Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 5/12/2008 21:49'(GMT+7)

"Bỏ kỳ thi tuyển sinh vào CĐ là phương án khả thi"

Một phòng thi vắng thí sinh của đợt thi CĐ năm 2008

Một phòng thi vắng thí sinh của đợt thi CĐ năm 2008

Kỳ thi tuyển sinh năm 2008, tuy các trường CĐ có đợt thi riêng nhưng đã có hơn 100 trường không tổ chức thi, sử dụng kết quả thi theo đề chung của bộ để xét tuyển. Do đó, năm 2009 là thời điểm khả thi để thực hiện bỏ kỳ thi tuyển sinh vào CĐ.

Vụ Giáo dục ĐH cho biết, hôm nay (5/12) là hạn cuối cùng các trường phải đóng góp ý kiến việc thực hiện chủ trương năm 2009 tất cả các trường CĐ không tổ chức thi tuyển, mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi ĐH của thí sinh theo đề thi chung của Bộ, có cùng khối thi. Tuy vậy, tính đến chiều 3/12, Bộ nhận được 37 trường CĐ có ý kiến về việc bỏ thi CĐ vào năm 2009. Trong đó, có đến hơn 70% ý kiến các trường đồng thuận với chủ trương bỏ thi CĐ.

Vẫn quy định mức điểm sàn cho hệ CĐ

Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết, dù không tổ chức thi tuyển sinh riêng cho các trường CĐ, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn sẽ quy định mức điểm sàn riêng cho từng khối thi đối với hệ CĐ. Các trường CĐ, hệ CĐ trong các trường ĐH sẽ xét tuyển theo mức điểm sàn này.

Trước quyết định đột ngột này của Bộ GD&ĐT, nhiều trường ĐH và CĐ băn khoăn về việc đề thi sẽ ra như thế nào để đáp ứng được yêu cầu “hai trong một” này. Như vậy, để đáp ứng yêu cầu bỏ kỳ thi tuyển sinh CĐ, Bộ sẽ phải tổ chức xây dựng lại cấu trúc đề thi, mức độ yêu cầu phân loại thí sinh cho hai hệ học cũng như thang điểm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Long cho rằng sẽ không có sự điều chỉnh nào lớn về đề thi. Đề thi của hai đợt thi tuyển sinh ĐH sẽ vẫn ra theo định hướng như mọi năm đảm bảo các nguyên tắc: nằm trong chương trình phổ thông, có sự phân hóa cao sẽ thỏa mãn được đồng thời yêu cầu xét tuyển của các trường ĐH và các trường CĐ.

Nhưng để phù hợp với yêu cầu xét tuyển của các trường CĐ yếu tố đóng vai trò quan trọng và trực tiếp trong việc thực hiện xét tuyển bằng kết quả thi ĐH của các trường CĐ sẽ là điểm sàn chứ không phải đề thi. Theo đó, Bộ sẽ căn cứ trên mặt bằng kết quả thi cụ thể của thí sinh, nhất là số thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường CĐ và chỉ tiêu tuyển mới của hệ CĐ để xác định điểm sàn thấp hơn của ĐH nhưng phù hợp với yêu cầu tuyển sinh CĐ.

Bỏ thi CĐ nhưng thí sinh vẫn có 3 cơ hội vào ĐH, CĐ như trước. Nghĩa là, đối với thí sinh thi “nhờ” các trường ĐH để lấy kết quả xét tuyển CĐ vẫn nhận được đủ giấy chứng nhận kết quả thi số 1, và số 2, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, để xét tuyển vào các trường khác còn chỉ tiêu...

Bỏ thi tuyển để giảm thí sinh “ảo”

Tuy hiện nay, mới chỉ có gần 40 trường đưa ra ý kiến của mình nhưng có đến 70% là ý kiến đồng ý bỏ kỳ thi tuyển sinh CĐ. Quan điểm của các trường là bổ kỳ thi này sẽ bớt tốn kém rất nhiều cho các trường trong cả khâu tiền bạc, thời gian lẫn nhân lực. Và điều quan trọng hơn, bỏ kỳ thi này sẽ giảm thiểu tối đa lượng thí sinh ảo.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2008 đã có gần 100 trường CĐ không tổ chức thi mà sử dụng kết quả thi ĐH, CĐ theo đề thi chung để xét tuyển. Nếu chủ trương bỏ thi CĐ nhận được sự đồng thuận của các trường thì tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm tới sẽ giảm đáng kể lượng thí sinh “ảo” và giảm tốn kém cho xã hội.

Con số thống kê do Vụ Giáo dục Đại học đưa ra cho thấy, số thí sinh “ảo” ở mùa tuyển sinh năm 2008 cả 3 đợt khoảng trên dưới 1 triệu trong tổng số 2,2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi.

Riêng đợt thi CĐ, tỷ lệ thí sinh đến dự thi chỉ đạt trên 67% so với số hồ sơ đăng ký. Thực tế, tình trạng thí sinh “ảo” trong đợt thi vào các trường CĐ khá phổ biến trong nhiều năm qua bởi nhiều thí sinh chỉ đăng ký thi CĐ nhằm mục đích “dự bị” phòng khi trượt ĐH.

Việc tổ chức thi CĐ trong mấy năm gần đây không mấy hiệu quả. Theo ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, số lượng thí sinh “ảo” khi đăng ký dự thi CĐ rất lớn, trong khi lượng dự thi ít khiến nhiều trường khó khăn trong xét tuyển. Ông Khôi cho rằng, nếu ngay từ đầu, thí sinh nào thấy sức học không đủ, sẽ phải xét vào trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề, điều đó vừa giúp phân luồng đào tạo vừa giúp giảm chi phí thi cử.

Trường bị động chờ xét tuyển

Việc bỏ thi CĐ đang gây nhiều ý kiến trái chiều bởi theo lãnh đạo một số trường, bớt đi kỳ thi CĐ có nghĩa là giảm đi một cơ hội trúng tuyển của thí sinh. Mặt khác, khi tổ chức thi thì các trường sẽ tuyển được đúng đối tượng thí sinh có nguyện vọng vào học tại trường, thay vì đăng ký xét tuyển “đại” để có một cơ hội học tập.

Nhưng điều mà khá nhiều trường cao đẳng tỏ ra lo lắng khi tổ chức xét tuyển bằng kết quả thi tuyển sinh ĐH là sẽ rơi vào trạng thái bị động, ngồi chờ thí sinh.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc xét tuyển này cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh. Với việc bỏ kỳ thi tuyển sinh CĐ, các trường ĐH lần lượt lấy các thí sinh giỏi, tiếp đến là các trường “top giữa” và “top dưới”, vậy còn lại thí sinh nào cho trường CĐ? Như vậy, nhược điểm của phương án này là không đào tạo đúng người muốn học?

Bên cạnh đó, việc xét tuyển cũng khiến các trường sợ rơi vào tình trạng chậm tuyển sinh theo lịch trình Bộ đã đề ra trong những năm gần đây. Hiện nay, để hoàn thành việc xét tuyển 3 nguyện vọng thì cũng đã đến giữa tháng 10, nếu các trường cao đẳng cùng tham gia vào quy trình xét tuyển này thời gian còn kéo dài hơn nữa. Lấy năm 2008 gần nhất đem so sánh, đã có trường đến cuối tháng 11 mới tuyển sinh xong và chấp nhận gọi điểm rất thấp để đủ chi tiêu.

(Theo VnMedia)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất