Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 21/6/2012 21:23'(GMT+7)

Bộ phim tài liệu dung dị và xúc động về Bác Hồ

Tượng đài Bác Hồ ở Moscow, LB Nga

Tượng đài Bác Hồ ở Moscow, LB Nga

 "Tượng đài Bác Hồ giữa Thủ đô nước Nga" là tên bộ phim tài liệu do nhóm các tác giả Trần Cẩm, Duy Nghĩa, Lê Thắng và Việt Anh ở Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện. Lần đầu tiên người xem được tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời, tác giả và những việc làm tình nghĩa của nhân dân Nga trong quá trình xây dựng và gìn giữ tượng đài Bác Hồ tại Thủ đô LB Nga, thành phố Moscow.

Gặp gỡ NSUT Trần Cẩm- Trưởng Phòng Phim Tài liệu (Trung tâm phim tài liệu và phóng sự- Đài Truyền hình Việt Nam), tác giả kịch bản, đạo diễn và biên tập của bộ phim, chúng tôi được biết, bộ phim là một trong số một loạt phim “Theo chân Bác trên nước Nga Xô-Viết”.

Trong 8 tập phim được phát sóng thì bộ phim "Tượng đài Bác Hồ giữa Thủ đô nước Nga" là tập số 5. Đây cũng là tập phim được các tác giả phát đầu tiên vào ngày 2/9/2011. Ngay sau đó, bộ phim đã nhận được nhiều ý kiến khen ngợi của khán giả trong và ngoài nước.

Nhiều người trong chúng ta đã biết tượng đài Bác Hồ trên quảng trường Hồ Chí Minh, gần ga tàu điện ngầm Akademicherskaia ở phía Nam thủ đô Moscow vào năm 1991.

Bức tượng có hình ảnh Bác Hồ với nụ cười hiền hậu.  Vòng tròn quanh chân dung Bác là hình tượng mặt trời của Việt Nam, ẩn ý mơ ước về một Việt Nam với tương lai tươi sáng, phía sau là hai cây tre uốn cong, dường như đang cố gắng gồng mình chống lại bão tố. Hình tượng cây tre uốn cong, nhưng không thể  bẻ gãy giống như ý chí dẻo dai và  sức mạnh Việt Nam.

Thế nhưng ai là tác giả bức tượng này và những ai đã kỳ công bảo vệ tượng đài Bác trong những ngày giông bão trên chính trường nước Nga? Những câu hỏi ấy đã dẫn dắt đoàn phim tìm hiểu các thông tin liên quan và càng tìm hiểu thì họ càng tìm được những câu trả lời hết sức xúc động.

Tác giả của bức tượng là Nghệ sĩ Công huân, nhà điêu khắc Vladimia Tsigal, người được Giải thưởng Quốc gia Liên Xô và LB Nga, Viện sỹ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Liên Xô. Ông là người đã được cử sang Việt Nam để nghiên cứu, phác thảo và chỉ đạo xây dựng bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ở Thủ đô nước Nga.

Khi đoàn làm phim đến phỏng vấn, nhà điêu khắc Vladimia Tsigal đã 94 tuổi, trước đó ông không trả lời phỏng vấn bất kỳ ai, nhưng khi đoàn làm phim của Việt Nam vừa đặt chân đến nhà riêng của ông thì ông đã trò chuyện một cách hồ hởi.

Đối với nhà  điêu khắc, Vladimia Tsigal, lịch sử Việt Nam là lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước, cho dân tộc. Trân trọng lịch sử và nhân dân Việt Nam, kinh trọng và yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà điêu khắc Nga đã thổi hồn vào bức tượng.

Theo NSUT Trần Cẩm, càng tìm hiểu, nghiên cứu để làm phim, đoàn càng thấy người sáng tác là rất hào hoa và rất yêu  Việt Nam, rất hiểu văn hóa Việt Nam. Vì thế, bức tượng mang truyền thống văn hóa phương Đông, mang thông điệp của một dân tộc với hình ảnh cây tre, bông hoa sen và mặt trời đang lên, người thanh niên là biểu tượng nhân dân Việt Nam. Tượng đài ở quảng trường rộng 5ha, vị trí đẹp và rộng, là cửa hai ga tàu điện ngầm, hàng ngày mọi người đi qua chơi. Tượng đài cũng rất gần gũi với mọi người vì hàng ngày mọi người ngồi xung quanh chơi. Người nghệ sĩ sáng tác đã thổi hồn văn hóa Việt Nam và tình cảm, phong cách sống của Bác vào bức tượng. Bức tượng là nhân chứng biểu đạt của tình hữu nghị Việt- Xô mà Bác đã dày công vun đắp...

NSUT Trần Cẩm cho biết, trong bối cảnh biến động những năm 1990 của thế kỷ trước ở nước Nga thì việc dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Moscow chính là biểu tượng tình nghĩa của nhân dân hai nước. Đồng thời nhân cách của Bác Hồ tỏa sáng đã khiến những người bạn Nga thay nhau bảo vệ và làm tất cả mọi việc để giữ gìn tượng đài. Lúc đó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga- Việt là ông Titov từng được Bác Hồ coi như một người con. Ông đã nhiều lần gặp Bác Hồ khi Người còn sống, ông đã góp nhiều công dựng tượng đài.

Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng lên trong thời khắc khó khăn ấy ở nước Nga là điểm sáng, tạo nên hiệu quả cho bộ phim này.

"Tượng đài Bác Hồ được sáng tác xây dựng và bảo vệ bằng chính công sức những người bạn Nga  tài trí, dũng cảm, sáng tạo, thủy chung với t́ình cảm chân thành nhất. Đến đất nước Nga, càng tự hào hơn  về Bác, về sự lan tỏa của nhân cách một người Việt Nam vĩ đại"- những lời bình cuối bộ phim phát đi thông điệp: Nhân cách Hồ Chí Minh khiến bạn bè quốc tế hiểu Việt Nam, yêu quý Việt Nam, ủng hộ Việt Nam.

Lần thứ 2 được tặng giải A- Giải Báo chí quốc gia (lần đầu tiên vào năm 2007), NSTU- nhà báo Trần Cẩm rất vui và tự hào. Ông chia sẻ: Phần thưởng của giải báo chí là rất cao quí nhưng không có giải thưởng nào cao quí bằng tình cảm khán giả dành cho bộ phim, cho người làm báo.

Mai Hồng/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất