Thứ Hai, 2/12/2024
Nhịp cầu Công Thương
Chủ Nhật, 26/11/2023 10:23'(GMT+7)

Bộ Công thương tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm

NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước. Các hệ thống phân phối hiện đại như hệ thống Saigon Co.op có trên hàng nghìn điểm bán, trong đó số cửa hàng Co.op Food đang hoạt động hiệu quả trên toàn quốc là 571 cửa hàng, góp phần cung cấp bữa ăn hàng ngày cho hàng triệu gia đình Việt Nam với tiêu chí kinh doanh hàng đầu “an toàn - tiện lợi - tươi ngon”. Hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam có 21 trung tâm bán sỉ và siêu thị trên toàn quốc cùng với 5 trạm thu mua và cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 2000 đối tác cung ứng sản phẩm. Hệ thống WinCommerce, chuỗi bán lẻ lớn với hơn 3.500 siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại 62 tỉnh thành trên cả nước, thu mua và tiêu thụ khoảng 83.000 tấn nông sản mỗi năm. Trong đó, hơn 50% là rau củ quả và trái cây thu mua từ các nhà cung cấp địa phương. Hệ thống Big C và GO! với 72 cửa hàng tại khắp các tỉnh thành, cung cấp các thực phẩm đa dạng, tươi mới.

Hiện nay, có một xu hướng mới là tổ chức các chuỗi cửa hàng nhỏ cung ứng đặc sản địa phương, thực phẩm an toàn như Sói Biển với 45 cửa hàng tại Hà Nội, chuỗi Bác Tôm, chuỗi EcoFood, … đóng góp vào việc phân phối thực phẩm theo xu hướng phân phối hiện đại, truy xuất được nguồn gốc từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối truyền thống cũng có sự chuyển mình. Các địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng thí điểm chợ an toàn thực phẩm. Đến tháng 10/2023, toàn quốc đã có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Bộ Công Thương đã lồng ghép nội dung này trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển nông thôn mới. Theo các tiêu chí số 7 liên quan đến hạ tầng thương mại, những địa bàn được đánh giá là nông thôn mới nâng cao cần phải có những mô hình chợ an toàn thực phẩm. Nội dung này đã được đưa vào Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn vừa qua, kênh thương mại điện tử ngày càng hoàn thiện và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Nhiều kênh thương mại điện tử cũng tổ chức các gian hàng an toàn thực phẩm trên không gian số như Lazada, Shopee, …

Hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Vụ Thị trường trong nước triển khai Chương trình Kết nối tiêu thụ nông sản Việt an toàn trên không gian mạng.

Để đạt được những kết quả nêu trên, Bộ Công Thương đã triển khai về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh qua hàng trăm buổi tập huấn đã được tổ chức, đào tạo hàng triệu người lao động trong hệ thống phân phối kiến thức về an toàn thực phẩm. Mặt khác, Bộ Công Thương đã làm tốt việc lồng ghép vào các chương trình kinh tế xã hội như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình xúc tiến thương mại với hàng nghìn cuộc kết nối cung - cầu góp phần đưa hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm vào các kênh phân phối.

Các hội chợ xúc tiến thương mại cũng là một kênh kết nối hàng hoá thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng khi hằng năm có hàng nghìn hội chợ thương mại từ quy mô lớn cho đến các phiên chợ các vùng miền. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hơn xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí về quản lý an toàn thực phẩm đã góp phần chuẩn hóa các mặt hàng được  hệ thống phân phối hiện đại thu mua. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hoá đã đưa sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vào sâu rộng thị trường.

Các Đề án đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình OCOP Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), Chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình xúc tiến tiêu thụ hàng hoá thương mại điện tử quốc gia, … đã tạo ra những điểm bán hàng mới có vị trí thuận tiện, thu hút người tiêu dùng và khách du lịch tham quan, mua sắm các hàng hoá đặc sản đặc trưng của địa phương.

Việc thu mua hàng hóa hai chiều cho bà con vùng đồng dân tộc thiểu số cũng góp phần tiêu thụ hàng hoá ở những vùng đặc biệt khó khăn của các tỉnh. Đáng chú ý, một trong những hoạt động đẩy mạnh để phát triển kênh phân phối thực phẩm an toàn là Chương trình bình ổn thị trường.

Hàng năm, khoảng 3 tháng trước Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương luôn có văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị số 13 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, an toàn thực phẩm được ưu tiên được lồng ghép trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về quản lý nhà nước, sản xuất và phân phối thực phẩm, các đơn vị quản lý thị trường để bảo đảm tổ chức hoạt động kết nối và phân phối thực phẩm có giá thành bình ổn. Đặc biệt, là an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu, được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như gạo, thịt lợn, trứng, dầu ăn, thuỷ hải sản, rau củ, bánh kẹo…

Đây chính là một kênh phân phối sẽ tiếp tục được mở rộng, góp phần bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng, giúp cho thị trường được bình ổn, để người dân từ mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp có thể tiếp cận hàng hóa chất lượng với giá thành hợp lý.

Mặc dù đã có nỗ lực trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, song việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn tồn tại một số bất cập: mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở; các hình thức kinh doanh trên nền tảng số ngày một đa dạng, khó quản lý; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý diễn biến phức tạp…

Theo Cục An toàn thực phẩm, tại Việt Nam, 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế.

TẬP TRUNG VÀO 5 NHÓM GIẢI PHÁP

Để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ gồm tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ kiện toàn, giao một đơn vị giữ vai trò đầu mối tham mưu Lãnh đạo Bộ trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và lồng ghép an toàn thực phẩm thành nhiệm vụ thường xuyên, gắn với nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng của từng đơn vị trong Bộ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Đồng thời, xây dựng, đề xuất biện pháp phù hợp với thực tế để phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương còn có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn…

Tuy nhiên, khi thay đổi mô hình quản lý theo hướng thống nhất một đầu mối, lồng ghép an toàn thực phẩm thành nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các bộ, ngành, đơn vị, Bộ Công Thương cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, hệ thống thông tin hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành để việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đạt hiệu quả.

Nam Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất