Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 2/9/2019 15:20'(GMT+7)

Một số suy nghĩ về nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay

Hội nghị phối hợp công tác nghiên cứu lý luận (NCLL)-thực tiễn về quốc phòng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - Ảnh minh họa

Hội nghị phối hợp công tác nghiên cứu lý luận (NCLL)-thực tiễn về quốc phòng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - Ảnh minh họa


1- Trong cuộc tấn công, chống phá ta của các thế lực phản động trong và ngoài nước, chúng thường tập trung vào lĩnh vực tư tưởng, lý luận, bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, có tác động lâu dài và khó lường. Với âm mưu xảo quyệt, các thế lực phản động liên tục và ráo riết tiến hành các hoạt động chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình"; thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ta để đi đến tan rã, như sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây.

Sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Mũi nhọn tấn công của chúng trước hết tập trung vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tung ra những luận điệu xuyên tạc, như Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng “toàn trị”; một đảng bảo thủ bởi khư khư ôm những “lý luận ngoại lai”, lỗi thời đã bị người ta từ bỏ, ngay tại những nơi mà nó được hình thành... Trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì các thế lực phản động cũng tìm “trăm phương ngàn kế” để chống phá, bôi nhọ hình ảnh và tư tưởng Hồ Chí Minh, tán phát những tài liệu xuyên tạc để hạ bệ hình ảnh của lãnh tụ trong lòng nhân dân và dân tộc Việt Nam. Các phương tiện truyền thông xã hội được chúng huy động, sử dụng triệt để nhằm chống phá sự lãnh đạo và nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bằng những thủ đoạn đánh tráo, tung tin giả mạo gây hoang mang, hồ nghi trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, chúng còn tổ chức lực lượng viết các bài núp bóng cái gọi là "lý luận" để bóp méo các quan điểm, tư tưởng cốt lõi của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lê-nin và con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Đối tượng mà các thế lực phản động hướng đến không chỉ là các tầng lớp nhân dân trong xã hội, mà còn là những cán bộ, đảng viên. Chúng lôi kéo và sử dụng triệt để các phần tử có hiểu biết luật pháp và trình độ nhất định, nhưng bất mãn chính trị, để chống lại chế độ ta. Đặc biệt, chúng tập hợp lực lượng trong và ngoài nước tập trung khuyếch đại, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của Đảng và Nhà nước, tạo ra sức ép từ nhiều phía hòng phế bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa và cũng là để đánh lạc hướng, gây hoang mang trong dư luận. Bên cạnh đó, chúng còn khoét sâu vào những sơ hở, thổi phồng những yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý cán bộ, nhất là thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, rơi vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đánh mất phẩm chất đảng viên, làm tổn hại tới uy tín và thanh danh của Đảng.

2- Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương: “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”(1).

Đảng ta khẳng định, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, cơ sở lý luận và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng, cho nên khi tiến hành đấu tranh với các quan điểm thù địch, sai trái, cần nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn những quan điểm lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Như vậy, điều quan trọng ở đây là phải nhận thức sâu sắc và cần đặt những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong cả hệ thống như một chỉnh thể, không được cắt xén. Chúng ta cần có những nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, có hệ thống trong việc xác định, làm rõ những luận điểm nào trước đây đúng, nay vẫn đúng và về sau vẫn đúng; những luận điểm nào không còn phù hợp do thực tiễn đã thay đổi; những luận điểm nào vốn đúng, nhưng bị nhận thức và vận dụng sai; những luận điểm nào cần được phát triển, cần nhận thức lại, để bổ sung vào lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho phù hợp với bối cảnh mới. Như vậy, chúng ta mới có đầy đủ cơ sở lý luận trong đấu tranh, phản bác một cách hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.

Muốn bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, cũng cần phát huy sức mạnh thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng trong hoạt động thực tiễn, không rơi vào hai thái cực: chủ nghĩa cơ hội, xét lại hoặc bảo thủ, cực đoan, giáo điều. Tuy nhiên, không nên hiểu và đánh đồng một cách giản đơn giữa việc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại với thái độ bảo thủ, không phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện mới và do vậy, sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều. Điều này đã được V.I.Lê-nin phân tích rõ trong bài viết: “Về một số đặc điểm trong sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa Mác” (năm 1910). Đây là một bài viết mẫu mực của sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác. Nhắc lại luận điểm nổi tiếng của Ph.Ăng-ghen khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động cách mạng, V.I.Lê-nin nhấn mạnh tới phương diện quan trọng này của chủ nghĩa Mác mà người ta thường hay quên không nhìn tới. Người viết: “Mà quên không nhìn tới phương diện ấy thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó - tức là phép biện chứng, học thuyết về sự phát triển lịch sử toàn diện và đầy mâu thuẫn; như thế chúng ta sẽ phá hủy sự liên hệ giữa chủ nghĩa Mác với những nhiệm vụ thực tiễn nhất định của thời đại, những nhiệm vụ có thể biến đổi ở mỗi bước ngoặt mới của lịch sử”(2).

Từ những tư tưởng của các nhà kinh điển mác-xít, chúng ta thấy rằng, muốn phát triển lý luận thì trước hết cần phải có tư duy phê phán và sáng tạo, dám đổi mới vượt qua những rào cản của tư duy lối mòn, cũ kỹ, cản trở sự phát triển của lý luận và thực tiễn. Bản thân Ph.Ăng-ghen cũng như C.Mác luôn quán triệt tinh thần đó và là những tấm gương mẫu mực trong việc tự phê phán, tự thay đổi, bổ sung lý luận một khi tình hình thực tiễn đã thay đổi. Sự bổ sung, làm mới lý luận không phải là “chuyển hướng”, thay đổi mục tiêu mà để tiệm cận đến chân lý, sát thực với thực tiễn hơn.

Rõ ràng, đổi mới tư duy và lý luận là nhu cầu cấp thiết, nhưng phải trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Như C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã chỉ rõ, cần tránh hai thái cực, hoặc đổi mới nhưng không kiên định lập trường, đổi mới vô nguyên tắc hoặc biến học thuyết của các ông trở thành giáo điều, tín điều bất di bất dịch, coi đó chỉ là những chân lý có sẵn.

Như vậy, việc phát triển tư duy lý luận để đáp ứng những yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch phụ thuộc trước hết vào việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào tình hình cụ thể của nước ta. Tuy nhiên, để có thể bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, người nghiên cứu phải có được một điều kiện hết sức quan trọng, đó là dân chủ trong nghiên cứu, bên cạnh những khuyến khích về vật chất. Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng đều đã nhấn mạnh tới việc chú trọng nâng cao tính khoa học, tính thực tiễn và sự mạnh dạn khám phá, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận. 

3- Tổng kết hơn 30 năm đổi mới và phát triển giúp chúng ta nhận thức đầy đủ thêm một bước, bổ sung, phát triển một số phương diện nhất định trong lý luận nói chung và lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng. Song, để có thể nhận thức đúng đắn, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần phải thấm nhuần quan điểm, lập trường cách mạng, khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Hiện nay, không ít vấn đề mà thực tiễn đặt ra nhưng lý luận chưa giải quyết thoả đáng, thậm chí còn xa so với nhu cầu thực tiễn đổi mới, trong đó nổi lên một số vấn đề lớn sau đây cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết:

Thứ nhất, làm sáng tỏ hơn và sâu sắc hơn những vấn đề cơ bản và cấp bách về thời đại và các đặc trưng chủ yếu của thời đại: vấn đề toàn cầu hoá kinh tế, kinh tế tri thức, chủ nghĩa tư bản hiện đại; các phong trào và lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới ngày nay. Nghiên cứu tình hình thế giới và khu vực, cục diện, quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng và tương quan các lực lượng trên thế giới, những biến động về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng trong khu vực và thế giới; an ninh hàng hải trên thế giới và khu vực, vấn đề Biển Đông; các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo.

Thứ hai, đi sâu nghiên cứu hệ thống quan điểm về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam; về các mối quan hệ lớn được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về phát triển kinh tế tri thức; về hội nhập quốc tế; về phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu lý luận của các trào lưu mác-xít phương Tây, tổng kết những đóng góp và những hạn chế của các trào lưu này trong việc tìm tòi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển chủ nghĩa Mác ở phương Tây; song song với việc giao lưu thường xuyên về lý luận, trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo với các đảng phái chính trị mác-xít cánh tả và thuộc trào lưu dân chủ xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội và các tư tưởng thù địch dưới mọi màu sắc.

Thứ tư, nghiên cứu, tổng kết, phát triển và hoàn chỉnh những luận cứ khoa học làm cơ sở hoạch định đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực để phát triển đất nước, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát triển văn hóa để xây dựng con người phát triển toàn diện. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực sự coi trọng giáo dục và đào tạo cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Làm rõ sự biến đổi cơ cấu, giai tầng xã hội, xây dựng cộng đồng xã hội văn minh, bảo đảm quyền con người.

Thứ năm, vấn đề Đảng cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ hóa xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng thông tin; phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước... Những quan điểm, nội dung và nguyên tắc đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam; vấn đề hoàn thiện cơ chế phản biện, giám sát xã hội nhằm phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. 

Thứ sáu, nghiên cứu lý luận phục vụ công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại nhằm bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định và môi trường hoà bình, làm thất bại âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động; chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới... Dự báo những xu thế lớn của khu vực và thế giới, thời cơ, thuận lợi cũng như thách thức tác động tới công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên hết, để công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả, mấu chốt là cần làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng - xem đây là nhiệm vụ trước tiên, sống còn, để giữ vững vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng, để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã căn dặn./.

-----------------------------------

(1 )Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 200 - 201
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát xcơva, 1980, t.20, tr.99

Kim Ngọc Đàm
Nguồn: Tạp chí Cộng sản

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất