Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 28/11/2011 14:31'(GMT+7)

Bộ đội Biên phòng kết nghĩa với hộ nghèo-mô hình hay nơi vùng biên giới

Thiếu uý Võ Trí Dũng giúp vợ chồng A Uy phương cách chăm sóc vườn rau.

Thiếu uý Võ Trí Dũng giúp vợ chồng A Uy phương cách chăm sóc vườn rau.

Đồn biên phòng 705 (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) được giao quản lý, bảo vệ 13,5 km giáp nước bạn Campuchia. Khu vực xã biên giới Rờ Kơi có 5 thôn với 954 hộ dân của 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98% số dân trong toàn xã. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng do đặc thù của vùng biên giới, giao thông không thuận lợi, trình độ nhận thức hạn chế…, nên đến nay, xã Rờ Kơi vẫn là một địa phương khó khăn nhiều mặt, kinh tế xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo khá lớn.

Trước tình hình trên, từ tháng 8/2010, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng 705 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ cơ sở và kết nghĩa với các hộ gia đình khó khăn, nhằm giúp các hộ thay đổi nhận thức trong cách làm ăn, phát triển kinh tế từ chính sức lao động của mình. 5 đảng viên là sĩ quan của Đội vận động quần chúng đã tình nguyện mang ba lô về ở hẳn với 7 hộ gia đình nghèo được kết nghĩa.

Tại đây, các anh đã cùng ở, cùng làm, cùng sinh hoạt với bà con và hướng dẫn các hộ này thay đối nhận thức từ việc sinh hoạt trong gia đình, giữ vệ sinh cá nhân đến cách vận dụng các cải tiến kỹ thuật vào sản xuất… Ban đầu từ chỗ chưa quen lắm, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, dần dà những thành viên trong các hộ gia đình này đã quen dần với nếp sống mới, suy nghĩ mới trong cung cách làm ăn và đã biết làm giàu chính đáng.

Có những đồng bào trước đây chỉ lo ăn chơi, rượu chè say sưa, nhưng nhờ BĐBP tận tình động viên, phân tích hậu quả của việc lười biếng lao động, những thói xấu của việc bê tha trong rượu chè… thì nay đã trở thành những  người siêng năng lao động, biết chi tiêu tiết kiệm và tích lũy. Đó là các hộ gia đình A Tường (5 nhân khẩu) ở thôn Đăk Đe, A Phương (7 nhân khẩu) ở thôn Kram, A Uy ở thôn Đăk Đe…

Đại Võ Văn Bình- Chính Trị viên Đồn 705 cho biết: “Xuất phát từ tình hình trên, chấp hành Nghị quyết của Đảng uỷ BĐBP Kon Tum về việc xây dựng mô hình điểm giúp dân phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội, giúp các gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo, Đồn 705 đã phối hợp với Đảng uỷ xã Rờ Kơi xây dựng kế hoạch đưa 5 đảng viên đội công tác địa bàn về tham gia sinh hoạt tại 5 chi bộ, tổ chức kết nghĩa với 7 hộ nghèo. Chỉ qua một năm thực hiện đã có một số gia đình thoát nghèo, nhiều bà con quanh làng học hỏi làm theo những mô hình trồng trọt, chăn nuôi do bộ đội hướng dẫn…”

Anh A Gun 36 tuổi ở thôn Khúc Long, văn hoá mới lớp 5/12, gia đình có 5 khẩu. Vừa mới tách hộ ở riêng nhưng A Gun không chịu khó làm ăn mà hay rượu chè say sưa, ỷ lại vào sự cứu đói của Nhà nước. Mặc dù cả hai vợ chồng đều còn trẻ, có sức khỏe, có đất đai song vợ chồng A Gun không biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt chăn nuôi, không có nguồn vốn để thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế gia đình… Đồn BP 705 đã cử Đại úy, Đội phó vận động quần chúng- Nguyễn Thành Nhân kết nghĩa với A Gun. Lễ kết nghĩa có sự chứng kiến của chi bộ, cơ quan Biên phòng, già làng Khúc Long, gia đình A Gun . Hai bên nắm tay hứa hẹn thực hiện tốt nội dung cam kết.

Sau lễ kết nghĩa, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho A Gun về chủ trương chính sách, pháp luật anh Nhân còn hướng dẫn cách ăn ở, sinh hoạt sao cho hợp vệ sinh, thay đổi lối sống thiếu hợp lý trước đây của người thiểu số vùng sâu. Cùng với khoản vốn 300 ngàn đồng do Đồn 705 hỗ trợ, Nhân còn bỏ tiền túi hơn 1 triệu đồng mua cho vợ chồng A Gun 1 cặp heo. Gần 1 năm sau, A Gun bán cặp heo này được 2,5 triệu đồng, mua lại 2 con giống 1,5 triệu đồng, còn dư 1 triệu đồng.

Tận dụng đất vườn, được sự hướng dẫn chu đáo của bộ đội Biên phòng, đến nay A Gun đã trồng được 2 vườn rau, 2 giàn bầu bí, cải tạo rẫy trồng cao su, bời lời và trồng 3,9 ha mì. Và một itn mừng với A Gun nữa là, trong thời gian tới, UBND xã Rờ Kơi sẽ cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 705 xây nhà Đại đoàn kết cho A Gun để giúp anh thoát nghèo bền vững….

A Uy năm nay 34 tuổi ở làng Đăk Đe, được thiếu Võ Trí Dũng giúp đỡ trong một năm cũng biết cách thoát nghèo. Khi được lãnh đạo đồn phân công giúp gia đình A Uy, Dũng đã mua tặng cho họ 1 cặp heo giống làm vốn, giúp cho 1 đàn gà 11 con…. A Uy cho biết: “Vườn rộng hơn 700m2, trước đây nhà A Uy chỉ để cỏ mọc, không biết trồng cái gì. Năm ngoái bộ đội Dũng về giúp trồng 2 vườn rau, nên bây giờ lúc nào nhà cũng có rau xanh, bầu có bí ăn không phải mua bên ngoài. Bộ đội còn hướng dẫn cách trồng trọt chăn nuôi như thế nào cho có hiệu quả, ốm đau xuống bệnh viện chứ không cúng bái như trước. Gia đình A Uy được Nhà nước hỗ trợ cho 1 con bò mẹ, trước chỉ biết thả rông, giờ A Uy đã biết cách làm chuồng cho bò ở để lấy phân và trồng cỏ, cắt cỏ về cho bò ăn…”.

Mô hình cán bộ đảng viên kết nghĩa với gia đình có hoàn cảnh khó khăn vừa được Bộ đội Biên phòng Kon Tum đánh giá, rút kinh nghiệm. Ngoài việc làm thay đổi nhận thức của một hộ gia đình trong buôn làng, đã có sự lan toả của mô hình đó ra xung quanh khiến cả một một nhóm cộng đồng chuyển biến vươn lên khởi sắc trong cuộc sống. Và cũng từ mô hình điểm ở xã Rờ Kơi có những hiệu quả thiết thực, Bộ Chỉ huy Biên phòng Kon Tum đã có kế hoạch nhân rộng mô hình BĐBP kết nghĩa với các hộ nghèo trên 10 xã biên giới với 33 cán bộ, đảng viên, tham gia…

Phi Em

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất