(TG) - Một trong những giải pháp được đưa ra là cần nâng
cao chất lượng báo cáo viên, cần lựa chọn những người có trình độ
chuyên môn, am hiểu thực tế, kỹ năng sư phạm để đưa vào đội ngũ báo cáo
viên.
Nhận thức việc triển khai, học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Tỉnh uỷ Bình Phước đã có quyết định về việc Ban hành Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian qua, công tác triển khai, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đạt được một số kết quả khá tốt. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được hết những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể đề ra như: nhiều chủ trương, đường lối của Đảng chưa thực sự thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thậm chí chưa đến được với nhân dân vùng sâu, vùng xa; hình thức học tập còn đơn điệu, chủ yếu theo một chiều truyền đạt từ báo cáo viên, ít trao đổi, gắn với thực tế của địa phuơng….
Vì vậy, Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Phước nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và chất lượng, hiệu quả công tác triển khai quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng; nâng cao hiệu quả, tính chiến đấu của công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, cũng khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, Đề án đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, cần đổi mới, đa dạng hoá các hình thức triển khai, học tập Nghị quyết Trung ương 4. Cụ thể, tổ chức học tập thành các lớp, lớp cho cán bộ chủ chốt các cấp, lớp cho đảng viên của cơ sở. Triển khai bằng hình thức trực tuyến, bằng hình thức truyền hình trực tiếp. Triển khai sâu cho từng nhóm đối tượng. Cần phát huy tối đa hiệu quả các cụm loa truyền thanh trong việc tuyên truyền nghị quyết. Dù triển khai, học tập theo hình thức nào cũng phải coi trọng việc kết hợp giữa luận giải của các báo cáo viên với tự nghiên cứu tài liệu của người học.
Thứ hai, đổi mới quy trình, nội dung, nâng cao chất lượng xây dựng chương trình, kế hoạch của các cấp uỷ thực hiện Nghị quyết, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai nghị quyết.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lựơng tổ chức hội nghị, quản lý cán bộ đảng viên học tập nghị quyết. Trong đó, đồng chí bí thư cấp uỷ phải là người chủ trì, trực tiếp chỉ đạo hội nghị, đồng thời quán triệt một số tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị liên quan đến nghị quyết, giúp cho đối tượng học nghị quyết có cơ sở để liên hệ. Thành lập ban quản lý lớp học, do đồng chí phó bí thư thường trực cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo. Ban quản lý có nhiệm vụ theo dõi việc học tập thông qua những tiêu chí cụ thể: tinh thần, thái độ, ý thức trong học tập; thực hiện lấy phiếu ý kiến, đồng thời tham mưu giúp cấp uỷ kịp thời biểu dương đối với cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có vi phạm trong thực hiện nghị quyết.
Thứ tư, nâng cao chất lượng báo cáo viên. Cần lựa chọn những người có trình độ chuyên môn, am hiểu thực tế, kỹ năng sư phạm để đưa vào đội ngũ báo cáo viên. Bản thân mỗi báo cáo viên phải tích cực tự học, tự nghiên cứu, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, đặc biệt phải có niềm đam mê nghề nghiệp. Sau mỗi hội nghị triển khai, cần lấy ý kiến đóng góp cho báo cáo viên bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến.
TH