Thứ Sáu, 22/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 3/8/2022 11:3'(GMT+7)

Bình Dương: Tổ chức thành công Hội thi Cán bộ Tuyên giáo giỏi

Trao cờ lưu niệm cho các đơn vị có thí sinh dự thi

Trao cờ lưu niệm cho các đơn vị có thí sinh dự thi

 Tham gia Hội thi lần này có 27 thí sinh đến từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các đảng bộ thuộc tỉnh và từ Liên đoàn Lao động tỉnh.

Theo đồng chí Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Dương, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết hội thi góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ ngành tuyên giáo của tỉnh nói riêng về ý nghĩa và những giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc về tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: “Đây cũng là đợt sinh hoạt chuyên môn có ý nghĩa rất quan trọng, theo đó mỗi cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng cần có là bản lĩnh chính trị vững vàng; nói đúng, nói trúng và thuyết phục; viết thạo, hay và sắc sảo".

Tham dự Hội thi, 27 thí sinh trải qua 3 nội dung thi.

Nội dung thứ nhất là viết bài cảm nhận về tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mỗi thí sinh lựa chọn một chủ đề mà mình tâm đắc trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và viết cảm nhận của bản thân về nội dung này. Bài viết cảm nhận yêu cầu thí sinh: Một là, giới thiệu về chủ đề và lý do lựa chọn chủ đề; phải luận giải được vì sao lựa chọn chủ đề này. Hai là, trình bày nhận thức, cảm nhận của bản thân về chủ đề lựa chọn và liên hệ với thực tiễn địa phương/ đơn vị công tác. Ba là, khẳng định tầm quan trọng của vấn đề lựa chọn.

Nội dung thứ hai, thí sinh thuyết trình chủ đề, nội dung mà mình lựa chọn. Thí sinh thuyết trình trên hội trường trước các đại biểu, trước cổ động viên, lãnh đạo các đơn vị có thí sinh dự thi và đặc biệt là trước ban giám khảo hội thi gồm 5 người. Nhiều thí sinh dự thi đã sử dụng các phương tiện, thiết bị công nghệ hỗ trợ cho bài thuyết trình, sử dụng khá nhuần nhuyễn các phương pháp thuyết trình nêu vấn đề; kết hợp giữa nói và trình chiếu; sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, rõ ràng, lôi cuốn người nghe; đảm bảo đúng thời gian phần thi thuyết trình.

Nội dung thứ ba, thí sinh trả lời câu hỏi tình huống. Các câu hỏi tình huống nêu ra rất đa dạng từ các nội dung về vai trò của ngành tuyên giáo trong phòng, chống đại dịch Covid-19, nhất là việc tiêm vaccine; về tuyên truyền biển đảo; về xử lý tình huống cụ thể trong các buổi báo cáo, tuyên truyền; về giải quyết các vấn đề tư tưởng đặt ra trong thực tiễn; về định hướng thông tin truyền thông, theo dõi, quản lý mạng xã hội; về xây dựng đô thị thông minh gắn với tỉnh Bình Dương v.v…Điểm đặc biệt của hội thi này là các tình huống không cho đáp án cố định mà chỉ có gợi ý trả lời. Tình huống và những gợi ý trả lời này chỉ ban giám khảo được biết và không được gửi trước cho các thí sinh. Sau phần thi thuyết trình, các thí sinh bốc thăm tình huống và có thời gian chuẩn bị trả lời khi thí sinh khác thực hiện phần thi thuyết trình. Chủ ý của ban giám khảo không cho đáp án câu hỏi tình huống là để các thí sinh phát huy sáng tạo trong trả lời, đặc biệt cũng là dịp để lắng nghe các giải đáp mang tính thực tiễn, mang hơi thở của cuộc sống…

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho thí sinh đoạt giải.

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho thí sinh đoạt giải.

Đồng chí Nguyễn Huy Ngọc, Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương đã sớm tổ chức hội nghị giới thiệu, sinh hoạt về các nội dung trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí cũng đánh giá tỉnh Bình Dương đã có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng về tác phẩm của Tổng Bí thư, và hội thi này cũng là một trong các hình thức nhằm lan tỏa những giá trị trong tác phẩm của Tổng Bí thư đến đông đảo tầng lớp Nhân dân. Đồng chí Nguyễn Huy Ngọc cũng đánh giá hội thi đã được tổ chức chu đáo, các thí sinh đã chủ động, tích cực tham gia nhiệt tình, các bài cảm nhận có sức thuyết phục, trình bày thuyết trình mang nhiều cảm xúc, bá sát thực tiễn. Đồng chí Nguyễn Huy Ngọc cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cần tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai tuyên truyền sâu rộng các nội dung cuốn sách của Tổng Bí thứ gắn với thực tiễn về xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương. 

Đánh giá tổng kết Hội thi, đồng chí Trương Thị Bích Hạnh nhận định hội thi đã đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Các thí sinh dự thi có chất lượng tương đồng, có sự chuẩn bị chu đáo. Ở phần viết cảm nhận, nhiều thí sinh đã có sự đầu tư, chủ đề đa dạng, phù hợp với yêu cầu của cuộc thi. Nhiều bài viết có minh chứng, sát với thực tiễn tại cơ quan, đơn vị đang công tác. Phần thuyết trình, thí sinh thể hiện sự tự tin, truyền cảm, thu hút người nghe. Đặc biệt, phần trả lời xử lý tình huống, nhiều thí sinh đã có những giải đáp rất sáng tạo, nhiều thực tiễn, để lại nhiều bài học cho cán bộ tuyên giáo. Đồng chí Trương Thị Bích Hạnh cũng đề nghị các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, Ban Tuyên giáo các cấp rút kinh nghiệm từ hội thi này, quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ nói chung và cán bộ tuyên giáo nói riêng để có sự đầu tư, nâng cao trình độ cho đội ngũ tuyên giáo. Đồng chí Trương Thị Bích Hạnh cũng đề nghị các cơ quan báo, đài tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục để đăng tải những bài viết cảm nhận hay của cuộc thi.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải nhất cho thí sinh Trần Thị Ngọc Yến (Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng); giải nhì cho thí sinh Nguyễn Thị Vương Linh (BTG Tỉnh ủy) và thí sinh Bùi Trần Nhật Khánh (Đảng bộ TP.Thuận An); trao giải tập thể cho BTG Tỉnh ủy, Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một và Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng.

Trần Trọng Tuấn

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất