Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 6/8/2014 17:5'(GMT+7)

Hệ thống thư viện công cộng: Nơi góp phần phát triển văn hoá đọc ở Hưng Yên

Ngày hội đọc sách ở Hưng Yên (Ảnh: Báo Hưng Yên)

Ngày hội đọc sách ở Hưng Yên (Ảnh: Báo Hưng Yên)

Trong mấy thập niên qua, văn hoá đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Điều đó thể hiện qua việc mỗi năm có hàng vạn đầu sách, báo các loại được xuất bản trên toàn quốc; không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng và hình thức cũng được chú trọng. Hệ thống thư viện công cộng đã phát triển từ Trung ương tới huyện và đang vươn tới cấp xã. Quy mô của các thư viện tỉnh, huyện ngày càng được mở rộng về số lượng đầu sách, nhân viên phục vụ, trụ sở, phòng đọc và kinh phí hoạt động... Thư viện cấp tỉnh đang trong giai đoạn tự động hoá, chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử/thư viện số. Các bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng đã tạo cho hệ thống thư viện công cộng có sự gần gũi, thân thiện với mọi người dân.

Trong tình hình chung của cả nước, hệ thống thư viện công cộng của Hưng Yên cũng phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó có
01 Thư viện tỉnh; 10 thư viện huyện, thành phố; 765 thư viện, tủ sách cơ sở (05 thư viện xã; 760 thư viện, tủ sách thôn, làng). Thư viện tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng thu thập, bảo quản, tổ chức khai thác sử dụng chung các tài liệu được xuất bản tại địa phương và viết về địa phương; các tài liệu trong nước và nước ngoài phù hợp với đặc điểm, yêu cầu xây dựng và phát triển địa phương về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản", Thư viện tỉnh đã quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động trong hệ thống thư viện, chú trọng những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, như: công tác xây dựng vốn tài liệu; công tác thông tin tuyên truyền giới thiệu sách phục vụ nhiệm vụ chính trị; công tác phục vụ bạn đọc; củng cố, xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở, văn hóa đọc trong cộng đồng.

 
  Ngày hội đọc sách (Ảnh: nguồn Internet)



Trong 10 năm (2004 - 2014), Thư viện tỉnh đã biên soạn, xuất bản được 02 cuốn sách:
Hưng Yên tỉnh nhất thống chí; Tuyển tập địa chí Hưng Yên. Mỗi năm bổ sung từ 5.000 - 7.000 cuốn sách, nâng tổng số sách trong thư viện lên 127.000 cuốn và 170 các loại sách, báo, tạp chí. Sách, báo được bổ sung đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu bạn đọc. Công tác xử lý kỹ thuật theo chuẩn nghiệp vụ, nhanh chóng, kịp thời đưa sách, báo phục vụ bạn đọc. Trung bình hàng năm, Thư viện tỉnh tổ chức 15 đợt tuyên truyền, giới thiệu sách chuyên đề phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; tổ chức 3 - 4 cuộc nói chuyện chuyên đề thuộc nhiều lĩnh vực. Trong các năm từ 2012 - 2014, tổ chức ngày Hội đọc sách tỉnh Hưng Yên, hưởng ứng ngày sách và bản quyền thế giới 23 - 4, Ngày sách Việt Nam 21 - 4, nhằm tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, nhất là việc cấp thẻ bạn đọc đảm bảo đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bạn đọc; tổ chức phục vụ vào ngày thứ 7 hàng tuần nhằm đáp ứng với nhu cầu, phù hợp với thời gian của một số đối tượng, nhất là cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên. Đến nay, tổng số thẻ bạn đọc tại Thư viện tỉnh là 3.200 thẻ. Trung bình mỗi năm phục vụ từ 1,7 - 2 vạn lượt bạn đọc; 5 - 7 vạn lượt sách, báo được luân chuyển. Thường xuyên quan tâm, hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện, tủ sách cơ sở; trong 10 năm đã hỗ trợ, tặng sách, báo cho 150 thư viện, tủ sách cơ sở với 1,2 vạn cuốn sách và 6.200 số tạp chí…

Xây dựng mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm phát triển mạng lưới thư viện cơ sở, xây dựng phong trào đọc sách báo, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của hệ thống thư viện trên địa bàn. Ngoài các thư viện công cộng ở 3 cấp, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có 03 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, gồm: Thư viện gia đình ông Bùi Đình Thăng (thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào, Phù Cừ), hoạt động từ năm 1991 đến nay với vốn sách báo trên 1 vạn cuốn, 60 loại báo, tạp chí; hàng ngày phục vụ từ 25 - 30 lượt bạn đọc trong xã, trong huyện và nhân dân các huyện, tỉnh lân cận; Thư viện gia đình ông Luyện Ngọc Thanh (thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, Yên Mỹ) tổ chức hoạt động phục vụ từ năm 2010; Thư viện của chị Ngô Tùng Vân (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, Khoái Châu) tổ chức hoạt động phục vụ từ năm 2012.

Không chỉ có những thuận lợi, mà hệ thống thư viện của tỉnh còn một số khó khăn như: cơ sở vật chất (Thư viện, phòng đọc, thiết bị nghe nhìn…) phục vụ cho việc nghiên cứu, khai thác các loại sách chưa
đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; thư viện, tủ sách thôn, làng hoạt động hiệu quả chưa cao; công tác cán bộ, chế độ đãi ngộ còn hạn chế…Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển văn hóa đọc của nhân dân, thời gian tới, hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh thường xuyên bổ sung các loại sách, báo, tạp chí; riêng Thư viện tỉnh phấn đấu bổ sung mỗi năm 8.000 - 10.000 cuốn sách, 170 loại báo chí. Chú trọng cải cách, đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ bạn đọc nhằm thu hút đông bạn đọc đến sử dụng thư viện. Thực hiện tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thư viện; tuyên truyền, giới thiệu sách, báo; tổ chức nói chuyện chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị; tổ chức ngày Hội đọc sách hàng năm; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác thư viện; đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng thư viện, tủ sách, phát huy tối đa nội lực nhằm thu hút các cơ quan, đoàn thể, nhân dân tham gia xây dựng thư viện, tủ sách cơ sở; tuyên truyền, vận động, phát triển thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Tú - 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất