Đi liền với mục tiêu phát triển giáo dục phổ thông là các nhiệm vụ và giải pháp cho vấn đề này đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết:
- Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
- Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.
- Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn. Biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng học, chú ý đến học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật.
Nhằm triển khai nội dung trong Nghị quyết 29 về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, khắc phục những hạn chế, yếu kém của chương trình giáo dục phổ thông trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang khẩn trương tiến hành xây chương trình giáo dục phổ thông mới 2015 với từng bước đi và lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và dư luận xã hội, vấn đề đổi mới chương trình và sách giáo khoa còn nhiều điều cần phải quan tâm. Về lịch sử phát triển giáo dục nước nhà, đã có nhiều lần sửa đổi, viết lại chương trình và sách giáo khoa với đầu tư khá lớn cả công sức và tài chính nhưng hiệu quả chưa cao. Mỗi lần thay đổi chương trình là mỗi lần làm xáo trộn công việc dạy - học, quản lý... của toàn ngành. Nguyên nhân là do chưa có các giải pháp tối ưu, đồng bộ trong tiến trình đổi mới; việc tổng kết, đánh giá đổi mới chương trình và sách giáo khoa chưa thực sự khách quan, khoa học, nặng về báo cáo thành tích… làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chương trình và sách giáo khoa, vừa không phù hợp với khả năng người học, vừa xa rời thực tiễn và đòi hỏi của cuộc sống.
Trước những quyết tâm cao của ngành Giáo dục và Đào tạo để đưa Nghị quyết vào cuộc sống nhằm khắc phục những bất cập trong chương trình và sách giáo khoa hiện nay, dư luận xã hội cũng còn nhều băn khoăn về tính khả thi ở một số vấn đề mà ngành đang triển khai liên quan đến kết quả, chất lượng của đổi mới giáo dục phổ thông thời gian tới. Cụ thể như các vấn đề: lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chất lượng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau khi đổi mới; công tác tài chính phục vụ việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hiệu quả của việc áp dụng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đối với việc thực thi chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tính khả thi, tính khoa học trong giải pháp tổng thể cho việc triển khai chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra.
Đổi mới chương trình và sách giáo khoa là một vấn đề lớn, phức tạp. Một số yếu tố liên quan tới chất lượng, hiệu quả của vấn đề này cần được phân tích, đánh giá và cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo cho tính khả thi của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về phát triển giáo dục phổ thông. Cụ thể như:
Việc triển khai đổi mới cần bám sát quan điểm chỉ đạo về đổi mới mục tiêu và chương trình đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI). Cần hệ thống hóa các quan điểm của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; lưu ý quán triệt sâu sắc quan điểm đổi mới chương trình của Nghị quyết là: "Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành.".
Lộ trình thực hiện đổi mới chương trình và SGK cần thể hiện rõ trong từng công việc cụ thể và đặc biệt chú trọng tính hiệu quả và có phương án điều chỉnh kịp thời những bất cập trong quá trình thực thi; cần hoàn thiện việc thiết kế chương trình, sau đó mới đến công việc viết sách giáo khoa và các loại tài liệu (không nên vừa thiết kế vừa thi công). Việc viết sách giáo khoa cần bám sát chương trình giáo dục đã được hoàn thiện.
Về phát triển chương trình: cần thể hiện rõ đây là quá trình mở, liên tục tiếp nhận các thông tin phản hồi, liên tục nâng cấp, hoàn thiện chương trình, làm cho chương trình ngày càng sát hợp và đáp ứng nhu cầu, ngày càng có hiệu quả.
Vấn đề liên môn, tích hợp: tránh tình trạng liên môn tích hợp mang tính cơ học, thiếu tính đồng bộ. Liên môn, tích hợp cần tạo ra cơ hội tiếp cận và hình thành tri thức tổng hợp ở người học.
Đổi mới chương trình và sách giáo khoa có tác động lớn tới cách dạy, cách học trong nhà trường, đặc biệt là cách thức đánh giá giáo viên và học sinh. Do vậy, đổi mới đánh giá, cần chú trọng việc chuyển từ đánh giá thiếu tin cậy, kém khách quan, tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học... sang đánh giá tin cậy, chính xác, khách quan, công bằng. Chuyển từ đánh giá chủ yếu trí nhớ học sinh sang đánh giá năng lực, phẩm chất. Chú trọng các giải pháp khai thác, sử dụng thông tin đánh giá để thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Nội dung quản lý việc xây dựng và thực hiện chương trình cần được nghiên cứu và có thể giao cho địa phương tự chủ phần được phân công để đảm bảo tính khả thi cho các vùng miền... Cần làm rõ phân cấp trong quản lý chương trình; tổ chức hoạt động dạy và học; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, giáo viên, từ đó đề ra những giải pháp về đào tạo giáo viên để thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội và trách nhiệm các cấp ủy và chính quyền địa phương về việc giám sát việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Khi xây dựng chương trình cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương là nâng cao phẩm chất, năng lực người học. Chương trình được xây dựng theo hướng mở, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác chuẩn đầu ra cho từng cấp học.
Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, nhiều bộ sách giáo khoa không có nghĩa là quá nhiều, cần có giới hạn một số lượng nhất định. Sau khi chương trình được Nhà nước phê duyệt và ban hành, các cơ sở đào tạo sư phạm, các nhà giáo, nhà khoa học có thể tham gia viết sách giáo khoa, Nhà nước lập ra một Hội đồng khoa học để thẩm định bộ sách đạt yêu cầu theo đúng chương trình đã ban hành mới cho sử dụng trong hệ thống trường phổ thông. Việc làm sách giáo khoa cũng nên chọn hướng xã hội hóa để tránh sử dụng tốn kém nguồn ngân sách nhà nước.
Đào Nguyên Phúc
Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương