Thứ Bảy, 5/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 5/9/2016 15:27'(GMT+7)

Bình Phước: Chuyển biến tích cực từ nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, ngày 29/4/2005 Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Chỉ thị số 31- CT/TU về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.  Từ đó, công tác nghiên cứu, biên soạn, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền;  nhận thức trong cấp ủy các cấp và người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt trong các cơ quan quản lý và đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng, cũng như đại bộ phận cán bộ, nhân dân trong tỉnh được nâng lên một cách rõ rệt.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với nghiên cứu, biên soạn lịch sử

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, trong gần 15 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có chuyển biến tích cực, từ cấp tỉnh đến các huyện, thị và xã, phường, thị trấn anh hùng đã xuất bản lịch sử truyền thống cách mạng, góp phần làm rõ sự ra đời, phát triển và vai trò lãnh đạo của Đảng; tổng kết những bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng; giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là giúp cho thế hệ trẻ vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vun đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước của mỗi người, góp phần đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, mưu toan xuyên tạc lịch sử, chống lại Đảng ta và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các ấn phẩm lịch sử của các đơn vị trong tỉnh được xuất bản ngày càng nâng cao cả về chất lượng và hình thức, phục vụ thiết thực cho việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước năm 2002, cả tỉnh mới có gần 20 đầu sách về lịch sử truyền thống cách mạng. Đến năm 2016, hơn 90 công trình, 30 ấn phẩm được biên soạn, xuất bản, trong đó nhiều công trình có giá trị khoa học, thực tiễn cao phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập như: công trình Địa chí tỉnh Bình Phước, lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1930-2005… đã có 9/11 huyện, thị; 42/111 xã, phường, thị trấn đã xuất bản các công trình lịch sử Đảng bộ địa phương.

Quá trình triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử chung toàn Đảng và lịch sử Đảng bộ các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học lịch sử, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt, các nhân chứng lịch sử và đông đảo nhân dân. Nhiều đề tài nghiên cứu lịch sử có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Những cuốn sách lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống các ngành, địa phương đã tái hiện một cách đầy đủ, toàn diện, chân thật, sinh động lịch sử chung của toàn Đảng, toàn dân tộc góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vun đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước của mỗi người, cũng như tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của từng Đảng bộ và toàn Đảng bộ tỉnh trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kết quả tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng bộ địa phương


Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau 15 năm, thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của các địa phương, các ngành, đoàn thể trong tỉnh được triển khai sâu rộng. Từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh biên soạn, xuất bản các công trình như: Công trình Địa chí tỉnh Bình Phước; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước (1930-2005); Lịch sử Bình Phước kháng chiến (1945-1975); Bình Phước những tập thể và cá nhân anh hùng; Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Bình Phước (1975 - 2008); Lịch sử Hội nông dân tỉnh Bình Phước (1930 - 2010); Lịch sử Đoàn TNCS HCM tỉnh Bình Phước (1931 - 2010); Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước (1945 - 2010); Lịch sử truyền thống Bưu Điện tỉnh Bình Phước (1930-2000); Biên niên sử biên giới tỉnh Bình Phước (1954-2000); Lịch sử phong trào công nhân cao su Công ty Đồng Phú (1930-2005); Lịch sử liên Trung Đoàn 301-310 (1945-1950); Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Bình Phước (1930-2005); Lịch sử Công tác Đảng - Công tác chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh (1945-2005); Lịch sử Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước (1975-2005); Biên niên Sự kiện Công an tỉnh Bình Phước (1975-1996); Lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Phước (1930-2010); Tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương dùng trong trường chính trị và trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Đối với cấp huyện, kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử ở cấp huyện, thị đạt nhiều kết quả, có 9/11 huyện, thị đã xuất bản lịch sử Đảng bộ huyện, như: Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Phú (1975 - 2005); Lịch sử Đảng bộ huyện Bù Đốp (1930 - 2005); Lịch sử Đảng bộ huyện Hớn Quản (1930 - 2010); Lịch sử Đảng bộ huyện Chơn Thành (1930 - 2005); Lịch sử Đảng bộ huyện Bù Đăng (1930 - 2005); Lịch sử Đảng bộ thị xã Đồng Xoài (1930 - 1975) và (1975 - 2005); Lịch sử Đảng bộ thị xã Phước Long (1930 - 1975); Lịch sử Đảng bộ huyện Lộc Ninh (1930 - 2000); Bình Long - Truyền thống đấu tranh và xây dựng (1930 - 2005). Ngoài ra, các huyện, thị còn xuất bản tài liệu giảng dạy, lịch sử ngành, như: Lịch sử địa phương dùng trong các trường phổ thông trên địa bàn thị xã Đồng Xoài, thị xã Bình Long, huyện Bù Đốp, huyện Bù Đăng và huyện Đồng Phú; Lịch sử Công an thị xã Phước Long 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (1945 - 2010); Truyền thống cấp ủy Đảng bộ Phước Long (1960 - 2000); Lịch sử Công an thị xã Bình Long - 65 năm xây dựng và trưởng thành; Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Đồng Xoài giai đoạn “2000 - 2010”; Lịch sử Công an huyện Lộc Ninh, Lịch sử Đại đội 31 Lộc Ninh anh hùng, Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lộc Ninh giai đoạn “1994 - 2010”, Tập san chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Lộc Ninh (7/4/1972 - 7/4/2012); Lịch sử Công an huyện Bù Đăng, Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bù Đăng giai đoạn “1962 - 2010”, Điểu Ong - Con người và cuộc đời - năm 2004, Kỷ yếu Bù Đăng 30 năm xây dựng và phát triển; Lịch sử Công an huyện Đồng Phú 30 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (1976 - 2006), Tập san Đồng Phú 10 năm xây dựng và phát triển; Tập san Bù Đốp xây dựng và phát triển.

