Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 30/11/2016 16:20'(GMT+7)

Bình Thuận: đẩy mạnh công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống tỉnh

Đồng chí Hồ Trung Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Đồng chí Hồ Trung Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” và Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 01/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) “về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp”, công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống tỉnh Bình Thuận đã đạt một số quả đáng quan tâm.

Trong năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức các cuộc hội thảo: “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (1930 – 1954)” lần thứ nhất, “Công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong các nhà tù, trại giam ở miền Nam (1954 – 1975)” lần thứ ba. Sau hội thảo, tiến hành sưu tầm, bổ sung tư liệu, chỉnh sửa theo góp ý của các nhân chứng (biên niên sự kiện), tham khảo ý kiến chuyên gia hoàn chỉnh bản thảo trình Thường trực Tỉnh ủy in, xuất bản (công tác xây dựng đảng trong nhà tù, trại giam).

Sau Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Lịch sử Đảng 2013 - 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 - 2017, đã thực hiện một số công việc như: ban hành công văn số 290 ngày 25/4/2016 đôn đốc, chỉ đạo ngành Tuyên giáo toàn tỉnh đẩy mạnh công tác này; báo cáo tình hình triển khai công tác biên soạn lịch sử 2013 - 2015, nhiệm vụ 2016 - 2020; tổng hợp đội ngũ cộng tác viên biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ở cấp cơ sở; làm việc với Đoàn công tác Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) về việc triển khai Chỉ thị số 15 – CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) trên địa bàn tỉnh; tiến hành kiểm tra một số địa phương về công tác này.  

Thực hiện Đề án “Số hóa tư liệu lưu trữ và các ấn phẩm lịch sử tỉnh Bình Thuận” tại Quyết định số 63 – QĐ/BTGTU ngày 03/8/2016. Đề án được Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai từ tháng 09/2016 đến tháng 07/2017; Tham mưu Thường trực Tỉnh ủy báo cáo thành tích đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với Văn phòng Khu ủy Khu VI trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; các công văn, báo cáo liên quan đến thân thế, sự nghiệp và việc đề nghị lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử đối với Mộ cụ Trương Gia Mô; các công văn, báo cáo, thông báo trong vai trò Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

Trong năm 2016, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến cơ sở tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương. Toàn tỉnh đã phát hành được 10 tập lịch sử (02 cơ quan và 08 xã, phường, thị trấn), nâng tổng số sách phát hành đến cuối năm 2016 đạt 191 tập lịch sử; 09 bản thảo được thẩm định chuyên môn.

Đến cuối năm 2016, vẫn còn 27/127 địa phương chưa triển khai biên soạn lịch sử (chậm triển khai 12, mới thành lập 12, đặc thù biển đảo 3). Nguyên nhân của việc chậm triển khai là do: Một số cấp ủy, chính quyền, nhất là cơ sở chưa quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, chưa tập trung chỉ đạo công tác này. Một số cấp ủy giao trách nhiệm cho tổ biên soạn, không có sự đôn đốc, kiểm tra, tiến độ còn chậm, hoặc phải chấm dứt hợp đồng; Cán bộ phụ trách công tác ở huyện, thị, thành ủy còn kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa tập trung cho công tác lịch sử; sau đại hội Đảng các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý luân chuyển nên công tác tham mưu, tổ chức biên soạn ở cơ sở gặp khó khăn; Công tác lưu trữ tư liệu còn lúng túng, chưa khoa học; nhiều nguồn tư liệu có giá trị, quý hiếm bị thất lạc, làm gián đoạn quá trình nghiên cứu, biên soạn. Ngoài ra, việc khai thác tư liệu từ nhân chứng sống ngày càng khó khăn do cán bộ cách mạng lão thành không còn nhiều, phần lớn tuổi cao, sức yếu; Nguồn kinh phí để hoàn thành một tập lịch sử khá lớn, nhưng ngân sách địa phương còn eo hẹp, đã ảnh hưởng đến việc triển khai biên soạn hoặc hợp đồng người biên soạn (kinh phí chi trả cho người biên soạn chưa tương xứng với đặc thù công việc và tình hình thực tế).

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, năm 2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận sẽ tập trung giải quyết các vấn đề sau: tổ chức hội nghị tập huấn công tác biên soạn lịch sử; xây dựng đề án thành lập đội ngũ cộng tác viên biên soạn lịch sử tỉnh Bình Thuận; hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử; Các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống đơn vị mình; Công an, Quân sự tỉnh tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị triển khai biên soạn kỷ yếu, lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, lịch sử lực lượng vũ trang cấp huyện, thị, thành phố.

Đối với huyện, thị, thành phố: Xây dựng kế hoạch triển khai sưu tầm, hệ thống tư liệu đến năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi khi có chủ trương biên soạn lịch sử đảng bộ giai đoạn xây dựng bảo vệ Tổ quốc đến năm 2020; Tập trung chỉ đạo công tác biên soạn lịch sử ở xã, phường, thị trấn; Tháo gỡ khó khăn, biên soạn, xuất bản giai đoạn kháng chiến (nhất là địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân); Đẩy mạnh biên soạn giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; địa phương thành lập sau năm 1975, nếu có thời gian hơn 20 năm thì biên soạn đến năm 2015, dưới 20 năm thì tổ chức sưu tầm và lưu trữ tư liệu lịch sử, tạo điều kiện thuận lợi khi có chủ trương triển khai biên soạn./.

Tô Long
Ban Tuyên  giáo Tỉnh ủy Bình Thuận

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất