Những kết quả đạt được
Hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính có năng lực công tác tốt, chuyên môn, nghiệp vụ vững; phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình, hăng hái trong công việc, có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, luôn phấn đấu và rèn luyện vì mục tiêu phục vụ nhà nước, phụng sự nhân dân.
Nhận thức được vai trò của giáo dục đạo đức công vụ, những năm qua, lãnh đạo cơ quan Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo, tăng cường giáo dục đạo đức công vụ thông qua việcban hành Quyết định số 2123/QĐ-BTC ngày 27/8/2012 phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2011 – 2020”, trong đó đưa ra các nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao năng lực công chức Bộ Tài chính qua việc xây dựng, thực hiện các đề án trọng điểm và đổi mới công tác quản lý từ khâu tuyển dụng, đào tạo đến sử dụng công chức.Từ năm 2011 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 33 chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức đi học tập, nâng cao trình độ trong và ngoài nước; cải tiến về cách thức, nội dung thi tuyển, đảm bảo lựa chọn được nhân lực có phẩm chất tốt, trình độ lý luận chính trị, kiến thức, tư duy tốt, đáp ứng yêu cầu công việc. Đảng ủy Bộ Tài chính tập trung lãnh đạo, quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng thông qua nhiều nội dung, hình thức khác nhau, trong đó chú trọng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiệnChỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,… Qua đó góp phần bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ quan Bộ.
Tổng số cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính gồm hơn 1.000 người trong đó nữ chiếm khoảng 47%; công chức có độ tuổi từ 30 tuổi trở xuống chiếm 13,5%; trình độ Đại học chiếm 99,6% trong đó trình độ Thạc sỹchiếm 48,5% trình độ Tiến sỹ chiếm 2,7%. Số lượng đảng viên chiếm 56%; trình độ luận chính trị trung cấp 82,8%, cao cấp chiếm 13,8%. (Nguồn số liệu tham khảo thống kê chất lượng đội ngũ công chức đến 31/12/2017 của Bộ Tài chính). |
Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nội dung giáo dục đạo đức công vụ được mở rộng ở nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm: Giáo dục đạo đức cách mạng, chuẩn mực xã hội về đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về đạo đức công vụ, ý thức pháp luật trong thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp, hành vi đạo đức trong thực thi công vụ, kỹ năng xử lý tình huống công vụ. Trong số các nội dung này, nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nhiều nhất và đem lại kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các nội dung giáo dục truyền thống của cơ quan, dân tộc cũng được chú trọng giáo dục thông qua việc tuyên truyền các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc; truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Tài chính; các phong trào thi đua yêu nước; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động thiện nguyện, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội,… Qua đó, nâng cao nhận thức, vai trò và ý thức trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân của mỗi cán bộ, công chức.
Trong giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính, nhìn chung, các phương pháp được sử dụng khá linh hoạt, đa dạng, bao gồm tích hợp các phương pháp như: thuyết trình, đối thoại, nêu gương, giao việc, luyện tập, khen thưởng, trách phạt,… Các hình thức giáo dục cá nhân, giáo dục nhóm, giáo dục đại chúng đều được áp dụng thực hiện, trong đó hình thức giáo dục qua hội nghị, lớp học và các hình thức giáo dục đại chúng như sách báo, tài liệu, phát thanh, truyền hình, internet, phương tiện trực quan,… được sử dụng phổ biến nhất. Riêng với hình thức giáo dục đại chúng, ngành Tài chính tập trung đẩy mạnh nội dung tuyên truyền về đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thông qua các tin, bài viết trên các trang mạng xã hội, sách báo, tạp chí như: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, trang thông tin Đảng bộ Bộ Tài chính, cuốn “Thông tin công tác Đảng” – đặc san của Đảng bộ Bộ Tài chính (phát hành 2 tháng/1 số), trang Thời báo Tài chính, Tạp chí Tài chính… Với các kênh thông tin này, nội dung giáo dục đạo đức công vụ được truyền tải thường xuyên hơn, với nhiều hình thức phong phú hơn.
Giáo dục đạo đức công vụ là nội dung quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Nhận thức rõ điều này, cơ quan Bộ Tài chính đã chú ý mở rộng phạm vi giáo dục, không chỉ giáo dục qua các hội nghị, hội thảo tại cơ quan mà còn đưa nội dung giáo dục đạo đức công vụ vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại các cơ sở đào tạo; đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục ngoài xã hội thông qua các biện pháp giáo dục, tư vấn cá nhân và các hoạt động thực tiễn như hoạt động tham quan, giao lưu, trò chuyện cùng gương điển hình tiên tiến, cựu lãnh đạo, lão thành cách mạng và nhiều hoạt động về nguồn khác.
Với việc quan tâm giáo dục đạo đức công vụ, chất lượng cán bộ, công chức Bộ Tài chính được nâng cao. Tỷ lệ cán bộ, công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên hàng năm tăng lên; tỷ lệ công chức, viên chức giữ ngạch cán sự giảm. Tỷ lệ công chức, viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học tăng; tỷ lệ công chức, viên chức có trình độ đào tạo cao đẳng trở xuống giảm. Năng lực cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính được đánh giá cao, nhất là năng lực hành vi, đạo đức nghề nghiệp. Công tác phát triển đảng viên đạt kết quả tốt. Theo đánh giá hàng năm, phần lớn cán bộ, đảng viên đều được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đảng bộ Bộ Tài chính cũng nhiều năm liền được đánh giá là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ trong giai đoạn hiện nay
Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính vẫn còn nhiều hạn chế như: Quá trình triển khai xây dựng và đào tạo chương trình giáo dục đạo đức công vụ còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; thiếu các chương trình giáo dục ngoại khóa trong giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức; thế mạnh của các phương pháp, hình thức giáo dục cũng chưa được khai thác tốt; hầu hết phương pháp giáo dục còn mang tính một chiều, áp đặt, không phát huy được tính tích cực của đối tượng; phạm vi giáo dục chưa được khai thác tối đa, tần suất giáo dục ít, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Do vậy, để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính cần có những biện pháp cụ thể và đồng bộ hơn nữa, cụ thể như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thủ trưởng cơ quan Bộ Tài chính trong giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức. Trước hết là nâng cao nhận thức của chủ thể lãnh đạo, quản lý trong các khâu của công tác cán bộ, từ khâu tuyển chọn, quy hoạch, đề bạt đếnđánh giá, sử dụng, quản lý, luân chuyển, cán bộ.
Cấp ủy đảng chỉ đạo làm tốt công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng của từng cấp ủy, chi bộ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, công chứcBộ Tài chính thông qua nhiều hình thức, phương pháp khác nhau; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện của cấp ủy đảng, đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động của công chức Bộ Tài chính; xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tu dưỡng, rèn luyện, đồng thời thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại giữa cấp ủy đảng và thủ trưởng cơ quan, đơn vị với công chức Bộ Tài chính nhằm nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và những vấn đề phát sinh trong tư tưởng, nhận thức của cán bộ, công chức để định hướng, điều chỉnh.
Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức. Nội dung giáo dục đảm bảo tính mục đích và tính tư tưởng của công tác giáo dục; chú trọng giáo dục những phẩm chất đạo đức XHCN; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, thái độ lao động, tính trách nhiệm, cần cù, thật thà, dũng cảm trong lao động, coi lao động là vinh dự, hạnh phúc, là lẽ sống của con người, từ đó nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, hợp tác, sáng tạo trong thực thi công vụ. Ngoài nội dung trên, cán bộ, công chức cần được giáo dục nhiều chuẩn mực, giá trị đạo đức khác để đảm bảo rèn luyện hành vi, thói quen ứng xử trong xã hội, nhất là với công dân.
Hình thức giáo dục đổi mới theo hướng sau: Sử dụng đa dạng các hình thức trong giáo dục đạo đức công vụ, bao gồm giáo dục thông qua hội nghị, lớp học, giáo dục cá nhân và giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội,…; chú trọng giáo dục đạo đức công vụ thông qua công việc tại cơ quan, qua hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm; xây dựng chuyên trang, chuyên mục giáo dục đạo đức công vụ, nghiên cứu, bổ sung thêm trang thông tin hoặc tạp chí riêng về chủ đề đạo đức công vụ và giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính; tổ chức các hội thi, phát động phong trào thi đua tại đơn vị như phong trào xây dựng hình mẫu cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính thân thiện, chuyên nghiệp, phong trào xây dựng văn hóa công sở, phong trào cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức Hội thi nghiên cứu khoa học, xây dựng các đề tài nghiên cứu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Về phương pháp giáo dục, trước hết, phải sử dụng tổng hợp các phương pháp trong giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, tăng cường sử dụng các phương pháp giáo dục tác động hai chiều, phát huy tính tích cực, tự giác của đối tượng như phương pháp đàm thoại, thảo luận nhóm, tranh luận, hỏi đáp,…; chú trọng phương pháp giáo dục thông qua các tấm gương sáng, gương người tốt việc tốt trong và ngoài cơ quan, đơn vị, nhất là những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Căn cứ vào nội dung giáo dục, sau mỗi quá trình giáo dục, chủ thể giáo dục, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần phát động phong trào thi đua, tổ chức cho cán bộ, công chức được luyện tập theo các nội dung đã học; tạo dư luận xã hội lành mạnh trong tập thể cơ quan Bộ Tài chính, đó là dư luận hoan nghênh, ủng hộ những nhận thức, thái độ, hành vi đúng và dư luận lên án với những nhận thức, thái độ, hành vi sai lầm, làm ảnh hưởng đến lợi ích chung, đi ngược lại chuẩn mực xã hội.
Về phương tiện giáo dục, cơ quan Bộ Tài chính cần đầu tư hơn nữa cho công tác giáo dục, nhất là việc sử dụng các phương tiện trực quan, tăng cường nghiên cứu, xuất bản tài liệu, sách, báo, tạp chí, cẩm nang cung cấp cho cán bộ, công chức; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của cơ quan nghiên cứu khoa học trong nhà trường và ngành Bộ Tài chính; khuyến khích phát triển các câu lạc bộ, hội nhóm tích cực, cùng học tập, nghiên cứu, hoạt động văn hóa – văn nghệ trong cơ quan; nâng cao chất lượng quản lý thư viện, thường xuyên cập nhật, bổ sung sách, tài liệu, khuyến khích cán bộ, công chức đến nghiên cứu, học tập; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng sẵn có, đồng thời khai thác các phương tiện khác như giáo dục đạo đức công vụ qua mạng xã hội, bản tin phát hành hàng tháng,…
Ba là, gắn giáo dục đạo đức công vụ với công tác cán bộ, với trách nhiệm của người đứng đầu, với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, trong đó trách nhiệm của người đứng đầu giữ vai trò điều phối. Tại cơ quan Bộ Tài chính, để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cần tập trung giáo dục, bồi dưỡng kiến thức mọi mặt cho người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, tạo nền tảng để họ nhận định chính xác tình hình thực tế và nêu cao vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao bản lĩnh chính trị, nói không với chạy chức, chạy quyền, tham nhũng trong công tác cán bộ; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu với việc thực thi công vụ của cơ quan, đơn vị.
Bốn là, coi trọng giáo dục những tấm gương sáng trong thực thi đạo đức công vụ. Gương được nêu phải cụ thể, rõ ràng; hình thức nêu gương cần đa dạng, phong phú; trong quá trình phân tích gương điển hình phải chú ý phân tích làm rõ cách làm, biện pháp tu dưỡng, rèn luyện, những khó khăn và nguyên nhân đạt được kết quả nhằm giúp cán bộ, công chức hiểu toàn diện, từ đó tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Gương được nêu không chỉ là gương sáng tại cơ quan, đơn vị mà phải mở rộng, lựa chọn các tấm gương tiểu biểu tại các cơ quan, đơn vị khác, trên nhiều lĩnh vực khác, khai thác nêu bật những yếu tố về truyền thống đạo đức, truyền thống cách mạnh, sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện, ý thức trách nhiệm, tinh thần vượt khó của mỗi cá nhân. Bên cạnh việc nêu gương sáng, cần chú ý nêu cả các biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy định trong thực thi công vụ nhằm giáo dục và hạn chế những hành vi vi phạm.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời nâng cao vai trò giám sát của người dân đối với hoạt động của cán bộ, công chức. Kết quả kiểm tra phải chỉ rõ được những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân; phải gắn thanh tra, kiểm tra với khen thưởng, xử phạt nghiêm minh, đồng thời xác định rõ phương hướng khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm ở từng tập thể, cá nhân.
Cùng với thanh tra, kiểm tra, cần nêu cao vai trò giám sát của người dân đối với hoạt động của cán bộ, công chức cơ quan Bộ Tài chính. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân chính là cách thức hữu hiệu giúp tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của người dân, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức là một đòi hỏi tất yếu và để thực hiện cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện vừa đề cao vai trò, trách nhiệm của chủ thể giáo dục, vừa khơi dạy ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác của mỗi cán bộ, công chức./.
Nguyễn Thị Lê Ngọc
Bộ Tài chính