Đối với cấp xã, trong 15 năm qua, đã tổ chức biên soạn, xuất bản nhiều công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng với chất lượng ngày càng cao; một số huyện, thị có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn như: thị trấn An Lộc, xã Thanh Lương, xã Thanh Phú anh hùng (thị xã Bình Long); các xã Đồng Nơ, Tân Hưng, Tân Khai, Phước An, Tân Lợi, Minh Đức, Thanh An, Thanh Bình, An Khương (huyện Bình Long nay thuộc huyện Hớn Quản); xã Minh Long, thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành); xã Lộc Tấn, Lộc Khánh, Lộc Thái (huyện Lộc Ninh); xã Đoàn Kết, Đồng Nai, Đăk Nhau, Nghĩa Trung, Thống Nhất, Bom Bo (huyện Bù Đăng); xã Đồng Tâm, Thuận Lợi (huyện Đồng Phú); xã Bình Thắng, Đức Hạnh, Đak Ơ – (huyện Phước Long nay thuộc huyện Bù Gia Mập); thị trấn Phước Bình - thị xã Phước Long; Lịch sử truyền thống xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp)...

Tăng cường công tác giảng dạy lịch sử địa phương trong hệ thống giáo dục


Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của tỉnh trong hệ thống giáo dục trong 15 năm qua có nhiều chuyển biến. Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo và Trường Chính trị tỉnh xây dựng kế hoạch biên soạn và đưa nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong Trường chính trị, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thị và các Trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhiều huyện, thị trong tỉnh đã biên soạn và đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường học như thị xã Đồng Xoài, thị xã Phước Long, huyện Bù Đốp, huyện Bù Đăng và huyện Đồng Phú. Công tác giảng dạy giáo dục lịch sử địa phương đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng và động viên mọi người tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cũng quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Ban Tuyên giáo các cấp đã tham mưu cho các cấp ủy tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ của Đảng, về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Đảng bộ địa phương... Những cuộc thi đó đã thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham gia dự thi, gồm cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thuộc tất cả các tầng lớp, lứa tuổi. Nhiều bài dự thi được chuẩn bị công phu về nội dung và hình thức, thể hiện tâm huyết và lòng biết ơn trân trọng đối với Đảng. Đây là những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng có sức tuyên truyền lan tỏa rộng trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều địa phương, đơn vị tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, tổ chức tọa đàm, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, ôn lại quá khứ hào hùng của Đảng và dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những chiến sĩ cộng sản suốt đời tận tụy phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

 Bài học kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Bình Phước đã rút ra những bài học kinh nghiệm, nhằm giúp cấp ủy lãnh đạo thực hiện tốt trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của Tỉnh ủy, huyện, thị, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy về chuyên môn cũng như kinh phí nghiên cứu, biên soạn, xuất bản đối với tất cả các công trình lịch sử Đảng.

Thứ hai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các huyện, thị, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cần phải tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng kế hoạch, định hướng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ và nêu rõ trách nhiệm của các đảng bộ trong công tác nghiên cứu, biên soạn. Hướng dẫn việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử phải theo quy trình khoa học để công trình lịch sử có chất lượng cao, hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Thứ ba, đối với việc sưu tầm, khai thác tư liệu: phải bố trí hợp lý thời gian, công sức, kinh phí phục vụ công tác này do tư liệu ở nhiều nơi khác nhau và dưới nhiều hình thức lưu trữ khác nhau. Tài liệu cần được khai thác, xác minh, thẩm định bảo đảm tính trung thực, chính xác, khách quan, phù hợp. Vấn đề khó và chưa thống nhất cần xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ nơi đơn vị có công trình lịch sử.

Thứ tư,
trong quá trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử cần phối hợp với Viện Lịch sử Đảng và các cơ quan liên quan để thẩm định, xác minh các sự kiện, nhất là những sự kiện quan trọng, những nhân vật lịch sử... nhằm nâng cao chất lượng các công trình lịch sử, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến chuyên môn.

Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới

Trên cơ sở đánh giá toàn diện hoạt động công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trong 15 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương Bình Phước phát huy những thành tích đạt được; khắc phục những tồn tại, yếu kém; rút kinh nghiệm để đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chính trị - tư tưởng.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến các huyện, thị, xã, phường, thị trấn tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và kiện toàn đội ngũ cán bộ; quan tâm đến lực lượng cán bộ làm công tác lịch sử Đảng ở huyện, thị, xã, phường, thị trấn. Chú trọng xây dựng kế hoạch từng năm và dài hạn trong việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng theo hướng đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, phẩm chất và bản lĩnh chính trị, nắm vững phương pháp luận sử học, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học lịch sử.

Cần tăng cường đầu tư kinh phí từ các nguồn kinh phí của Đảng, Nhà nước, trang bị tốt cơ sở vật chất và tạo điều kiện làm việc phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; có chế độ khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời đối với đội ngũ cán bộ hoàn thành tốt công tác lịch sử Đảng ở địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng một cách thường xuyên, thống nhất trong hệ thống chính trị. Nâng cao nhận thức và đánh giá đúng thực trạng chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng trong trường chính trị tỉnh, các trường phổ thông, các trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thị trên phạm vi toàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị trong tỉnh phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Xây dựng kế hoạch công tác lịch sử Đảng hàng năm và từng giai đoạn; có biện pháp cụ thể, sát thực trong việc giúp đỡ các huyện, thị, nhất là các xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống ban, ngành, đoàn thể.

Anh Đức

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất