Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 26/11/2008 21:56'(GMT+7)

Những vấn đề “nóng” trong giáo dục ở đồng bằng Bắc Bộ

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo Hội nghị

“Bệnh thành tích” vẫn là điểm yếu nhất

Mặc dù là khu vực dẫn đầu cả nước về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm qua nhưng báo cáo tổng kết tại Hội nghị đã chỉ rõ một số trường học tại khu vực này triển khai thực hiện các cuộc vận động còn hình thức, kém hiệu quả, có tổ chức ký cam kết nhưng không tổ chức thảo luận và không có nội dung cam kết cụ thể.  Trong 4 nội dung của cuộc vận động “Hai không” thì “bệnh thành tích” vẫn là điểm yếu nhất trong một số cơ sở giáo dục như  hữu khuynh, nể nang trong đánh giá, xếp loại học lực, đạo đức học sinh yếu; tâm lý “dĩ hoà vi quý ”, ngại va chạm với những vấn đề “gai góc” trong nhà trường; vẫn còn hiện tượng lãnh đạo cơ sở chậm báo cáo cấp trên những biểu hiện tiêu cực trong nhà giáo và học sinh.  Cơ sở vật chất - kỹ thuật của một số nhà trường còn gặp khó khăn như khuôn viên trường học còn chật hẹp, thiếu phòng học, thiếu các phòng thực hành thí nghiệm, phòng học bộ môn....nên việc khai thác, sử dụng trang thiết bị thí nghiệm ở các trường này chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học một số môn học. Việc thực hiện cuộc vận động “Hai không”  ở một số trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trường dân lập, tư  thục chưa đều, chưa thật mạnh và thiếu chiều sâu.

Theo báo cáo của các sở trong khu vực, từ đầu năm học đến nay, chưa có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, ở một số tỉnh vẫn còn hiện tượng giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm chưa đúng quy định (chủ yếu ở các thành phố, thị xã, thị trấn). Hiện tượng này đã được các cấp quản lý chấn chỉnh kịp thời.

Tìm giải pháp cho “nạn” bỏ học

Thống kê sơ bộ về số liệu học sinh bỏ học học từ sau hè năm học 2007-2008 đến tháng 11- 2008 cho thấy, nhìn chung, số học sinh bỏ học trong vùng đồng bằng Bắc Bộ không cao. Bảo đảm học sinh tới lớp tốt nhất là cấp giáo dục tiểu học, có ít học sinh bỏ học, trong khi đó số học sinh bỏ học ở các cấp THCS, THPT, bổ túc THPT có chiều hướng cao hơn cấp tiểu học. Chẳng hạn ở Hưng Yên có 9 học sinh tiểu học bỏ học, trong khi có tới 397 học sinh THCS và 364 học sinh THPT bỏ học. Tổng số học sinh bỏ học của Vĩnh Phúc là 582 em (chiếm 0,02%)...

Theo phân tích, học sinh bỏ học do nhiều nguyên nhân. Một số học sinh THCS, THPT, bổ túc THPT có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, các em vừa học, vừa phải tham gia lao động giúp gia đình, ít có thời gian dành cho việc học, kết quả học tập ngày một sút kém và dẫn tới bỏ học.

Từ khi thực hiện cuộc vận động “Hai không”, việc kiểm tra, thi cử, đánh giá chặt chẽ hơn, tỉ lệ học sinh xếp loại học lực yếu kém, tỉ lệ lưu ban cao hơn hẳn các năm học trước, một bộ phận học sinh, nhất là học sinh thuộc các Trung tâm GDTX tự nhận thấy khó có thể vượt qua các kì thi nên đã thôi học để chuyển sang học nghề hoặc trực tiếp tham gia lao động kiếm sống.  Một số nhà trường chưa có biện pháp kịp thời phối hợp với địa phương, gia đình, đoàn thể để vận động học sinh ra lớp. 

Một nguyên nhân khác khá quan trọng là chương trình, sách giáo khoa một số môn, một số bài khá nặng so với trình độ học sinh, nhất là học sinh vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học khiến các giờ học vẫn khô khan, nặng nề và quá tải, gây tâm lí chán nản cho học sinh, nhất là học sinh học yếu kém, khiến các em không muốn đi học.  Một số ít học sinh bỏ học do ốm đau, sức khỏe yếu…

Trước tình hình trên, các sở GD&ĐT đang tập trung áp dụng một số giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Sở chỉ đạo các phòng GD&ĐT huyện, thành phố, các nhà trường nhất là đội ngũ giáo viên đi sát học sinh, có kế hoạch động viên, vận động học sinh đi học. Đồng thời tích cực rà soát, phân loại trình độ học lực của học sinh, phân công giáo viên kèm cặp, giúp đỡ, từng bước nâng trình độ học sinh, hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng học sinh vì học yếu, kém dẫn đến bi quan, chán học và nghỉ học. Phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể để làm tốt công tác liên kết giáo dục, nhà trường - gia đinh- xã hội.

Rút kinh nghiệm trong chấm thi tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008

Là khu vực có kết quả thi cao nhất nước, được đánh giá cao trong công tác chỉ đạo, tổ chức,  quản lý thi và trật tự an toàn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng  3 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ trong 20 tỉnh được Bộ GD&ĐT chỉ định chấm thẩm định lại bài thi là Bắc Ninh, Thái Bình và Hưng Yên vẫn phát hiện một số bài thi có vấn đề.

Trong thông báo của Bộ, kết quả chấm lại bài thi tốt nghiệp THPT ở ba tỉnh có một số bài chấm kết quả bị vênh so với biểu điểm. Cụ thể tại tỉnh Bắc Ninh khi chấm thẩm định bài thi ở các môn tự luận (Văn, Toán, Lịch sử), thanh tra phát hiện có 14 bài vênh từ 2 đến dưới 3 điểm, bài thi trắc nghiệm có 6 bài sai lệch nhỏ hơn 1 điểm. Sở GD& ĐT Bắc Ninh đã nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Tại tỉnh Thái Bình, trong số 213 bài thi môn Lịch sử được chấm thẩm định có 16 bài thi bị lệch dưới 1 điểm và 4 bài bị lệch từ 1 đến d­ưới 2 điểm do các lỗi giám khảo chấm vư­ợt điểm và cộng nhầm điểm. Như vậy tổng cộng số bài bị lệch dưới 2 điểm là 20/213 bài (9,4%). Sở GD&ĐT Thái Bình đã có thông báo yêu cầu các đơn vị có cá nhân sai sót nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm, phê bình, hạ danh hiệu thi đua... tùy theo mức độ sai sót, đồng thời tổ chức tìm các giải pháp khắc phục cho các kỳ thi sau.

Tại tỉnh Hưng Yên, một số bài có thay đổi từ 0,5 điểm trở lên được giải thích do nguyên nhân chủ yếu là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực của một bộ phận giám khảo còn hạn chế, một phần do sự thiếu thận trọng của giáo viên coi thi.... Sở GD&ĐT Hưng Yên đã ra công văn nhắc nhở, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm tới tất cả các đơn vị thuộc sở.

Theo ông Trần Bá Giao – Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, mặc dù việc thẩm định một số bài thi tốt nghiệp THPT không đặt ra vấn đề sửa lại kết quả thi, nhưng các Sở GD&ĐT của 3 tỉnh phải nghiêm túc rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo hội đồng chấm thi, kiểm điểm, phê bình đối với từng trường hợp cụ thể, đồng thời lấy đó làm bài học, tìm giải pháp khắc phục trong kỳ thi tốt nghiệp các năm sau./.

Vũ Phương,Báo Nhân dân

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất