HỮU THỌ
(TCTG) - Đại hội lần thứ XI của Đảng xác định chức năng của báo chí nước ta là thông tin, giáo dục, tổ chức, phản biện vì lợi ích nhân dân và đất nước. Cho nên thông tin, bình luận, gây dựng và tổ chức phong trào quần chúng cũng như thực hiện phản biện xã hội đều cần nhớ mục tiêu vì nhân dân và đất nước, lúc này là góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Báo chí nước ta phát triển nhanh, đặc biệt rất nhanh trong thời kỳ đổi mới. Đến tháng 3/2012 đã có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm, có 67 đài phát thanh và truyền hình trung ương và địa phương. Thông tin điện tử ra đời muộn cũng phát triển rất nhanh, đã có 61 báo, tạp chí, 287 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn trang tin điện tử với sức phổ biến rất rộng. Đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp cũng ngày càng đông đảo, đã có hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.
Trong hoàn cảnh tình hình thế giới, trong nước sôi động và phức tạp, nhìn chung các cơ quan truyền thông nước ta được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá là đã thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện, đúng định hướng những diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế. Nhiều cơ quan đã có những sáng kiến thông tin giới thiệu những nhân tố tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực xã hội.
Song bên cạnh đó cũng có những khuyết điểm, trong một số trường hợp tỏ ra thiếu bản lĩnh và trách nhiệm khi thông tin những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế... vì lợi ích đất nước và nhân dân. Đặc biệt, có những thông tin sai sự thật, thậm chí bịa đặt, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.
Có tờ báo đã công phu ngồi đếm những dòng trong báo cáo tổng kết báo chí năm ngoái để thấy phần viết về khuyết điểm dài hơn phần viết về ưu điểm hơn một trăm từ!
Đánh giá đúng đắn công việc không thể căn cứ vào độ dài ngắn của bản kiểm điểm mà nên nhìn vào tính chất và hiệu quả mà đánh giá. Vì nhớ lại, có những năm, khi còn đương chức, đồng chí nguyên Thủ tướng đánh giá những thông tin về các vụ tham nhũng trên báo chí thì 80% là đúng, 10% có đúng, có sai và 10% là sai. Thực ra với số liệu đó, người làm báo đã có thể rung đùi thỏa mãn về “ưu điểm cơ bản” của mình, nhưng ngay trong lúc đó tôi đã nhắc nhở chớ vội chủ quan vì tính chất của các sai sót trên các cơ quan truyền thông đại chúng. Vì những sai sót trong thông tin, bình luận dễ động tới uy tín, số phận một con người, một gia đình, một tập thể, có khi làm phá sản một doanh nghiệp, làm lao đao một mặt hàng, thậm chí góp phần gây bất ổn xã hội... Thông thường khi có khuyết điểm thì chân thành nhận lỗi và sửa chữa, nhưng đặc điểm những sai sót của báo chí có khi không bao giờ sửa được, vì dù nhận ra thiếu sót đăng cải chính nhưng không phải người được đọc tin nêu khuyết điểm cũng có điều kiện đọc tin cải chính, đó là chưa kể ấn tượng sâu sắc của thông tin ban đầu không dễ gì xóa bỏ nhanh. Làm nghề gì thì cũng có thể có khuyết điểm, nhưng làm nghề báo thì cố gắng không để xảy ra sai sót hoặc hạn chế đến mức thấp nhất sự sai sót. Nghe tôi nói và viết thế, có bạn đồng nghiệp nói "sao ông yêu cầu cao thế?", tôi trả lời vì cái nghề nó thế cho nên phải rất cẩn trọng khi hạ bút, gõ máy. Để tránh sai sót cần có bản lĩnh khi xử lý, công bố thông tin và tính cẩn trọng nghề nghiệp theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa hiểu rõ, chớ nói, chớ viết”.
Đại hội lần thứ XI của Đảng xác định chức năng của báo chí nước ta là thông tin, giáo dục, tổ chức, phản biện vì lợi ích nhân dân và đất nước. Cho nên thông tin, bình luận, gây dựng và tổ chức phong trào quần chúng cũng như thực hiện phản biện xã hội đều cần nhớ mục tiêu vì nhân dân và đất nước, lúc này là góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thông tin nào hướng tới mục tiêu đó thì thông tin, cổ vũ, nhân rộng, ngược lại thông tin nào trái và có thể làm cản trở mục tiêu cao cả đó thì không nên, chưa nên thông tin.
Kỷ niệm lần thứ 87 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", giới báo chí được trao trách nhiệm thúc đẩy và giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, khẳng định những việc làm được, nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm, kiên quyết khắc phục để xứng đáng là chiến sĩ trên tuyến đầu đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái tốt, diệt trừ cái ác, cái xấu, hết lòng vì nhân dân với Ngòi bút trách nhiệm của nhà báo công dân trong tình hình mới./.