(TG) - Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 18/5/2021 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số, với nhiệm vụ “đi trước để mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau để tổng kết”, ngành Tuyên giáo Bình Phước đã gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là “khâu đột phá” trong nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội với phương châm hành động là 3T “Tiên phong - Trọng tâm - Thuyết phục”.
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Tuyên giáo Bình Phước đã tham mưu và chủ trì tổ chức trên 180 hội nghị bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu tỉnh đến điểm cầu cấp huyện, nối dài đến cơ sở cho trên 100.000 lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Từ đó, cung cấp nhanh các thông tin mới phục vụ công tác tuyên truyền, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, kinh phí nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả chuyên môn. Phối hợp và tổ chức 5 đợt khảo sát dư luận xã hội bằng hình thức trực tuyến trên internet với gần 50.000 lượt người tham gia về công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; công tác tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, công tác tiêm chủng vaccine; vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dấu ấn “Tuyên giáo trong lòng nhân dân” được khắc họa rõ nét qua các hoạt động như: Tổ chức Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi tỉnh Bình Phước năm 2021 bằng hình thức trực tuyến vòng sơ khảo và phát sóng trực tiếp (livestream) vòng chung kết, cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19”, cuộc thi trực tuyến “Bình Phước 25 năm khát vọng vươn lên”, cuộc thi Ảnh đẹp qua Facebook “Bù Đăng - Đất và Người”, “Hớn Quản 12 năm khát vọng vươn lên”, các cuộc thi trực tuyến trên trang fanpage Phú Riềng - xưa và nay (thi trực tuyến gương người tốt việc tốt, trình diễn thời trang bảo vệ môi trường,…). Tất cả được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, livestream trên internet, mạng xã hội facebook... thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham gia. Đây là làn gió mới trong công tác tuyên truyền, tạo sự hấp dẫn và truyền cảm hứng, niềm tin và khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến xây dựng Bình Phước giàu mạnh.
Đã thành lập hơn 500 trang, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội Zalo, Facebook, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động với trên 45.000 lượt bài viết tuyên truyền thông tin tích cực, tạo dòng thông tin chính thống, chủ lưu từ tỉnh đến cơ sở, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận kịp thời. Từ đó, nhận diện thông tin trái chiều, xuyên tạc, xấu độc để đấu tranh phản bác, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng,
Hệ thống các văn bản phát hành trong ngành Tuyên giáo Bình Phước được thực hiện thông suốt trên môi trường điện tử. Có trên 100 nhóm Zalo, Messenger được thành lập để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, trao đổi công tác tuyên giáo nhanh chóng, kịp thời. Các tài khoản OA Zalo, fanpage, trang thông tin điện tử tổng hợp do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành lập, quản lý đã hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả, có tác dụng định hướng, dẫn dắt các nội dung tuyên truyền trong từng thời điểm cụ thể, không để nhiễu loạn thông tin. Sự quyết liệt trong chuyển đổi số của ngành Tuyên giáo Bình Phước đã và đang làm cho mỗi cán bộ, đảng viên của ngành đổi mới trong nhận thức và thực hiện chuyển đổi số, đảm bảo có chất lượng, hiệu quả; hướng tới mục tiêu: Tận dụng lợi thế của công nghệ và chuyển đổi số, để bám sát tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nghị quyết của tỉnh, nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo quy định.
Vũ Tiến Điền
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước