Thứ Bảy, 27/7/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Tư, 7/12/2022 17:0'(GMT+7)

Tỉnh Ninh Bình quan tâm nâng cấp, cải tạo đê điều, thủy lợi trước những nguy cơ về thiên tai

Xây dựng, củng cố đê điều là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: Thảo Anh

Xây dựng, củng cố đê điều là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: Thảo Anh

NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU

Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ đê điều nếu chỉ có sự vào cuộc của các ngành chức năng là chưa đủ mà rất cần tới ý thức chấp hành Luật Đê điều từ chính những người dân. Do vậy, thời gian qua, để quản lý và bảo vệ an toàn đê điều, UBND tỉnh Ninh Bình đã có các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng của mình phối hợp để kiểm tra các vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các xe chở quá khổ, quá tải trọng lưu thông qua các tuyến đê trên địa bàn tỉnh.

Sở Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo Thanh tra giao thông tập trung toàn bộ lực lượng tuần tra, kiểm tra toàn bộ các tuyến đê trên địa bàn tỉnh, trọng điểm là các tuyến đê: Tả Hoàng Long, hữu Hoàng Long, hồ Yên Thắng, Hữu Đáy..., phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng phương tiện lưu thông trên các tuyến đê. Riêng tuyến đê Hữu Đáy, đoạn qua Khu công nghiệp Khánh Phú, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động bố trí chốt kiểm tra tải trọng xe, hoạt động 24 giờ trong ngày vào những đợt kiểm tra cao điểm.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cần có những biện pháp cứng rắn hơn để xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm còn tồn đọng, không để vi phạm mới phát sinh hoặc tái vi phạm trên địa bàn, chủ động làm việc với các hộ gia đình, doanh nghiệp vi phạm tự giác giải tỏa. Đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, cần tổ chức cưỡng chế giải tỏa vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với các vi phạm vượt thẩm quyền của UBND các huyện đề nghị báo cáo UBND tỉnh để yêu cầu các tổ chức, cá nhân có vi phạm tạm dừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, ban quản lý các khu, cụm công nghiệp kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp về các vi phạm liên quan đến sử dụng đất, thực hiện quyết định cấp phép xây dựng, chứng nhận đầu tư, tác động môi trường... theo thẩm quyền.

ĐẦU TƯ 2.000 TỶ ĐỒNG NÂNG CẤP, CẢI TẠO ĐÊ ĐIỀU

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư kinh phí trên 2.456 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư kinh phí trên 2.456 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều

Được biết, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đầu tư kinh phí trên 2.456 tỷ đồng, lồng ghép từ các nguồn vốn để hỗ trợ củng cố, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, thủy lợi, hạ tầng giao thông đa mục tiêu gắn với đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai với phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng gắn với phát triển du lịch. Cụ thể, hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển huyện Kim Sơn, nuôi trồng thủy sản vùng trũng Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô; quan tâm đầu tư công trình tưới cho cây trồng cạn các vùng Nho Quan, Tam Điệp. Đầu tư công trình thủy lợi âu Kim Đài giữ nước ngọt, ngăn mặn phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân ở 6 huyện, thành phố khu vực phía Nam tỉnh Ninh Bình đang được xây dựng.

Ngoài ra, các công trình phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, nhất là các tuyến đê biển Bình Minh III, Bình Minh IV, tuyến đê sông Hoàng Long, đê hữu sông Đáy, đê sông nội đồng (sông Vạc, sông Bến Đang, sông Mới), hệ thống kè, cống trọng yếu và cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ Nho Quan, Gia Viễn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa kịp thời đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thời gian tới, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vũ Nam Tiến, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ hệ thống đê điều. Tăng cường phối hợp với các lực lượng công an, giao thông vận tải, các địa phương trong công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, vì cuộc sống an toàn của chính mình và cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ công trình phòng chống thiên tai. Nếu phát hiện vi phạm công trình đê, kè, thủy lợi..., người dân cần báo ngay cho cấp có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.

Thăng Long

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất