(TG) - Năm 2023, trước những biến động từ thế giới và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nhiều thị trường lớn đã giảm nhập khẩu các loại thủy hải sản từ Việt Nam. Song những tín hiệu tích cực những tháng cuối năm khi các thi trường tiềm năng đã có dấu hiệu phục hồi để nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam, dự báo nhiều tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp.
Chia sẻ với báo chí, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại An Giang cho biết, cái khó hiện nay là kim ngạch xuất khẩu lẫn giá bán đều giảm sâu. Giá xuất sản phẩm phi-lê vào thị trường Hoa Kỳ trong 9 tháng qua giảm mạnh, giá bình quân chỉ còn 2,92 USD/kg (giảm 44% so cùng kỳ năm 2022). Còn thị trường Trung Quốc cũng từ giá xuất ở mức 2,09 - 2,1 USD/kg. Đây là 2 thị trường chính, tiêu thụ lượng lớn cá tra của các doanh nghiệp trong nước.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu cá nói riêng cũng đang có những cơ hội mới.
Theo các chuyên gia thủy sản, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8.2020 đã mang lại nhiều ưu đãi, tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng thủy sản của Việt Nam, và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết trong 3 tháng đầu năm, tình hình tiêu thụ cá tra tương đối thuận lợi, tuy nhiên từ cuối quý I/2023 đến nay, do tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, số đơn hàng xuất khẩu ít trong khi sản phẩm chế biến tồn kho còn nhiều, dẫn đến tình hình tiêu thụ cá tra tương đối chậm…
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, VASEP cho biết, sau 3 tháng liên tục giảm, tháng 9.2023 xuất khẩu cá tra sang Đức đã tăng trở lại khi thị trường này mua gần 6 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nửa đầu tháng 10.2023, xuất khẩu cá tra sang Đức đạt kim ngạch gần 2 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến 15.10.2023, quốc gia châu Âu này tiêu thụ hơn 30 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ đang tìm mua một lượng lớn phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Bên cạnh đó, doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường Trung Quốc.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong 2 tháng cuối năm, thị trường Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện nhu cầu tiêu dùng, đây là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, giai đoạn cuối năm với các lễ hội lớn, tiếp đó là Tết Nguyên đán ở châu Á sẽ giúp mức tiêu thụ tôm gia tăng.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược dài hạn để sản phẩm cá tra xuất ra thế giới vừa ngon, vừa có giá tốt; chất lượng đảm bảo, tiện ích, thân thiện môi trường.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, với điều kiện thị trường phục hồi và nguồn nguyên liệu ổn định, năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỉ USD.
Tính tới hết tháng 10/2023, tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm đạt khoảng 320 triệu USD, giảm 11% so với tháng 10/2022.
Theo VASEP, diễn biến xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm và năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào những biến động trên thị trường Hoa Kỳ. Khối lượng nhập khẩu tôm bắt đầu hồi phục, tuy nhiên, giá nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu giảm không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam mà ngành tôm Ấn Độ cũng lao đao.
Ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới trong hơn một năm qua. Tại Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%. Dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Hoa Kỳ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này./.
Tuấn Việt