Địa phương, trường đại học ủng hộ duy trì kỳ thi THPT đến hết 2020
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, trường đại học nêu ý kiến ủng hộ duy trì kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020.
Đại diện tỉnh Phú Thọ, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá cao chủ trương đổi mới thi cử trong những năm qua của ngành giáo dục, giảm áp lực cho học sinh.
“Vừa qua xảy ra sự cố thi cử, hoan nghênh Bộ quyết liệt xử lý. Dư luận khá đồng tình với cách thi của Bộ hiện nay, tuy nhiên để hạn chế gian lận cần hoàn thiện thêm các giải pháp kỹ thuật để bịt hết các kẽ hở”, đại diện tỉnh Phú Thọ nói.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cũng cho rằng, nhân dân đồng thuận với kỳ thi hiện nay, “có những vấn đề xảy ra thì Bộ phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, xử nghiêm các sai phạm để lấy lại niềm tin của dân”.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cũng ủng hộ cách thi hiện nay.
“Sự cố gian lận thi cử ở 2 tỉnh Hà Giang, Sơn La là rất đau lòng, những nơi làm nghiêm túc rất bức xúc, đề nghị Bộ GD-ĐT phải làm rõ sai phạm, xử lý nghiêm”, đại diện tỉnh Kiên Giang phát biểu.
Đồng thời cho rằng, Bộ GD-ĐT nên rút kinh nghiệm sớm, sâu sắc, nghiêm túc, hoàn thiện giải pháp để hoàn thiện phương án thi. Kiên Giang cho rằng kỳ thi THPT quốc gia nên duy trì ổn định, không nên thay đổi làm xã hội rối loạn, nhưng cần bịt những lỗ hổng có thể gây gian lận. Việc rút kinh nghiệm cũng cần làm sớm, không để chậm như vừa qua, để việc nguội xuống mới rút kinh nghiệm.
GS Trần Thọ Đạt phát biểu ý kiến
Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, GS Trần Thọ Đạt cũng cho biết, những năm qua trường ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp với các tỉnh làm thi THPT quốc gia, về cơ bản trường dựa vào kỳ thi để tuyển sinh.
“Khi sự cố xảy ra, trường lo lắng, nhưng không có gì là toàn diện 100%. Đầu vào là một căn cứ quan trọng nhưng không phải là quyết định, trường luôn sàng lọc. Tôi luôn nói với sinh viên hãy quên điểm số phổ thông đi, quá trình học đại học mới là quan trọng để khẳng định đầu ra”, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm.
Ông Trần Thọ Đạt kiến nghị, tiếp tục duy trì kỳ thi đến hết 2020 nhưng cần cải thiện một số khâu.
“Đề thi tốt phải bảo đảm có sự phân hóa, “để em yếu thì không thể tốt nghiệp, em khá thì tốt nghiệp khá, giỏi thì tốt nghiệp giỏi. Bộ phận ra đề cần rút kinh nghiệm để bảo đảm phân hóa, có phản biện ra đề thi, tránh tình trạng năm thì dễ năm thì khó. Khi đề thi có sự phân hóa thì trường ĐH hoàn toàn có thể dựa vào đó để xét tuyển”, ông Đạt nói.
Với khâu coi khi, GS Trần Thọ Đạt khẳng định trường đại học phải tham gia, không thể không gia ở các khâu, không thể được để một đối tượng ngồi cùng phòng thi. Chấm thi thì phải chấm chéo, chấm theo cụm, không để tỉnh chấm cho mình, bộ cần cải tiến công nghệ chấm thi.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, Bộ GD-ĐT đã thẳng thẳng thắn chỉ ra các vấn đề của ngành. Với Kỳ thi THPT quốc gia, bà Minh cho hay hiện Ủy ban đang khảo sát về kỳ thi này, Ủy ban cũng đã làm việc với bộ GD-ĐT.
“Dù đã có nhiều cố gắng nhưng rõ ràng kỳ thi vẫn còn nhiều khâu chưa ổn, bộ GD-ĐT cần nhìn thấy những thiếu sót của mình để hoàn thiện kỳ thi cả từ khâu coi thi, chấm thi, đề thi, vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT cũng chưa được phát huy tối đa”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhận xét.
Vấn đề đề thi phải đạt chuẩn, bảo đảm phân hóa để vừa xét tốt nghiệp, vừa có thể tuyển sinh. “Kỳ thi có sự cố, quy chế thi còn những điểm cần hoàn thiện nhưng không thể vì thế mà phủ nhận, cần hoàn thiện kỳ thi để làm tốt hơn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu.
|