Việc sắp xếp các kỳ nghỉ lễ trong năm sao cho người lao động vừa được
nghỉ ngơi nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh là một bài
toán với các quốc gia.
Dịp nghỉ lễ Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5 năm nay trùng
vào dịp cuối tuần nên kéo dài 5 ngày, là một trong hai kỳ nghỉ dài nhất
trong các dịp nghỉ lễ năm 2019 của người dân cả nước. Dịp nghỉ lễ không
chỉ là thời gian giúp người lao động nghỉ ngơi tái tạo sức lao động mà
còn giúp kích cầu mua sắm, thúc đẩy thương mại và dịch vụ.
VIỆT NAM NGHỈ LỄ NHIỀU HAY ÍT?
Mỗi quốc gia thường có những ngày nghỉ trong năm để ăn mừng những sự
kiện văn hóa, tôn giáo hay chính trị quan trọng. Những ngày lễ đặc biệt,
người lao động không phải đi làm mà vẫn được hưởng lương, được gọi là
ngày nghỉ lễ. Những ngày nghỉ lễ thường được quy định trong luật lao
động của mỗi nước.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động, một năm người lao động ở Việt Nam
được nghỉ lễ, Tết tổng cộng là 10 ngày. Ngoài 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch,
còn có các ngày nghỉ Tết Dương lịch, Giỗ Tổ Hùng Vương, Chiến thắng 30/4, Quốc tế Lao động 1/5 và Quốc khánh 2/9.
So với nhiều nước trên thế giới, 10 ngày nghỉ lễ của Việt Nam không
phải là quá nhiều. Không khó để kiểm chứng về những quốc gia có số ngày
nghỉ lễ trong năm trên 10 ngày, chẳng hạn như: Ấn Độ nghỉ 21 ngày; Trung
Quốc nghỉ 17 ngày; Thổ Nhĩ Kỳ nghỉ 16 ngày; Thụy Điển nghỉ 15 ngày; Mỹ
nghỉ 10 ngày…
Thậm chí so với những nước trong khu vực, Việt Nam cũng có ngày nghỉ
lễ ít hơn, Campuchia nghỉ tới 27 ngày; Philippines nghỉ 18 ngày, Thái
Lan nghỉ 16 ngày, Malaysia và Nhật Bản nghỉ 15 ngày, Lào nghỉ 12
ngày...
Như vậy, có thể thấy thời gian nghỉ lễ của Việt Nam vẫn thấp hơn
nhiều nước trong khu vực và thế giới. Đây có lẽ là lý do khiến Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ
trong năm, tăng số ngày nghỉ lễ, Tết lên 11 ngày.
NGHỈ THÊM VÀO DỊP NÀO?
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xem xét nghiên cứu, lấy ý kiến
về việc bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ vào dịp 27/7 để tri ân những
người có công với đất nước. Mặc dù đây mới chỉ là nghiên cứu chưa đưa
vào dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động cuối cùng nhưng việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Lao
động và Xã hội, dịp 27/7 khắp nơi trong cả nước vẫn tổ chức các hoạt
động thăm viếng nghĩa trang, liệt sỹ, tri ân tặng quà người có công. Ở
Việt Nam có hàng triệu gia đình có người thân hy sinh trong các cuộc
kháng chiến. Các nghĩa trang ở Việt Nam rất nhiều, nếu không được nghỉ,
thân nhân liệt sỹ vẫn nghỉ phép để đi thăm viếng nghĩa trang.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: “Về mặt văn hóa, tôi cho rằng đây
là nghĩa cử cao đẹp. Đứng về mặt kinh tế, nghỉ thêm một ngày nữa cũng
không ảnh hưởng đến năng suất lao động, ngược lại còn kích cầu du lịch,
mua sắm…”.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam) thì cho rằng: hiện nay, tính về tổng số ngày nghỉ lễ
trong năm, 10 ngày nghỉ là chưa quá nhiều, có thể xem xét tăng thêm một
hoặc thậm chí là hai ngày nghỉ để người lao động tái tạo sức lao động.
Đứng ở góc độ phát triển kinh tế, việc nghỉ thêm một ngày cũng là cơ hội
kích cầu mua sắm, thúc đẩy thương mại và dịch vụ.
“Phương án thêm một ngày nghỉ lễ vào dịp 27/7 có ý nghĩa riêng. Tuy
nhiên theo tôi, chúng ta cũng nên quan tâm thêm tới phương án nghỉ kéo
dài vào dịp Tết Dương lịch. Điều này cũng phù hợp với xu thế của nhiều
nước là nghỉ dài ngày trong dịp đầu năm mới”, ông Lê Đình Quảng nói.
Việc sắp xếp các kỳ nghỉ lễ sao cho người lao động vừa được nghỉ ngơi
nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là một bài toán
với các quốc gia. Tại Trung Quốc, ngoài những ngày lễ chỉ được nghỉ 1
ngày, nước này áp dụng chế độ 2 “Tuần lễ Vàng” để có kỳ nghỉ lễ tập
trung, có nghĩa là người dân nước này sẽ được hưởng 2 kỳ nghỉ dài, mỗi
kỳ nghỉ kéo dài liên tục trong một tuần lễ, gồm nghỉ Tết Nguyên đán,
nghỉ Quốc khánh.
Một số quốc gia lại lựa chọn các ngày Tết thiếu nhi, ngày Hiến pháp,
lễ phật giáo, lễ Giáng sinh, sinh nhật nhà vua… để làm ngày nghỉ lễ.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã
hội cũng cho biết thêm, Bộ Luật Lao động 2012 đã khá nhân văn khi có quy
định nghỉ bù để đảm bảo trọn vẹn ngày nghỉ của người lao động. Quy định
cho phép hoán đổi ngày nghỉ cũng tạp ra các kỳ nghỉ lễ dài tới 3-5
ngày.
Tuy nhiên, ông Phạm Minh Huân cũng cảnh báo khi điều chỉnh thêm ngày
nghỉ lễ, thời điểm nghỉ cần đánh giá tác động xã hội vì nó sẽ ảnh hưởng
không nhỏ đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp./.
Hồng Kiều (Vietnam+)