Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 7/8/2014 15:55'(GMT+7)

Bình Thuận: Chính sách xóa đói, giảm nghèo phải đi cùng chống tái nghèo

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Đó là vẫn còn 8 xã số hộ nghèo từ 20% trở lên như: Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) 29,81%, La Dạ (Hàm Thuận Bắc) 27,98%, Phan Sơn (Bắc Bình) 25,47%, Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) 24,01%, Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) 23,65%, La Ngâu (Tánh Linh) 23,27%, Măng Tố (Tánh Linh) 20,53%, Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) 20,12%. Trong số đối tượng nghèo có đến 30% thuộc nhóm bảo trợ xã hội, già cả, neo đơn nên khả năng thoát nghèo rất khó. Phần đông đối tượng mới thoát nghèo có mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo nên có nguy cơ tái nghèo rất cao, nhưng hiện tại chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ gì cho họ để bảo đảm cho họ thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo.

Phải nói rằng, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội cho xóa đói giảm nghèo là rất lớn. Trong 3 năm gần đây, ngân sách đã đầu tư trên 343 tỷ đồng để thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo; thực hiện tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo trên 1.476 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số quản lý sử dụng trên 15.000 ha đất, trên 86.400 ha rừng; ngân sách đầu tư trên 45,8 tỷ đồng dạy nghề cho trên 30.000 lao động nông thôn…

Điều gì khiến cho nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội rất lớn nhưng hiệu quả chưa đem lại như mong muốn? Phải chăng là do chính sách đầu tư còn dàn trải, manh mún? Phải chăng có quá nhiều chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, người nghèo nên một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng? Phải chăng trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện giảm nghèo, nhất là ở cơ sở chưa thật sự tích cực, chặt chẽ, thiết thực và phù hợp ?... Có thể khẳng định là ít hay nhiều, nơi này hay nơi khác đều có những nguyên nhân trên.

Để giảm nghèo bền vững phải xác định xóa đói nghèo phải đi đôi với chống tái nghèo. Qua tình hình thực tế cho thấy, trong hỗ trợ người nghèo có tình trạng chính sách còn dàn trải, thiếu thực tế, ai nghèo cũng được hỗ trợ. Điều này đã làm cho hiệu quả của việc giảm nghèo có lúc phản tác dụng, khuyến khích người nghèo lười lao động.  Do vậy cần phải căn cứ nguyên nhân đói nghèo để phân loại người nghèo thành những nhóm khác nhau như nhóm có khả năng sản xuất nhưng thiếu vốn, kỹ năng lao động; nhóm bị ảnh hưởng thiên tai, bệnh tật; nhóm không có khả năng lao động như người già, người có công; nhóm có khả năng lao động, có sức khỏe nhưng lười lao động. Từ đó, sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp và hạn chế tâm lý "xin được nghèo”. Phải thống nhất quan điểm “Việc hỗ trợ giúp đỡ người nghèo là việc làm nhân đạo nhưng về lâu dài, phải tạo ra động cơ, động lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo”.

Giảm nghèo có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào cách triển khai. Hiện nay, nhiều chương trình giảm nghèo còn cơ chế tổ chức thực hiện chồng chéo, manh mún, nhiều chi phí trung gian, cùng một loại vốn nhưng quá nhiều cấp, ngành, đoàn thể quản lý mà lại không chặt chẽ. Vì vậy cần xem xét, rà soát chính sách, sắp xếp lại theo hướng tập trung, giảm bớt văn bản để hệ thống chính sách giảm nghèo có độ bao phủ rộng, rõ thời gian, đối tượng.

Một thực tế nữa là trong lúc những hộ thuộc diện nghèo được hưởng quá nhiều ưu đãi, thì những hộ mới thoát nghèo và cận nghèo lại không được (hoặc quá ít) sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng, nên nguy cơ rớt nghèo và tái nghèo rất cao. Vì vậy Nhà nước và cộng đồng cần có những chính sách, quy định ưu đãi cụ thể nào đó về vốn vay, về đào tạo nghề, về bảo hiểm tế, về học hành của con em họ… để giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, có như vậy xóa đói, giảm nghèo mới thực sự bền vững./.

Theo báo Bình thuận


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất