(TG) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và hiện nay đang triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã sáng tạo và linh hoạt trong xác định rõ nội dung công việc, cách thức, thời gian triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thực hiện Kế hoạch số 58-KH/BTGTW ngày 27/8/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 08/11/2021 với 07 nội dung chính. Đến hết tháng 11/2021, 100% các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh hoàn thành việc xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
CHỌN VIỆC ĐỘT PHÁ THỰC HIỆN HỌC VÀ LÀM THEO BÁC
Để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đảm bảo thiết thực, hiệu quả, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các chuyên đề do Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã chủ động ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời lựa chọn chủ đề công tác cho từng năm. Ban thường vụ các huyện, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo triển khai nghiêm túc tại cơ quan, đơn vị và thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nhằm đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào nền nếp, có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Hằng năm, Tỉnh ủy Bình Phước đã lựa chọn chủ đề công tác sát với tình hình thực tiễn để quán triệt và triển khai thực hiện:
- Năm 2016 - 2017, Tỉnh ủy chọn 02 nội dung để tập trung thực hiện tốt: Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hội nghị, cuộc họp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả 6 chương trình và 11 dự án trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Đây là việc quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, nên các chỉ tiêu đề ra trong năm 2017 đều đạt.
- Năm 2018, Tỉnh ủy chọn nội dung trọng tâm về công tác xây dựng
Đảng để tập trung thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương. Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, ngày 10/4/2018 Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 999-QĐ/TU về việc ban hành Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 -NQ/TW. Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã giảm 138 đầu mối cấp phòng, giảm 210 lãnh đạo các cấp và 1.845 biên chế, giảm chi thường xuyên từ bộ máy trên 120 tỷ đồng.
- Năm 2019, Tỉnh ủy tiếp tục lựa chọn những vấn đề sát sườn với tình hình của tỉnh. Đó là tập trung chuẩn bị các dữ liệu với tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết, tháo gỡ ngay những bức xúc, khó khăn, tồn đọng nhiều năm trong nhân dân, nhất là những vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
- Năm 2020 là bắt tay xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh đó, tổ chức các đợt đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm sao ý Đảng - lòng dân gặp nhau. Từ đó giải quyết dứt điểm những bức xúc chính đáng trong nhân dân và đẩy mạnh thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Những việc làm nêu trên là minh chứng cho sự quan tâm thực hiện cụ thể Chỉ thị số 05-CT/TW ở tỉnh Bình Phước.
- Trong nhiệm kỳ 2021-2025, triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Tỉnh ủy Bình Phước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, chú trọng 03 nhiệm vụ đột phá về kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và nguồn nhân lực để triển khai thực hiện có hiệu quả, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
|
ĐỔI MỚI TUYÊN TRUYỀN ĐỂ LAN TỎA NHỮNG VIỆC LÀM THEO GƯƠNG BÁC
Để công tác tuyên truyền hiệu quả và đến gần với người dân hơn, qua từng năm cách thức tuyên truyền tại tỉnh Bình Phước luôn được đổi mới, sáng tạo từ nội dung đến hình thức trong tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hàng năm, vào dịp sinh nhật Bác 19/5, tỉnh Bình Phước luôn đổi mới, sáng tạo trong phương thức hoạt động. Bên cạnh việc tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân định kỳ, từ cấp tỉnh, đến cấp huyện và cấp xã đã tổ chức một chuỗi sự kiện, gồm nhiều hoạt động thiết thực và hướng về cơ sở. Chú trọng chuỗi hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội: khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết; “Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; làm đường giao thông nông thôn; khai trương hệ thống dịch vụ công trên môi trường điện tử; tổ chức hiến máu nhân đạo. Đó là chuỗi hoạt động gắn với cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: khánh thành các công viên cây xanh, triển khai toàn tỉnh trồng 1 triệu cây xanh; sơ kết 05 năm Chỉ thị số 05-CT/TW, công bố nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, khai trương tổng đài dịch vụ công trực tuyến 1022. Tất cả các hoạt động được tổ chức hiệu quả, tạo hiệu ứng tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo Nhân dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung.
Toàn tỉnh có hàng trăm mô hình, câu lạc bộ làm theo lời Bác. Các mô hình tiêu biểu có thể kể đến như:Tại TP Đồng Xoài, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố duy trì mô hình “Hạt gạo ấm lòng", hàng tháng giúp đỡ 64 hộ, mỗi hộ 10 kg gạo. Các mô hình: “Khu dân cư không có tội phạm" (phường Tân Phú); “Tiếng kẻng canh phòng", “Camera thông minh” (phường Tân Xuân) đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.
Thị xã Bình Long có mô hình “Câu lạc bộ làm theo lời Bác" của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phú Thịnh với các hoạt động an sinh xã hội, sau đó được nhân rộng thêm tại nhiều khu phố, được đông đảo nhân dân hưởng ứng.
Các huyện Thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng, Chơn Thành, Bù Đốp đều xây dựng mô hình "Cán bộ, đảng viên thực hành tiết kiệm, làm theo lời Bác Hồ”. Trong năm 2021, cán bộ, đảng viên đã đóng góp được gần 5 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho đảng viên nghèo, khó khó khăn trong cuộc sống.
Tại huyện Bù Gia Mập, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tuyên truyền, nhân rộng các mô hình như: "Tủ sách tuổi trẻ học tập và làm theo Bác”, “Nuôi heo tiết kiệm”, “Giúp đỡ hộ nghèo”, "Quỹ vì phụ nữ nghèo"... để hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn có điều kiện vươn lên.
Các công ty cao su duy trì mô hình tiết kiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình "3 quyết tâm”: Quyết tâm phát huy dân chủ - kỷ cương đoàn kết; Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, nói đi đôi với làm; Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch (Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú); mô hình “Thùng tiết kiệm giúp con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn” (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng, chi bộ khối đoàn thể cơ quan của cao su Bình Long); mô hình “Vườn cây thanh niên” , “Nuôi heo đất”, “Tấn sản phẩm mủ vượt”, “Bàn tay vàng” (Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh)...
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tỉnh đã có 514 tập thể và 598 cá nhân được biểu dương, khen thưởng từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, với rất nhiều mô hình mới, cách làm hay có tác dụng động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân làm theo. Trong đó, 2 điển hình được giao lưu cấp Trung ương. Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân tiêu biểu.
Trong nhiệm kỳ 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo hằng năm, mỗi huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các chi bộ, đảng bộ xây dựng được ít nhất từ 1 mô hình tiêu biểu và 2 điển hình của cấp mình trở lên. Việc lựa chọn, xây dựng mô hình tiêu biểu phải được ban thường vụ cấp ủy, đảng ủy, chi ủy, chi bộ (nơi không có chi ủy) xét duyệt, thông qua trước khi tổ chức thực hiện và tổng hợp báo cáo cấp trên. Đây là nội dung quan trọng để tiếp tục nhân rộng mô hình làm theo Bác trên địa bàn toàn tỉnh.
QUYẾT LIỆT CHUYỂN ĐỔI SỐ - LẤY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM ĐỘNG LỰC KIẾN TẠO VÀ PHÁT TRIỂN
Việc học tập và làm theo Bác đã gắn với chuyển đổi số là một bước cụ thể Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Vì vậy, chuyển đổi số phải do cấp ủy lãnh đạo, nhà nước thực hiện với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị nhằm chuyển đổi số thành công trên mọi lĩnh vực. Theo đó, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã công bố Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 18/5/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Tỉnh ủy Bình Phước quyết tâm phấn đấu: Đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong đó, các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, hoàn thiện nền tảng dữ liệu số; giao tiếp giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp đều diễn ra trên không gian mạng.
Không phải từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, Bình Phước mới quan tâm sâu sắc về vấn đề này, mà “bóng dáng” của chuyển đổi số đã hình thành trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh cho đến công tác hoạch định chiến lược, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đẩy mạnh cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến trên toàn tỉnh… Hoạt động này diễn ra liên tục, bền bỉ trong nhiều năm nay, nhằm tạo đà cho chuyển đổi số của thời điểm hiện tại đẩy mạnh phát triển. Khái niệm chuyển đổi số không còn là sáo rỗng nói cho vui, cho sang, mà nó thực sự mở ra cơ hội chưa từng có cho cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng.
Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính. Đến nay, tỉnh đã có 1224 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 100% theo yêu cầu của Chính phủ; vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và 3 IOC của thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long và Bình Long. Các văn bản hồ sơ hầu hết đều được xử lý và thực hiện trên môi trường điện tử thông qua ứng dụng chữ ký số, phần mềm không giấy. Kết quả này cho thấy, CĐS không còn là câu chuyện xa vời, mà đã ăn sâu vào trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh trong nhiều năm qua và cả hệ thống chính trị tỉnh đã quyết tâm triển khai thực hiện, nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực.
Công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh bước đầu đạt được những kết quả tích cực; xây dựng khung chính quyền điện tử, trục liên thông kết nối chia sẻ dữ liệu phần mềm quản lý văn bản, họp không giấy. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đạt 97%. Ứng dụng chữ ký số trong lãnh đạo, điều hành. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp huyện, cấp xã.
Đặc biệt, từ ngày 31/3/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch thực hiện 3 mục tiêu: Cụ thể đến ngày 19/5/2021 sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến kết nối trên cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn và 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã trễ hạn, tồn đọng kéo dài sẽ được giải quyết dứt điểm, đồng thời sẽ khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc để thực hiện cho được dịch vụ chứng thực điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đến ngày 19/5/2021, sau “chiến dịch 50 ngày đêm” triển khai quyết liệt khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc để thực hiện cho được dịch vụ chứng thực điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, từ vị trí 47/63 tỉnh, thành phố, Bình Phước đã vươn lên đứng đầu cả nước khi được rà soát, kết nối thành công 1.224 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, dịch vụ công mức độ 4 của Bình Phước kết nối lên cổng là 777 dịch vụ và đã cấp trên 1.400 hồ sơ chứng thực điện tử, trở thành tỉnh có kết quả tốt, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về cung cấp dịch vụ này. Tỉnh đã thiết lập Tổng đài Thông tin dịch vụ công qua đầu số 1022 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cũng như các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh kiểm soát tốt hơn toàn bộ việc tiếp nhận, xử lý, đánh giá mức độ hài lòng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức; nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội; giảm tiêu cực, phiền hà,… góp phần nâng cao sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh của tỉnh.
Trong học tập và làm theo Bác gắn với chuyển đổi số vừa là cơ hội vừa là động lực khơi dậy khát vọng, mở ra không gian phát triển mới. Do đó, việc Bình Phước ban hành nghị quyết về chuyển đổi số sẽ là “cú hích” và tiền đề quan trọng để bứt phá trong thời gian tới. Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm động lực kiến tạo, phát triển”, Nghị quyết 04-NQ/TU sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và Bình Phước sẽ thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra: Đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
CHỦ ĐỘNG, QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP TRONG KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH COVID-19
Sau hơn một năm vững vàng trước đại dịch, ngày 30/6/2021, Bình Phước ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên. Với tinh thần không ai đứng ngoài cuộc, không một phút giây được lơ là, chủ quan, cả hệ thống chính trị và toàn dân Bình Phước đã vào cuộc với quyết tâm sớm chiến thắng, đẩy lùi đại dịch.
Thành quả ban đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay của Bình Phước đến từ những quyết định kịp thời, sáng suốt của các cấp lãnh đạo với nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân được đặt lên trên hết và trước hết. Đồng thời, nhất quán quan điểm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Hơn lúc nào hết, thực tiễn phòng chống dịch đòi hỏi vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cần phải được hiện diện rõ nét. Cũng từ yêu cầu của thực tiễn, một nghị quyết đặc biệt, chưa có trong tiền lệ của tỉnh Bình Phước đã ra đời - Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Nghị quyết là “kết tinh trí tuệ” của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Nghị quyết đặt mục tiêu bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Công tác phòng, chống dịch luôn trong tư thế chủ động đi trước một bước, cao hơn một mức và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU để chủ động điều hành phát triển kinh tế - xã hội với 3 kịch bản ứng phó cụ thể (kịch bản 1: số ca bệnh đến dưới 1.000 ca; kịch bản 2: số ca bệnh từ 1.000 đến 5.000 ca; kịch bản 3: trên 5.000 ca).
Cùng với việc đưa ra các kịch bản, kế hoạch ứng phó với đại dịch thì xuyên suốt và nhất quán trong Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Phước là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong tỉnh đã thành lập 908 tổ, đội, nhóm phản ứng nhanh, tổ Covid cộng đồng với 1.720 thành viên; 428 tổ truy vết, tổ tuyên truyền với 1.023 thành viên tham gia; thành lập lực lượng xung kích, gồm 4.875 đồng chí. (Trong đó: Lực lượng khối tỉnh: 802 đồng chí và Lực lượng khối huyện: 4073 đồng chí)vàlực lượng tình nguyện 11.549đồng chí sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tham gia tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch; tham gia tổ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm; tham gia vào các lực lượng hoặc các hoạt động khác...
Với tinh thần ai có gì góp đó, vùng dịch ít hỗ trợ vùng dịch nhiều, ngoài hỗ trợ nhân dân trong tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, các tầng lớp nhân dân ở Bình Phước còn góp sức người, sức của hỗ trợ nhân dân các vùng tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm thiết yếu, thiết bị y tế. Đã có hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên y tế ở Bình Phước tiên phong vào tâm dịch các tỉnh, thành phía Nam hỗ trợ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tỉnh đến ngày 15/12/2021 đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền 45 đồng; Quỹ ủng hộ vaccin 4.3 tỷ đồng. Đăng ký ủng hộ phòng chống Covid-19 và xây dựng các chốt phòng chống dịch với số tiền 2.1 tỷ đồng.
Các chính sách an sinh xã hội được tỉnh quan tâm chăm lo, tính đến tháng 10/2021 tỉnh đã phê duyệt, hỗ trợ cho gần 78.000 đối tượng theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 128 của Chính phủ với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng; cấp phát 559.740 kg gạo từ nguồn cứu trợ Trung ương cho người dân. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách riêng hỗ trợ cho 9.300 đối tượng khó khăn do dịch bệnh hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai với tổng số tiền gần 6,7 tỷ đồng.
Không chờ “hậu covid” mới phát triển, mọi hoạt động điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước vẫn diễn ra trong điều kiện dịch bệnh. Công nghệ số, chuyển đổi số có cơ hội phát triển. Bình Phước tranh thủ việc xây dựng Quy hoạch phát triển tỉnh, hoàn thành và triển khai nghị quyết về tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
Xác định 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, năm với nhiều sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, để thực hiện khát vọng đưa Bình Phước trở thành “điểm đến hấp dẫn” trong khu vực, nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã có những điều chỉnh, thích ứng với tình hình thực tế và mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm cao. Đó là phương châm hành động “2 nhanh, 3 tốt”. Trong đó “2 nhanh” là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thực hiện thủ tục đầu tư; “3 tốt” là chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt…
Sau 25 năm ngày tái lập (01/01/2021-01/01/2022), đến nay Bình Phước đã có bước tiến ngoạn mục. Nhiều chỉ tiêu kinh tế, phát triển xã hội hằng năm đạt và vượt so với nghị quyết đề ra, là điểm sáng của cả nước ở một số lĩnh vực. Trong đó, điểm nhấn thành công là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Chỉ số PCI của tỉnh đã có bước tiến đáng kể đem đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Bình Phước đã và đang bắt tay triển khai một số dự án giao thông trọng điểm tạo liên kết vùng, mở đường cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Khát vọng và kỳ vọng đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư là mong muốn chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tỉnh Bình Phước quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Hà Anh Dũng
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước