chức chứ không dừng lại ở các mức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch như trước.

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Tuy nhiên, luật gia Vũ Xuân Tiền, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Hà Nội cho rằng: Quá trình xác minh tính trung thực cũng không phải đơn giản. Không ít cán bộ, công chức thường để vợ, con hoặc bố mẹ đứng tên tài sản nếu họ có nhiều. Thậm chí, có cán bộ ở Hà Nội nhưng lại có mảnh đất ở tận Bình Dương, Đà Nẵng...

Luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng: “Nghị định 68 hiện nay đã bước tiến bộ hơn, đó là đã có mẫu yêu cầu kê khai cả tài sản của vợ, của con. Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, điều này cũng không triệt để bởi chúng ta không có quy định rõ ràng về mặt văn bản pháp luật việc yêu cầu cá nhân công khai đăng ký các tài sản cá nhân của mình”.

Có thể nói, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Từ kê khai đến công khai, Nghị định 68/CP là một bước tiến mới trong việc minh bạch tài sản, thu nhập. Có minh bạch hóa được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì mới có cơ chế kiểm soát, phân định được những tài sản, thu nhập ấy có hợp pháp hay không, có thứ nào do tham nhũng hay không...

Kinh nghiệm của cộng đồng quốc tế cho thấy, chỉ có công khai, minh bạch thì người dân mới có cơ hội giám sát những cán bộ do mình trực tiếp hay gián tiếp bầu ra. Chẳng hạn, chỉ cần một cú nhấp chuột trên mạng Internet, những ai quan tâm đều có thể biết ngay tiền lương và các khoản thu nhập của Tổng thống Mỹ.

Bà Fiona Louise Lappin

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, bà Fiona Louise Lappin, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam cho biết: Minh bạch tài sản và trách nhiệm giải trình là một trong những vấn đề mà các nhà tài trợ nói chung và Bộ Phát triển Quốc tế Anh nói riêng quan tâm.

Để Nghị định 68/CP thực thi một cách hiệu quả, bà Fiona Louise Lappin nhấn mạnh 3 nội dung. Thứ nhất là sự cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo nghiêm túc và gương mẫu trong việc thực hiện Nghị định. Thứ hai, có sự đánh giá độc lập và hiệu quả. Cần phải giám sát thường xuyên việc thực hiện qua các bộ ngành và các địa phương, trong đó, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương, Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần phải theo dõi và giám sát việc thực hiện nghị định 68/CP một cách hệ thống. Thứ ba, Nghị định này chỉ rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trong việc giám sát việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập. Để đạt được điều đó, MTTQ Việt Nam phải có quyền và khả năng theo dõi việc thực hiện này.

Người Việt Nam có tâm lý, tài sản thuộc về thông tin cá nhân. Thế nhưng, với cán bộ, công chức thì lại khác. Họ là những cán bộ do dân cử, đại diện cho quyền lực của nhân dân thì việc công khai tài sản để tăng cường tính minh bạch và có cơ chế giám sát cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, thực hiện hiệu quả Nghị định 68/CP sẽ thể hiện quyết tâm đẩy lùi tham nhũng của Chính phủ, tăng lòng tin của nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế./.

(Theo: Hương Giang/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất