Thứ Ba, 24/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 2/12/2012 9:23'(GMT+7)

Bình Thuận: Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở

6 kết quả nổi bật

Nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW trên địa tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực, với 06 kết quả nổi bật:

Hầu hết các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện khá nghiêm túc Chỉ thị số 06-CT/TW và Kế hoạch số 13-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trên cơ sở đó, đã tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2941-QĐ/UBBT phê duyệt Đề án xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, giai đoạn 2003 - 2010; Sở Y tế đã ban hành Chương trình hành động số 542/YT-KH; cấp ủy các xã, phường, thị trấn đưa nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào nội dung nghị quyết của các kỳ đại hội đảng bộ cấp xã để lãnh đạo thực hiện.

Công tác sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo, chuẩn hóa trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở được chú trọng thực hiện. Tính đến nay, toàn tỉnh có 127/127 xã, phường, thị trấn đã có trạm y tế; có 527/702 thôn, bản, khu phố trong toàn tỉnh đã có nhân viên y tế, đạt 75,07%. Ở tuyến huyện và tuyến xã đã cử 150 người đi đào tạo sau đại học, cử hơn 100 người đi đào tạo đại học, trong đó có 36 bác sỹ đa khoa sau khi tốt nghiệp đã được bố trí công tác tại các trạm y tế xã; tổ chức đào tạo trình độ trung học y tế cho 120 người; mở lớp đặc cách điều dưỡng tại tỉnh cho 25 học viên của các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo 242 lượt cán bộ trạm y tế xã về kỹ thuật xét nghiệm cơ bản; đào tạo và đào tạo lại nhân viên y tế thôn, bản (hiện có 712 nhân viên y tế thôn, bản đang hoạt động và có phụ cấp); 100% bác sỹ, y sỹ sản nhi và nữ hộ sinh công tác tại tuyến huyện và tuyến xã được tập huấn chuẩn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Thông qua nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn huy động trong xã hội, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đã tập trung đầu tư, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất tuyến y tế cơ sở, góp phần đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. Đến nay, 100% trạm y tế xã trong tỉnh đã có nhà trạm cấp IV; 100% trạm y tế có điện thắp sáng, điện thoại và có nguồn nước sạch để sử dụng, có 90% trạm y tế có nhà vệ sinh; các trạm y tế hiện có 625 giường bệnh, bình quân gần 05 giường bệnh/trạm y tế; có 91/127 trạm y tế xã tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang, sạch đẹp, với tổng kinh phí đầu tư trong giai đoạn năm 2002 - 2005 gần 16 tỷ đồng và giai đoạn 2006 - 2010 là 56,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các trang thiết bị do dự án EC tài trợ; đồng thời, ngân sách tỉnh cũng đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mua sắm các trang thiết bị cho các trạm y tế; trong đó có 14/15 trạm y tế xã vùng cao, miền núi đã được trang bị máy siêu âm xách tay phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh tại chỗ cho nhân dân.

Công tác phối hợp giữa ngành y tế với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp đã được duy trì thường xuyên; Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp được quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động; từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đạt kết quả khá tích cực.

Tổ chức Hội Đông y được thành lập ở 3 cấp, riêng ở cấp xã đã thành lập 102/127 cơ sở Hội, đạt 81,1%.

Công tác xã hội hóa y tế ở cơ sở được đẩy mạnh thực hiện trên cả 02 lĩnh vực Tây y và y học cổ truyền; trong đó, mạng lưới y dược cổ truyền, nhất là của tư nhân phát triển mạnh, từng bước hoạt động có khởi sắc.

5 vấn đề cần quan tâm

Cơ sở vật chất mạng lưới y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là một số trạm y tế xã đã đầu tư trước đây, nay đã xuống cấp trầm trọng.

