Ngay sau khi Nghị quyết số 27-NQ/TW (khóa X) ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng ban hành Chương trình hành động số 29-Ctr/TU, đồng thời xây dựng Kế hoạch tổ chức nhiều lớp nghiên cứu, quán triệt nghị quyết cho đội ngũ cán bộ các cấp và đảng viên toàn Đảng bộ. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân.
Những năm qua, với quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, bước đầu Nghị quyết 27 đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả tích cực. Điều đó được thể hiện qua các con số: Từ 15.000 trí thức năm 2008 (với 13 tiến sĩ, 388 thạc sĩ, 8.760 có trình độ đại học) đến cuối năm 2012 đội ngũ trí thức đã có trên 20.000 (trong đó có 30 tiến sĩ; 593 thạc sĩ; 10.977 có trình độ đại học).
Trong số này, đội ngũ trí thức các ngành thuộc lĩnh vực khoa học – công nghệ được các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đào tạo với số lượng ngày càng tăng như: công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, kinh tế du lịch, công nghệ sinh thái, kinh tế ngoại thương; thêm nữa, cơ cấu đào tạo (giữa lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật, tự nhiên) của tỉnh được điều chỉnh hợp lý hơn, với 300 chuyên ngành đào tạo trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, kỹ thuật và tự nhiên.
Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức của tỉnh phát huy năng lực hoạt động và sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành đồng loạt văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo có liên quan đến đội ngũ trí thức. Kết quả đạt được là nhiều đề án, đề tài nghiên cứu khoa học đã ra đời và có tính ứng dụng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đi kèm với đó là nhiều giải pháp sáng tạo đã giải quyết được những vấn đề mới phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh mạnh; đồng thời góp phần tích cực vào việc xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định những chủ trương, chính sách ở địa phương.
Về công tác thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tỉnh đã có ưu tiên đối với những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi; tạo môi trường công tác tốt để thu hút trí thức giỏi; đồng thời tạo điều kiện và động viên cán bộ, công chức yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; khuyến khích và có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và đến nhận công tác ở các xã vùng còn khó khăn của tỉnh. Đợt tháng 6 năm 2012, nhằm tập hợp, vận động đội ngũ trí thức, Câu lạc bộ trí thức của tỉnh đã ra đời.
Bên cạnh đó, vai trò giáo dục và đào tạo cũng được các cấp, các ngành hết sức chú trọng. Thực hiện chiến lược của Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam đến năm 2020, những năm qua, tỉnh đã ban hành kế hoạch tiến hành đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có đại học và sau đại học ở một số ngành kinh tế, văn hóa - xã hội. Cùng với đó, phần lớn các trí thức sau khi đào tạo đã được bố trí công việc phù hợp, phát huy được năng lực chuyên môn; một số trí thức nghỉ hưu vẫn tiếp tục lao động nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình khoa học được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa cán bộ luôn được Tỉnh ủy quan tâm và xác định đây là một trong những công tác trọng tâm, có tính quyết định đến công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng thiết thực theo hướng có trọng tâm và sát yêu cầu của công việc. Tính đến tháng 10/2013 có gần 3.000 cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; có 1.744 người (chiếm 55,2%) có trình độ lý luận chính trị trung và cao cấp.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể luôn xác định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng cao sức mạnh, trí tuệ của tỉnh. Chính vì vậy, những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để trí thức của tỉnh được phát huy năng lực, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ nhìn chung được thực hiện đúng nguyên tắc, dân chủ, phù hợp với trình độ, chuyên môn, vị trí công tác. Công tác xét tuyển công chức, viên chức được thực hiện theo quy trình, đảm bảo công khai, công bằng cho các đối tượng dự tuyển. Hầu hết cán bộ công chức, viên chức được tuyển dụng đều có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hoạt động đối thoại giữa trí thức và người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền được tiến hành trên tinh thần cởi mở, dân chủ và tôn trọng lẫn nhau.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình hành động số 29-CTr/TU của Tỉnh uỷ vẫn còn những hạn chế như: Trí thức nghiên cứu khoa học cơ bản và chuyên gia đầu ngành vẫn còn thiếu; sự đóng góp của trí thức vào những chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của địa phương vẫn chưa ngang tầm so với yêu cầu. Việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và bậc đại học những năm qua có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đều, một số trí thức chưa phát huy hiệu quả hoạt động. Việc thu hút trí thức có trình độ cao về công tác tại tỉnh còn ít; ở một số ngành còn xảy ra tình trạng chảy máu chất xám.
Một số trí thức còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, thiếu tính chuyên nghiệp; lề lối, tác phong làm việc, tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm chưa đáp ứng được yêu cầu môi trường sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
Để xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỉnh Tiền Giang tập trung nhiều giải pháp như: Các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp tiếp tục chăm lo, đầu tư xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ trí thức, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020; Kiện toàn và nâng cao chất lượng của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn tỉnh; gắn việc đào tạo với nhu cầu thực tế của tỉnh, của khu vực; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò đội ngũ trí thức trong công cuộc đổi mới đất nước; tăng cường thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Có chính sách phù hợp để thu hút trí thức Tiền Giang đang sống và làm việc ở ngoài tỉnh và nước ngoài về tỉnh làm việc; có cơ chế để tranh thủ sự đóng góp, hiến kế của lực lượng trí thức người Tiền Giang và trí thức trong và ngoài nước đối với quá trình phát triển của tỉnh. Đặc biệt, công tác quản lý, bố trí, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nói chung, trí thức nói riêng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy định, phù hợp với năng lực, chuyên môn, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Quan tâm đến những cán bộ trẻ có triển vọng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận cho tỉnh.
Nguyễn Út