(TG) - Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã là lực lượng chủ chốt tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự theo kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của xã, đặc biệt là công tác ứng phó ngay từ giờ đầu khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Cùng với lực lượng này còn có tổ xung kích phòng, chống thiên tai được lập ở các khu dân cư. Để chủ động ứng phó vào mùa mưa bão, lũ lụt năm nay, tại các địa phương thường bị ngập sâu kéo dài ở các xã khu đông của huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát đã chủ động thành lập, củng cố các đội xung kích phòng chống thiên tai xã, tổ xung kích phòng, chống thiên tai thôn.
Vì vậy, từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở là việc làm cần được quan tâm, nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại sau thiên tai. Vấn đề này càng cấp thiết ở các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, ngập sâu kéo dài như các xã khu Ðông huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định).
Tại xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) có 3 thôn nằm ở vùng sâu, vùng trũng, nhà dân xây dựng ven đê thường bị ngập sâu trong nước khi có lũ kết hợp thủy triều dâng cao. Theo phương án phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của xã năm 2022, có 45 hộ với 135 nhân khẩu cần sơ tán.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn xã Phước Thắng, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở xã, thôn. Lực lượng này còn tham gia bảo đảm an toàn đê điều, cầu, cống, đập thủy lợi, bảo đảm an toàn giao thông mùa mưa lũ. “Đối với tổ xung kích phòng, chống thiên tai thôn, chúng tôi yêu cầu phải có đại diện của các xóm trong thôn, am hiểu thực tế, có mặt kịp thời và hoạt động hiệu quả”, ông Hùng nhấn mạnh.
Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, xã Cát Thắng (huyện Phù Cát) đã lập phương án cụ thể về sơ tán dân ở vùng có nguy cơ ngập sâu trong nước, vùng bị cô lập, chia cắt không đi lại được, dự kiến 302 hộ (với 1.035 nhân khẩu) ở 5 thôn có khả năng phải sơ tán. Đồng thời, có phương án bảo vệ các công trình đập dâng, đê sông; bảo đảm giao thông thông suốt tại các đoạn đường bị ngập sâu, chia cắt khi hầu hết các tuyến giao thông trên địa bàn xã đều ngập nước. Để góp phần thực hiện hiệu quả công tác này, UBND xã Cát Thắng đã thành lập, củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai xã, thôn.
Một trong những điều các xã khu Ðông huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát mong muốn là được cấp trên quan tâm hỗ trợ tập huấn cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai. Được biết, cuối tháng 8.2022, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Bộ tài liệu tập huấn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đã nhận được tài liệu, nhưng việc tổ chức các buổi tập huấn gắn với tài liệu này chưa có.
Ông Lê Công Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn xã Cát Thắng kiến nghị, để ứng dụng tài liệu trong thực tiễn, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, thôn cần được tập huấn bởi các chuyên gia, những người giàu kinh nghiệm. Việc được tập huấn các kỹ năng ứng phó thiên tai; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; sơ, cấp cứu cơ bản; hay cách thức tuyên truyền, vận động hiệu quả để người dân chấp hành các quy định về phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết.
Trong số nhiều trang thiết bị cần có của đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, xuồng, ca nô cứu hộ là phương tiện rất quan trọng đối với việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn ở vùng ngập lụt. Thực tế cho thấy, việc đầu tư trang bị các xuồng, ca nô ở các địa phương vùng khu Đông huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát còn chưa được quan tâm đồng đều, đúng mức. Có nơi còn thiếu thuyền, hoặc có ca nô được tài trợ từ dự án phòng chống thiên tai cách đây đã lâu, không còn sử dụng hiệu quả; hoặc “không dám cho chạy” bởi không có người ở địa phương đáp ứng yêu cầu để lái, chưa được tập huấn.
Hệ thống giao thông đường bộ phát triển, rất ít người dân ở các địa phương vùng khu Đông Tuy Phước, Phù Cát còn dùng thuyền nan nhỏ để di chuyển hằng ngày. Việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn ở vùng ngập lụt càng trông chờ trước hết vào các phương tiện của xã, thôn để chủ động ứng phó kịp thời, giảm dần việc phải kêu gọi chi viện từ cấp huyện, tỉnh. Do đó, đầu tư xuồng, ca nô cứu hộ cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở là yêu cầu cấp thiết.
Thanh Thảo