Đội ngũ cán bộ y tế so với trước đây tuy tăng hơn về số lượng; song, năng lực chuyên môn không đồng đều, nhất là ở tuyến xã; việc đưa bác sỹ về công tác, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở đạt kết quả chưa cao; công tác đào tạo y, bác sỹ là người dân tộc thiểu số, người tại chỗ chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ý thức trách nhiệm trong công tác khám, chữa bệnh, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế, tinh thần và thái độ phục vụ bệnh nhân của một bộ phận cán bộ y tế một số nơi còn yếu.

Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý giá thuốc, vật tư y tế, nhất là ở các cơ sở y tế ngoài công lập, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế học đường chưa thường xuyên, còn bất cập so với tình hình thực tế. Kinh phí đầu tư cho ngành y tế trong những năm qua tuy có cố gắng; song, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của mạng lưới y tế cơ sở và mong đợi của nhân dân trong tỉnh.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện y đức và phát triển đảng viên trong ngành y tế ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; mô hình tổ chức Đảng tại các trạm y tế cơ sở trực thuộc Trung tâm y tế hoặc trực thuộc cấp ủy xã vẫn chưa xác định thống nhất.

8 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 06-CT/TW trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quán triệt sâu kỹ Chỉ thị số 06-CT/TW để nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; đồng thời, phấn đấu thực hiện đạt chuẩn quốc gia về y tế ở cơ sở theo kế hoạch đã đề ra, phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngay tại cơ sở.

Trên cơ sở đó, có 8 nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong thời gian tới, cụ thể:

Một là, tập trung lãnh đạo củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở theo Quy hoạch phát triển ngành y tế đến năm 2020 đã được phê duyệt. Trong đó, chú ý đầu tư cơ sở vật chất, đủ trang thiết bị kỹ thuật cơ bản; có đủ cơ số thuốc thiết yếu; khuyến khích, thu hút nhiều hơn nữa đội ngũ y, bác sỹ về công tác tại các trạm y tế xã, chú ý khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, đặc biệt coi trọng công tác y tế dự phòng, thực hiện tốt Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Đề án Bảo hiểm y tế toàn dân, thực hiện có hiệu quả chính sách quốc gia về y học cổ truyền; phòng, chống có hiệu quả các bệnh xã hội, không để các dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.

Ba là, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nguồn cán bộ y tế tuyến cơ sở theo Đề án đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế, giai đoạn 2012 - 2020; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên y tế; coi trọng công tác phát triển đảng viên ở các cơ sở y tế. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ công tác ở tuyến y tế cơ sở.

Bốn là, tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống Hội Đông y các cấp từ tỉnh đến cơ sở; làm tốt công tác nghiên cứu, kế thừa các thành tựu y học cổ truyền ở các địa phương, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng phương pháp Đông - Tây y kết hợp; củng cố các khoa y dược dân tộc trong các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện. Tiếp tục phục hồi và phát triển vườn cây thuốc Nam ở các địa phương. Khuyến khích phát triển, thành lập mới các cơ sở y học cổ truyền có chất lượng cao.

Năm là, từng bước tăng mức đầu tư ngân sách Nhà nước, kết hợp khai thác tốt các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế, tập trung cho mục tiêu đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

Sáu là, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục, vận động, đa dạng hóa các loại hình rèn luyện sức khỏe trong nội bộ ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể mình. Các cấp chính quyền tăng cường phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt quy chế quản lý nhà nước về y tế ở cơ sở.

Bảy là, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe hướng mạnh về cơ sở thông qua nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp đối với từng vùng, từng địa phương; chú ý phổ biến những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của nhân dân về tự chăm lo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tám là, đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa công tác y tế, từng bước xã hội hóa việc liên kết đầu tư trang thiết bị y tế, phục vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực y tế ngoài công lập. Đồng thời, tăng cường vận động, khuyến khích các hoạt động nhân đạo, từ thiện hỗ trợ tuyến y tế cơ sở, góp phần chăm lo sức khỏe cho nhân dân ngay tại cơ sở ngày càng tốt hơn.

Ngô Minh Hòa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất