Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 26/6/2012 17:53'(GMT+7)

Bình Thuận: Cần giáo dục ý thức và kỹ năng tự bảo vệ, tránh đuối nước cho trẻ em

 Bình Thuận có bãi biển dài 197 km, bên cạnh đó còn nhiều sông hồ nằm rải rác trên địa bàn toàn tỉnh. Thế nhưng tại những điểm này, ít thấy những tấm bảng mang nội dung cảnh báo nguy hiểm. Ngay tại những nơi có đông người tắm biển như: bãi biển Đá Ông Địa, biển Tiến Thành… đều không có biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm và lực lượng cứu hộ cũng không có. Điều này dẫn đến trẻ em dễ mất cảnh giác khi tắm biển và những tai nạn thương tâm xảy ra là khó lường.

Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Thuận, từ tháng 4 đến nay, Bình Thuận đã có 8 trẻ em bị chết đuối, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở. Đa phần những vụ chết đuối ở trẻ đều xảy ra ở vùng quê, nơi có sông, suối, biển. Chính vì vậy mỗi khi đi học về, các em lại tụ tập đến những khu vực này để tắm và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Trong đó có những vụ có 2 học sinh chết đuối cùng nhau, như trường hợp xảy ra vào chiều 15/6/2012, nhóm bạn gồm năm em đến bãi biển Đá Ông Địa (thành phố Phan Thiết) tắm biển. Gặp chỗ nước sâu và chảy siết, cả năm em đều bị nước cuốn, sau đó chỉ có ba em bơi được vào bờ. Hai em bị chết đuối là Nguyễn Đình Vinh (18 tuổi) và Nguyễn Viết Thương (18 tuổi), đều là học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Văn Linh (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận).

Ông Mai Văn Anh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em đang gặp nhiều khó khăn. Đó là, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ chăm sóc trẻ em vẫn còn thấp, trong khi công việc thì quá nhiều. Hiện nay, số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều, nhưng cấp huyện vẫn chưa có cán bộ chuyên trách, cấp xã lại khan hiếm người tham gia công tác bảo vệ trẻ em. Vì vậy, việc tuyên truyền cho các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc bảo vệ trẻ gặp nhiều khó khăn.

Về phía ngành giáo dục, ông Huỳnh Sanh Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, công tác dạy bơi cho trẻ tại các trường còn khó triển khai. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có văn bản về chương trình dạy bơi trong nhà trường, mà chỉ khuyến khích các trường đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy.

Theo ông Mai Văn Anh, phần lớn các tai nạn gây thương tích cho trẻ đều có nguyên nhân do bất cẩn. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ trẻ em là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục và phát triển các kỹ năng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho các đối tượng chăm sóc trẻ và cho chính trẻ. Dạy các cháu nắm được các kỹ năng đối phó trong những tình huống nguy hiểm phải bắt đầu từ gia đình. Qua đó, giúp các cháu hình thành nên các kỹ năng tự vệ, kỹ năng thoát hiểm.

Mỗi năm khi hè đến, số trẻ em bị chết đuối lại gia tăng. Cần có sự quan tâm của cộng đồng, gia đình, đặc biệt là việc tuyên truyền giáo dục ý thức và kỹ năng tự bảo vệ cho các em./.

Nguyễn Thanh/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất